Như mọi ngày, trưa hôm đó 2 vợ chồng tôi ở cơ quan về. Dựng
xe ở sân ngoài, vợ tôi đi xuống bếp chuẩn bị bữa cơm trưa, còn tôi đi lên căn
buồng của mình. Tôi ngồi chưa ấm chỗ thì nghe thấy tiếng chân bước vội ngoài
ngõ. Tôi nhận ra đó là tiếng bước chân của Bố tôi. Ông đột ngột xuất hiện ở
cửa, mặt nhăn nhó, tái nhợt. Ông nói giọng đứt quãng:
-Khải ơi, chết rồi.
Tôi hốt hoảng:
-Sao vậy hả bố?
-Đi xuống nhà bố bảo.
Tôi vội theo chân Bố xuống nhà. Trên mặt bàn kê giữa buồng
có la liệt các mảnh vỡ của thứ đồ gì đó.
Bố tôi chỉ tay vào chiếc ghế:
-Con ngồi xuống đây.
Hai bố con tôi ngồi trước cái bàn đầy các mảnh vỡ đó.
-Vợ con vừa đánh vỡ đồ cổ của bố. Đồ này người ta đưa đến để
sửa chữa. Vợ con đi qua, thấy nó đẹp bèn cầm lên xem, ai ngờ đánh rơi vỡ mất
rồi.
Tôi lặng người, không biết nói thế nào, trong lòng rất hoang
mang. Rồi Bố tôi lên tiếng:
-Bây giờ làm thế nào hả con?
Tôi vẫn chẳng thể nói gì, chỉ ngồi nhìn trân trân vào những
mảnh vỡ đó. Bố tôi nói tiếp:
-Đồ này rất đắt tiền. Nếu đền người ta thì không biết bao
nhiêu tiền mà kể. Bây giờ chỉ còn cách cố gắng chữa được phần nào hay phần đấy
rồi bố sẽ điều đình với người ta.
Tôi hỏi:
-Thế cái đồ này hình dáng nó như thế nào hả bố ?
Ông lấy giấy bút, vẽ phác hình dạng đồ vật bị vỡ để tôi hình
dung ra được. Ông giải thích đây là chiếc lư đời Hán làm bằng đất nung rất
mỏng, mộc, không men, màu nâu nhạt. Chiếc lư này cao khoảng 18-20cm, miệng rộng
cũng gần ngang với đáy, có 3 chân. Tôi nói:
-Gắn cái này rất khó bố ạ. Khi ta gắn lọ hay chóe thì miệng nó
nhỏ, ta chỉ cần đảm bảo độ phẳng ở bên ngoài còn bên trong không nhìn thấy
được. Cái lư này miệng lại rộng nên phải đảm bảo độ cong, phẳng cả ở bên ngoài
lẫn bên trong, như vậy cực khó. Nó lại không có họa tiết nên lại càng khó che
dấu vết gắn.
-Đúng đấy con ạ, gắn cái này rất khó. Nhưng khó mấy cũng
phải làm vì nhà ta không có đủ tiền đền cho người ta đâu.
Và Ông chỉ định luôn:
-Con sẽ gắn cái này.
Tôi hốt hoảng nhìn Bố. Ông nhắc lại:
-Con gắn. Bố sẽ hướng dẫn con. Con tinh mắt, tỉ mỉ lại khéo
tay, con sẽ làm được.
Tôi hết đường từ chối, đành chấp nhận việc gắn lại chiếc lư
mà trong lòng hoang mang vô cùng vì đã bao giờ tôi sửa chữa đồ cổ đâu.
-Bố để con đến cơ quan sắp xếp công việc.
-Có làm thì ngày mai mới bắt đầu được.
Khi đã sắp xếp công việc ở cơ quan cho hợp lí thì tôi mới có
thể trốn một số giờ nhà
nước mà về được. Ngày hôm sau tôi bắt đầu bắt tay vào việc.
Công việc lúc đầu thật lúng túng và khó khăn vì các lí do:
-Tôi chưa làm quen với nghề sửa chữa đồ cổ bao giờ cả.
-Chiếc lư bị vỡ quá nhiều mảnh: tới 19 mảnh và một số mảnh
lụn vụn.
-Những mảnh ghép, gắn vào nhau, chỗ dày nhất 3-4mm, chỗ mỏng
nhất chỉ có hơn 1mm.
Hai bố con nghiên cứu, bàn bạc cách gắn xem như thế nào cho
tốt đẹp nhất, đảm bảo nhất. Rồi dần dần hướng sửa chữa tái tạo lại hình dáng
cho chiếc lư cũng vỡ dần ra và 2 bố con tôi bắt tay vào làm Cặm cụi cả buổi chiều mới giáp lai được
3 mảnh. Lại cùng nhau ngắm nghía để rút kinh nghiệm, khắc phục các phần bị lộ ở
giáp lai giữa các mảnh ghép lại.
Sáng tôi đến cơ quan làm việc, chiều tôi trốn ở nhà để gắn
lư. Vài ba ngày trôi qua rồi đến cuối tuần. Lúc này bố con tôi đã làm được phần
dưới của chiếc lư. Nó gồm 3 cái chân và phần đáy tức đã được 1/3 công việc. Hai
bố con nhìn ngắm kết quả lao động nghệ thuật của mình và cũng thấy phần nào hài lòng. Bố tôi nói:
-Ngày mai khách đến hỏi rồi đấy, bố sẽ nói khó với người ta
lui lại vài ngày, chắc họ cũng chấp nhận thôi.
Quả thật, sáng hôm sau tôi cố tình đi làm muộn và đã biết
mặt chủ nhân của chiếc lư đời Hán. Đó là 1 thanh niên gày nhỏ, đi chiếc xe đạp.
Sau này thì tôI mới biết tên - đó là anh Chương. Buổi trưa, đi làm về, bố tôi
nói:
-Bố đã khất thêm được 1 tuần nữa. Nhưng anh ta nhăn nhó và
dặn 1 tuần nữa dứt khoát phải xong không thì lỡ việc của anh ta. Thôi con cố
gắng không thì mang tiếng.
Lại 1 tuần nữa trôi qua rất nhanh, nhưng công việc mới chỉ tiến triển
lên đến thân của chiếc lư, còn phần miệng thì chưa có gì. Tuy mới xong 2/3 công
việc nhưng khi ngắm cái lư đã có dáng thì 2 bố con càng quyết tâm hơn.
Cuối tuần, người thanh niên kia lại đến. Lần này thì anh ta
cáu thực sự. Bố tôi chỉ còn cách xin lỗi, xin lỗi liên tục với lí do công việc
bộn bề. Bố tôi lại xin gia hạn 1 tuần nữa. Anh ta đòi xem cái
lư đang chữa nhưng Bố tôi từ chối với lý do bí mật nghề nghiệp .
-Thôi được rồi, cháu nể bác là người lớn. Nhưng lần sau cháu
đến mà chưa xong thì bác phải mua lại đồ của cháu chứ cháu không mang về đâu.
Bác làm lỡ việc của cháu rồi vì khách của cháu đã về nước, người ta không đợi
được nữa.
Một tuần nữa lại trôi qua thật căng thẳng, nhưng lần này
công việc đã hoàn tất. Chiếc lư đã được gắn xong. Khó nhất là cái miệng của nó:
phải làm sao cho thật tròn, thật thuôn, thật mịn. Đây cũng
là nơi người ta hay sờ nắn kiểm tra nhiều nhất .
Hai bố con ngồi ngắm lại “tác phẩm” của mình và rất yên tâm
vì cái lư được gắn 1 cách rất hoàn hảo. Nếu ai không biết chuyện nó đã từng tan
ra 19 mảnh thì không thể nghĩ rằng nó vừa được hồi sinh. Bố tôi nói:
-Con ạ, ngày mai anh ấy đến rồi, bố sẽ lựa lời nói cho sao
cho anh ấy vừa lòng.
Sáng hôm sau, tôi lại cố tình đi làm muộn, trong lòng bồn
chồn bất an. Tôi muốn biết thật nhanh kết quả câu chuyện như thế nào. Rồi tôi
nghe thấy tiếng gọi cửa. Tôi lui vào, khép hờ cánh cửa buồng mình. Tôi nghe
thấy tiếng chân vội vã của Bố đi ra cổng. Tiếng mở cửa. Tiếng hỏi:
-Việc của cháu xong chưa hả bác?
-Xong rồi, hôm nay anh có thể mang về được rồi.
Tôi ngồi trong buồng, trong lòng như có lửa đốt, không biết
câu chuyện diễn biến ra sao. Nhưng rồi cuối cùng cũng thấy tiếng bước chân. Bố
tôi đang tiễn khách ra cổng. Rồi tiếng cài then. Rồi cửa buồng tôi mở ra. Bố
tôi xuất hiện với nét mặt rạng rỡ:
-Xong rồi Khải ạ. Con xuống nhà với bố.
Tôi theo chân Bố xuống nhà. Bố tôi kể:
-Anh ấy cầm cái lư lên xem, ngắm đi ngắm lại, soi lên soi xuống rồi anh ấy nói: “Dứt
khoát là bác đã làm hỏng chỗ nào của cháu nên bác mới giữ lâu như thế”. Bố nói:
“Anh cứ xem kĩ đi”. Anh ta chỉ hết chỗ nọ đến chỗ kia rồi anh ta lại định cạo
ra để tìm dấu vết. Bố bảo: “Trước khi anh cạo chỗ nào đó, anh phải xác nhận là
tôi đã chữa trọn vẹn rồi. Nếu sau khi cạo mà có bị hỏng là tôi không chữa nữa
đâu vì mất nhiều thời gian lắm”. Anh ta phân vân 1 lúc rồi nói: “Nhưng cháu
khẳng định bác có làm hỏng cái gì đó mà bây giờ cháu chưa tìm ra được”. Cuối
cùng bố nói: “Thôi, vì tôi giữ lâu làm ảnh hưởng đến công việc làm ăn của anh, anh cho tôi xin lỗi và tôi không lấy tiền công sửa
đồ này nữa”. Và cuối cùng anh ta cũng nhất trí như vậy và cầm đồ về. Trước khi
về, anh ta vẫn trách: “Bác làm lỡ hết việc của cháu, mất cơ hội làm ăn của
cháu”. “Tôi xin lỗi anh, tại nó khó quá, gia đình lại có việc đột xuất. Thôi,
mong anh thông cảm”. Con ạ, thế là gia đình mình vừa thoát được một cái hạn rồi.
Việc khôi phục sửa chữa lại chiếc lư đời Hán đã kết thúc.
Nhưng nó lại mở ra 1 hướng đi mới cho tôi. Bố tôi nói luôn:
-Qua việc này bố nhìn thấy khả năng của con trong việc sửa
chữa đồ cổ. Con tinh mắt lại khéo tay nên từ nay trở đi trong việc chữa đồ cổ
của bố sẽ có việc bố giao cho con làm .
Tôi ngỡ ngàng nhưng trong lòng cũng thấy phấn chấn. Và từ
hôm đó thỉnh thoảng Bố tôi lại giao cho tôi sửa 1 cái gì đó của khách thuê Ông
làm. Trong thời gian gắn lại
chiếc lư đời Hán, Bố tôi đã dạy tôi nhiều kỹ thuật , thủ thuật trong nghề chữa
đồ cổ, vì vậy tay nghề của tôi tiến bộ rất nhanh. Trong quá trình sửa chữa
những đồ cổ mà Bố giao cho sau này, ngoài kỹ thuật sửa chữa Ông cũng giảng cho tôi về đặc điểm nghệ thuật
gốm sứ cua các đời Minh, Khang Hy, Tống, .v...v...Tôi đã trưởng thành nhanh
chóng trong nghề chữa đồ cổ và ngày càng yêu nghề hơn. Tôi đã chữa khá
nhiều đồ cổ và chưa bao giờ bị khách chê, yêu cầu làm lại. Công việc sửa chữa
khó mấy tôi cũng nhận, tôi rất tự tin, vì bên cạnh tôi luôn có một cố vấn tài
năng, dầy dạn kinh nghiệm sẽ chỉ bảo cho tôi khi tôi găp một việc không vượt
qua được, đó chính là Bố tôi. Tôi nhớ 1 kỉ niệm trong việc chữa đồ cổ là tôi lại gặp 1 vật dụng giống
chiếc lư đời Hán. Đó là cái thống cổ bị vỡ cũng phải gắn lại cả trong và ngoài
như nhau. Miệng thống rộng 50-60cm, thống
rất to và nặng lắm. Hôm đó, khi nghe thấy tiếng Bố gọi, tôi đi xuống
nhà, tôi thấy ông đang tiếp một bà. Nhìn bà khách, tôi nhận ngay ra là bà Hàm,
mẹ của bạn tôi, bà làm nghề buôn đồ cổ.
Vừa trông thấy tôi, bà Hàm reo lên:
-A, Khải đấy à. Cậu này là bạn của con trai tôi.
Nhưng khi thấy Bố tôi nói để cháu sửa chiếc thống này thì bà
Hàm lộ rõ vẻ không tin tưởng.
-Chiếc thống này cổ và đắt tiền lắm
-Bà cứ yên tâm, cháu nó còn gắn đồ tinh tế bằng mấy thế này
ấy chứ.
-Thế cháu cố
gắng giúp bác nhé.
-Vâng, cháu sẽ cố gắng.
Cái thống cổ này, đúng là có dễ hơn chiếc lư đời Hán vì nó
có họa tiết, gắn xong vẽ dặm lên đó là che được vết gắn. Nhưng bên trong
thì khó hơn vì nó chỉ có 1 mầu men trắng phơn phớt xanh.
Nhưng công việc rồi cũng hoàn tất tốt đẹp, bà Hàm rất ưng ý. Bà đã mang đến
chữa khá nhiều đồ cổ. Có lần bà đến, Bố tôi đi vắng, bà đã tin tưởng giao việc
thẳng cho tôi. Từ đấy công việc chữa đồ cổ phụ cho Bố tôi tiến triển rất thuận
lợi.
Nhưng rồi chẳng ai học được hết chữ “ngờ”. Tôi làm nghề này
được 1 thời gian thì ngoài Xã hội có biến chuyển. Có 1 chủ trương mới mà tôi
lại là người cơ quan chỉ định phải trực tiếp tham gia. Đó là chiến dịch Z30 của
thành phố Hà nội (vào cuối năm 1981): chiến dịch kiểm tra hành chính và tịch
thu tài sản bất minh (gồm bất động sản và các tài sản có giá trị khác mà chủ
yếu là đồ cổ) của những gia đình mà chính quyền nghi là làm ăn mờ ám. Tôi bị cơ
quan huy động đi tập trung làm nhiệm vụ này. Khi được lệnh tập trung, tất cả
đều nằm trong bí mật: Đi đâu? Làm gì? Ở đâu? Bao giờ về? ... mọi người đều
không biết. Chỉ biết qua 1 đêm ngủ tập trung, sớm tinh mơ hôm sau ôtô đưa từng
nhóm chúng tôi đến các gia đình đã có tên nằm trong danh sách. Và lúc ấy chúng
tôi mới biết nhiệm vụ của mình là niêm phong nhà, tịch thu đồ đạc, và di chuyển
gia đình họ đến nơi đã định sẵn. Cả Hà nội xôn xao, nín thở. Những gia đình khá
giả lo lắng không biết có nằm trong danh sách không?
Sau 3 - 4 đợt tham gia, tôi nhận ra 1 điều: những gia đình
bị tịch thu như vậy đa phần đều có những đồ cổ rất quí. Và trong các câu hỏi
được đặt ra cho chủ nhà đều có câu: Có tẩu tán đồ đi đâu không? Tôi đã suy nghĩ
rất nhiều về vấn đề này và giật mình nhận ra 1 điều: hiện gia đình mình nhận
chữa đồ cổ. Như vậy rất có thể bị nghi là nơi chứa chấp đồ tẩu tán. Tôi đem điều này trao đổi với Bố và khuyên Ông:
-Trong lúc xã hội đang có biến động, ta không nên vô tình
trở thành mục tiêu, rồi chính quyền đến hỏi thăm, rất phiền phức bố ạ. Tốt nhất
là tạm thời Bố tuyên bố nghỉ việc chữa đồ cổ, cái nào mình đang cầm thì trả hết
cho khách.
Sau khi nghe tôi phân tích, Bố tôi thấy hợp lí vì hành
nghề chữa đồ cổ trong lúc này thật
nguy hiểm. Thế là Bố tôi quyết định tạm ngừng và trả hết đồ cho mọi người.
Tưởng rằng việc này chỉ ngừng trong 1 thời gian, nhưng rồi
là ngừng hẳn vì các chính sách của Xã hội vẫn chưa ổn định cả thời gian dài sau
đó.
Tôi cũng theo chân Bố mà nghỉ luôn nghề chữa đồ cổ. Nhưng dư
âm nghề nghiệp cũng như tay nghề của tôi vẫn còn có người nhớ tới. Năm 1994,
tôi đang ở khu tập thể Yên lãng, đã có một người đưa một bà người Na uy mang
một đồ cổ đến nhờ tôi chữa, tôi đã phải từ chối, vì sau hơn 10 năm không hành
nghề, các phương tiện làm việc thất lạc hết rồi.
Một nghề rất quí của gia đình đã bị mai một đi một cách oan
uổng, thật đáng tiếc vô cùng .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét