NUÔI CHIM BỒ CÂU
Lúc nhà ở Lê hồng Phong, Trên tầng mái có 2 sân, sân trước dùng để phơi phóng, sân sau có mái. tôi vốn rất yêu chim chóc, súc vật nên quyết định dùng sân sau nuôi chim bồ câu. Tất cả các khâu từ đóng chuồng, làm ổ, máng ăn tự làm lấy vì nhà có xưởng mini mà. Hôm đi xem chỗ bán chim giống trong phố, không được vừa ý vì toàn chim ta nên vóc nhỏ. Nghe nói ở ngã ba Vũng Tầu có trại chim giống, thế là hai vợ chồng rủ nhau đèo xe máy đi, lúc đó 1998 nhà đã mua ô tô đâu. Đường khá xa, hơn 40 km, tìm được đến trại đã 11 giờ, xem các chỗ nuôi chim mà mê, toàn các loại chim giống cuả Pháp, mỗi con từ 0,8 đến 1 kg, thế là mua 4 cặp. Sợ chim bị mệt nên lên đường về ngay và 2 giờ chiều mới về đến nhà! Bây giờ nghĩ lại mới thấy cả hai vợ chồng nhiệt tình thật. việc gì cũng hết lòng, mà có lẽ như vậy mới có được những thành quả của ngày hôm nay.
Lũ chim được chăm sóc cẩn thận chu đáo nên chẳng mấy chốc đã to con và bước vào giai đoạn sinh sản. Những lứa chim non đầu tiên sao mà vui thế, xem chúng mớm mồi, nuôi con, lũ chim non lớn nhanh như thổi. Chả mấy chốc mà sân sau không còn đủ chuồng cho lũ chim, phải dời xuống nhà vườn Thủ Đức. Chim sinh sản nhiều qúa, hàng tuần lại phải thêm cái nhiệm vụ đi cho chim ra giàng để mọi người ăn bớt! Ở nhà buồn cuời là vợ có thể đi ăn chim câu quay nhà hàng nhưng không chịu ăn chim nhà nuôi! Cậu con trai suốt ngày có món chim hầm của bà ngoại nấu. Cho đến lúc có dịch cúm gia cầm thì số chim bồ câu Pháp đã lên tới gần 200 cặp!!! không biết giải quyết bằng cách nào thì một đơn vị quân đội đến xin về cải thiện cho đơn vị, thế là kết thúc một thời kỳ “chăn nuôi”. Ai cũng khen tôi mát tay, nếu không có dịch chắc sẽ làm hẳn một trại chăn nuôi cũng nên!
ĐI CÂU…CHIM
Có những ngày chủ nhật, cả nhóm quyết định không về Hà Nội mà ở lại, vào hồ Đại Lải chơi, Hôm đó mỗi thầy một cần câu, quyết làm món cải thiện là cháo cá câu được. Tinh thần xung lắm, vào đến hồ là chọn chỗ thả câu ngay, nghe người ta nói có người sát cá, có người không, tôi tự ngẫm mình không câu cá được. Mặc dù tôi có thể nằm rình chim cả buổi mà không chán, thế mà mới ngồi câu chừng 15 phút đã đứng lên ngồi xuống rồi. Bỗng có anh chàng ở khoa khác, từ trong rừng ra, vai đeo súng thể thao mà không thấy cầm theo chiến lợi phẩm, chàng ta bảo đi từ sáng, không bắn trúng con nào vì chúng nhanh quá. Tôi bèn gạ đổi cho chàng câu còn tôi sẽ vào rừng bắn chim, đắn đo rồi chàng cũng đồng ý vì cũng nghe nói về tài “thiện sạ” của tôi. Hỏi còn bao nhiêu đạn, chỉ còn 10 viên, thôi cũng đủ dùng, thế là vào rừng săn chim. Sau hai tiếng sục sạo, tôi đã có trong tay 5 chú chim rừng và còn có cả 1 con chim cu nữa. Về lại chỗ câu cá, thấy chàng ta cũng đã có một sâu cá, chứng tỏ chúng tôi đổi cho nhau dụng cụ kiếm ăn là đúng rồi, mỗi người có một khả năng mà. Buồn cười là khi về nhà, ai cũng ngạc nhiên vì tôi tay cầm cần câu nhưng lại xách một xâu chim, còn chàng kia vai khoác súng nhưng chiến lợi phẩm lại là một xâu cá!!!
ĐỊNH CƯ TẠI PHÚ MỸ HƯNG
Sau nhiều lần di chuyển cuối cùng chúng tôi quyết định định cư tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Tuy cách trung tâm 12km nhưng đường xá rất thuận tiện, xe chạy chưa tới 15 phút đã tới trung tâm. Lúc đang ở nhà phố Lê Hồng Phong, trước mặt là hồ Kì Hoà đã thấy thích lắm rồi, nhưng tiếng ồn trong đô thị là cả vấn đề phức tạp, mặc dù có cửa nhưng vẫn phải đóng kín suốt ngày vì ồn và bụi.
Từ lúc về PMH thì mọi vướng mắc không còn nữa, đúng là một đô thị kiểu mẫu. Chính vì an ninh cao nên nhà cửa không cần bông gió bảo vệ, vườn tược không bị che chắn bởi hàng rào thoáng, tạo nên một cái đẹp tổng thể cho đường phố.
Mời bà con xem thử.
CÔNG VIỆC YÊU THÍCH
Một câu chuyện nhỏ, nhưng đã lưu lại trong tôi và định hướng cho tôi con đường đi sau này.
Một hôm, theo mấy người bạn đến thăm nhà thầy Cự, giảng viên dạy hình họa của bọn tôi. Ngạc nhiên thấy trong nhà thầy có nhiều tác phẩm điêu khắc nhỏ và cây đàn ghi ta, thầy cười và nói với chúng tôi: đó là những công việc yêu thích của mình sau những giờ lên lớp cho chúng tôi. Nhà nước đào tạo và trả lương cho thầy, nên nghĩa vụ cuả thầy là lên lớp, dạy cho tốt và thầy dạy tốt thật. Môn của thầy là môn học khô khan, mang đầy tính kĩ thuật và nguyên tắc, nhưng thầy đã thuyết phục chúng tôi qua cách giảng bài hấp dẫn và cách vẽ khiến chúng tôi học tập đầy hào hứng.
Hỏi sao những công việc yêu thích của thầy gần như chẳng có liên quan gì đến chuyên môn của thầy cả? Nhìn chúng tôi thầy nhẹ nhàng: thế mới là cuộc sống các cậu ạ, có thể lòng yêu thích trùng với công việc được giao thì tốt qúa, còn như tôi cũng không có gì lạ, công việc là công việc, còn sự đam mê thì cứ đam mê đi, đó là những phút giây lãng mạn nhất của đời mình mà! Rồi thầy cầm ghi ta dạo vài bài cho bọn tôi nghe. Thầy bây giờ đúng là một nghệ sỹ chứ đâu phải thầy Cự đang giảng bài hình học họa hình!
Hỏi sao những công việc yêu thích của thầy gần như chẳng có liên quan gì đến chuyên môn của thầy cả? Nhìn chúng tôi thầy nhẹ nhàng: thế mới là cuộc sống các cậu ạ, có thể lòng yêu thích trùng với công việc được giao thì tốt qúa, còn như tôi cũng không có gì lạ, công việc là công việc, còn sự đam mê thì cứ đam mê đi, đó là những phút giây lãng mạn nhất của đời mình mà! Rồi thầy cầm ghi ta dạo vài bài cho bọn tôi nghe. Thầy bây giờ đúng là một nghệ sỹ chứ đâu phải thầy Cự đang giảng bài hình học họa hình!
Khi được giữ lại trường, được phân về bộ môn thiết kế dân dụng. Đứng trong đội ngũ giảng dạy, tôi lần nhớ lại tất cả những gì mình đã học, được gì và còn thiếu gì, tôi phát hiện ra môn học nội thất là môn tôi thích nhất nhưng lại được học ít nhất, lúc học chỉ có 1 bài đồ án thôi, không có lí thuyết. Tìm hiểu tôi được biết, đó là một ngành học chính quy, tương đương với ngành kiến trúc, cùng phát triển song song, nhưng do điều kiện nhà trường chưa có đội ngũ giáo viên cho nó, nên chỉ thể hiện môn này qua một đồ án môn học mà thôi.
Tôi lại nghĩ, mình là người lính mới, trên đầu có tới hơn 30 cán bộ giảng dạy trong khoa, kinh nghiệm giảng dạy đầy mình, liệu đến bao giờ mới được bằng họ? chứ chưa nói là hơn họ. Phải tự tìm hướng đi cho mình ngay từ những bước đi đầu tiên này, nếu không thì phải chấp nhận phương châm “Sống lâu lên lão làng” mà thôi. Cái lỗ trống về môn nội thất cứ ám ảnh tôi. Ngoài giờ lên lớp tôi hay sưu tầm và vẽ lại những không gian nội thất mà mình yêu thích.
Có một lần thầy Nguyễn Thế Bá trong ban chủ nhiệm khoa đến thăm tôi, xem những bản vẽ nội thất, thầy rất thích thú và hỏi sao tôi không đăng kí làm đề tài nghiên cứu khoa học, tôi cười thưa: em là lính mới đâu dám thầy ! Rồi thầy chính thức đề nghị tôi đăng kí đề tài nghiên cứu về nội thất với khoa. Đó là bước đầu tiên đưa tôi đến với khoa nội thất sau này.
Rồi công việc ngoài đời, nhận được đơn đặt hàng về nội thất cũng nhiều, và mọi người biết đến tôi cũng nhờ qua các công trình thực tế, nhất là mỗi khi đến nhà để bàn công việc, nhìn căn phòng nhỏ nhỏ xinh xinh, họ càng yên tâm về công việc sắp giao tôi làm. Từ đó nơi ăn, chốn ở cuả tôi tuy chỉ 12m2 thôi nhưng được nhiều người Hà Nội biết đến.
Bà Nghiêm Chưởng Châu, phó giám đốc sở văn hóa, tặng bằng cho những người làm đẹp thủ đô (1980 ) |
Phòng họp của Đảng 4 Nguyễn cảnh Chân (1978 ) |
Cải tạo nhà may Tràng Tiền (1978) |
Tượng 3 thế mạnh của Hải Phòng (1976 ) |
Điêu khắc Minh Đỉnh - KTS Đại Hải - KTS Hoàng Như Tiếp - KTS Gia Yên đang khảo sát đồi A1 Điện Biên Phủ trước khi quy hoạch. (1980) |
1981 Trường Đại Học Kiến Trúc Hà Nội chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về nhà ở, trong đó có đề tài nghiên cứu về nội thất nhà ở và tôi được tiến cử làm chủ nhiệm đề tài 26-01-02-03 đó. Sau 5 năm nghiên cứu 1981-1985. trình bày trước hội đồng khoa học cấp nhà nước, đề tài của tôi được đánh giá suất sắc, và được hội đồng khoa học đề nghị đặc cách cho tác giả nếu tiếp tục lấy đề tài làm luận án PTS. Về báo cáo lại với nhóm cộng sự, mọi người bắt khao quân, vì được suất sắc, đề tài được thuởng 54.000đ !
Tôi không lấy đề tài để tiếp tục làm luận án PTS vì nghĩ mình không hề có ý định theo đường quan chức, mà chỉ lấy chữ “nghệ” làm lẽ sống trong đời, chứ không vì mảnh bằng mà phấn đấu. Vả lại còn bao nhiêu việc đang chờ mình.
1985 Nhà trường chính thức đưa vào chương trình đào tạo, có 60 tiết nội thất cho sinh viên năm thứ 4, giao tôi biên soạn và lên lớp môn học đó. Thế là sau gần 15 năm tôi đã thực hiện được ước mơ, khai thông môn học nội thất chính thức trong chương trình đào tạo. Nhớ lại lời thầy Cự ngày nào, giờ đây tôi đã gắn liền được sự yêu thích với công việc được giao phó, thế là vẹn cả đôi đường. Xin cảm ơn thầy Cự nhiều.
Cũng trong năm này, Hội Kiến Trúc Sư thành lập một hội đồng tư vấn cho nhà nước về lãnh vực kiến trúc trong đó có nội thất. Thành viên hội đồng gồm 26 thành viên, chọn lọc trong hàng ngũ KTS cả nước, trường kiến trúc Hà Nội có hai thành viên Thầy Đặng Tố Tuấn trong nhóm kiến trúc, Tôi trong nhóm nội thất.
2005 Sau 1 năm làm việc với bộ xây dựng. Hoàn thành các thủ tục xin thành lập khoa nội thất mà tiền thân là bộ môn nội thất thuộc khoa mỹ thuật công nghiệp. Toàn bộ giáo trình đào tạo cử nhân nội thất tôi biên soạn được bộ chấp nhận.
KTS hiệu trưởng Phạm Tứ trao quyết định thành lập khoa Nội thất cho trưởng khoa KTS Phạm Gia Yên |
23/11/2006 Khoa thiết kế Nội Ngoại thất chính thức thành lập tại trường Đại Học Kiến Trúc TP. HCM. Là khoa nội thất đầu tiên trong hệ thống các trường đại học đào tạo kiến trúc cuả cả nước. Tôi được quyết định làm trưởng khoa. Ước mong có một khoa như khoa kiến trúc cách đây gần 35 năm giờ đây đã thành hiện thực. Tuy còn non trẻ nhưng khoa nội thất có một sức hút mạnh mẽ, những năm gần đây, khoa Nội Thất chỉ tuyển 70 nguời cho một khoá mà số thí sinh thi vào gần 2000, tỉ lệ chọi gần 1/30 một tỷ lệ kỉ lục mà khoa Kiến Trúc lúc “hot” nhất cũng chưa đạt được.
2008 Đến tuổi nghỉ hưu, “gác kiếm”, công việc được giao đã hoàn thành, nhưng công việc yêu thích vẫn còn mãi. Vẫn say xưa với cái xưởng nội thất mini, vẫn tự tay làm ra những sản phẩm mà mình yêu thích. Bạn bè mến mộ vẫn thích trong nhà mới của mình có một ngọn đèn nhỏ, tác phẩm cuả Gia Yên làm tặng.
NGÔI NHÀ NGHỈ CUỐI TUẦN
Cũng ở Thủ Đức gần khu “ Đỗ gia trang” cuả KTS Thụy, nhưng mảnh vườn cuả tôi nhỏ hơn nhiều, tất cả chỉ khoảng hơn 1000m2 nên chỉ được gọi là nhà nghỉ cuối tuần. Cứ thứ 6 thứ 7 là cả gia đình xuống đó nghỉ ngơi, chăm sóc vườn tược. Mảnh vườn có điạ hình dốc thoải, từ cổng đến cuối vườn dài 60m có độ chênh 3m, chính vì vậy mà người bán đồng ý bớt cho tôi một khoản tiền không nhỏ để tôn nền theo họ mất khoảng 100 xe ben. Sau này khi đến thăm lại mảnh vườn, họ ngạc nhiên thấy tôi không hề lấp mà nhiều chỗ còn khơi thêm tạo thành bậc khá ấn tượng về điạ hình. Họ cười bảo: chỉ có KTS mới nghĩ ra giải pháp vừa không mất tiền san lấp lại vừa đẹp. Ngôi nhà chỉ có 5 gian nhưng được hàng hiên rộng chạy quanh nhà, là nơi ngồi ngắm cảnh và ăn cơm đúng với chất dản dị của nông thôn.
Mời các bạn thăm nhà vườn chúng tôi nhé.
Đường vào nhà theo bậc thấp dần |
Ngôi nhà 5 gian ẩn sâu trong vườn |
Hành lang rộng rãi bao quanh nhà |
Hồ nước xây dật cấp theo độ dốc nền |
Cầu đá dẫn vào nhà |
Mận cũng tham gia làm cảnh |
Gỗ lũa "bò tót" |
Gỗ lũa "đàn voi uống nước" |
Khoe chất đá |
NHỮNG THÚ VUI
Các cụ xưa có câu: “nghề chơi cũng lắm công phu” qủa đúng như vậy. Mỗi người đều có những thú vui riêng, thời còn trẻ, cũng giống như bố, tôi nghiện săn bắn, mê lắm. Khi học xong lớp 7, được xếp loại A1, và được đặc cách vào thẳng lớp 8 không phải thi chuyển cấp, bố thưởng cho tôi một khẩu súng hơi vì biết tôi rất mê bắn súng, thật sướng không gì bằng.
Lần đầu tiên có súng, tôi nâng niu và lau súng suốt sau mỗi lần sử dụng, vì thế khẩu súng lúc nào cũng ánh xanh màu kim loại. Ngày nào tôi cũng chịu khó tập bắn, mục tiêu ngắm bắn cứ nhỏ và xa dần cho đến khi tôi có thể bắn trúng đồng xu dễ dàng ở cự li 15m. Lũ chim sẻ sợ tôi lắm, chỉ thoáng thấy tôi là bay ngay, cái vui lúc đó không phải vì muốn ăn thịt chim, mà là cái cảm giác nhìn thấy mục tiêu bị hạ, rớt thẳng từ trên ngọn cây xuống đất. Có lần đi học về, mẹ cười và phàn nàn: ở nhà, lúc làm bếp mẹ thấy có con chuột, nó cứ thập thò chạy vô chạy ra chỗ để mấy cái nồi, mà khổ quá chú Hiền nghe vậy vội lấy súng ra rình, chẳng thấy chuột chết đâu, mà làm thủng mất cái nồi của mẹ !
Buồn cười quá, tôi bảo mẹ cứ yên tâm, để con sẽ sử con chuột đó cho. Chỉ mươi phút sau đã thấy chú chuột nhóc lại xuất hiện, len lỏi giữa các khe để nồi. Lựa chọn vị trí an toàn nhất, “pằng” chú chuột bị bật ngược giữa hai khe nồi nằm giẫy chết mà các nồi vẫn nguyên si! Mẹ ưng lắm và công nhận thằng Yên bắn giỏi thật.
Thời sơ tán ở Xuân-Hòa, Phúc-Yên, ngoài những giờ lên lớp hướng dẫn đồ án cho sinh viên, nhóm giáo viên cùng phòng lại xúm nhau vào đánh cờ, tôi thì chẳng nghiện mà cũng lại kém cỏi trong thú vui này nên rủ thầy Ngô Bách cùng vào hồ Đại Lải săn bắn. Hồ chỉ cách chỗ chúng tôi gần 3km, nghe nói mùa này có vịt hay về.
Tôi mang theo khẩu thể thao TOZ8. Khi gần đến hồ, chúng tôi rất cẩn thận lần nhẹ nhàng từng bước, cách bờ chừng 50m, từ chỗ nấp nhô đầu lên, trước mặt tôi là cả ngàn con vịt đang rỉa lông đứng nghỉ, vịt nhiều đến nỗi tôi và Ngô Bách đều nghĩ là vịt đàn người ta thả. Thử làm động thì ôi thôi, cả ngàn chú vịt cùng bay lên, tiếng vỗ cánh nghe rào rào như tiếng động cơ phản lực, lũ vịt bay dạt sang bên kia hồ để lại sự ngẩn nhơ tiếc nuối của hai chúng tôi. Đi dạo bên này hồ, nhìn sang bên kia, đàn vịt vẫn còn đó nhưng cự ly quá xa đành phải chờ vậy. Bỗng có một tốp, khoảng 6 con vịt, tách đàn bốc lên bay thẳng về chỗ tôi đứng, lập tức tôi dương súng, ước lượng cự ly, bắn đón đầu “đoàng”.
Một con trong đàn bị trúng đạn, rớt thẳng xuống hồ, sướng quá, Thầy Ngô Bách để nguyên quần áo, bơi ra vớt chiến lợi phẩm. Cầm con vịt khá to, hai chúng tôi vui lắm, mang về cho nhóm. Tối đó Thầy Đại Hải và Trịnh Hồng Đoàn lo nấu nướng. Phòng chúng tôi lần đầu thưởng thức món vịt giời sao ngon thế. Anh em cười đùa đề nghị, ngày mai sẽ cử người dạy thay tôi, để nhà thiện xạ tiếp tục vào hồ phát huy thành tích. Không biết tin đồn sao nhanh thế, cũng ngay tối đó, tôi được thầy Cao Xuân Hưởng trong ban chủ nhiệm góp ý: tuy không phạm quy nhưng cũng không nên sử dụng thời gian nhàn rỗi để vào rừng làm vậy, mặc dù có thể đánh cờ, đá bóng thoải mái !!!
Thầy Cao Xuân Hưởng, nguyên phó chủ tịch hội Kiến Trúc Sư Việt Nam |
NGÔI NHÀ TỌA TRÊN AO ( 1988 )
Năm 1987 cả nhà vẫn ở Bà Triệu trong căn phòng 14m2. Lúc đó đang làm ăn được nên tôi vẫn nuôi ý định ra ở riêng. Do có người giới thiệu, tôi tìm đến làng Kim Liên nằm ngay trong khu tập thể Kim Liên. Cụ Lương chủ nhà dẫn tôi đi xem đất rồi trao đổi: Đã có mấy người vào xem rồi, nhưng tôi từ chối vì cảm tính thấy không hợp làm hàng xóm sau này! ở với nhau như vậy thì sướng nỗi gì. Nói thật với cậu, tôi già rồi nên rất kỹ tính, qua trao đổi, tôi rất ưng và qúy cậu về làm hàng xóm với tôi. Giá cả thì cậu không lo, nhưng có một điều kiện bắt buộc…không biết cậu có chịu không! Miếng đất định để cho cậu được gần 200m2, trong đó phần ao khoảng hơn 100m2, cậu không lấp ao để xây nhà, vì cái ao này sẽ làm mát cho cả hai nhà, được như vậy tôi sẽ bán cho cậu rất rẻ?
Ngạc nhiên về điều kiện đặt ra của cụ chủ, và cũng rất hợp với ý tôi, thế là việc mua bán tiến hành nhanh gọn. tôi bắt tay vào thiết kế cho ngôi nhà cuả mình. Đúng với giao ước, tôi không lấp ao, mà chỉ làm một đường dẫn qua ao vào nhà bằng bê tông, hai cây dừa đang bắt đầu ra trái trong vườn cũng được giữ gìn, phần nhà tọa trên ao được thiết kế tránh gốc dừa, lấy nó che bóng mát cho ngôi nhà, vì vậy ngôi nhà cuả tôi bé bé, xinh xinh và zíc zắc, nằm tọa một phần trên ao đúng như lời hứa nên cụ chủ nhà cũ hài lòng lắm.
Phần bờ ao còn được ốp đá ong cho ổn định. Tường ngăn cách giữa hai nhà cũng bằng đá ong nên trông đượm chất quê. Mà cũng buồn cười, ai đến thăm cũng cho tôi là cầu kì, chắc phải về tận Vĩnh Phú kén chọn loại đá ong này để xây tường giữa phố phường Hà Nội! nhưng thực ra là số may cho cả người bán lẫn người mua. Gần nhà tôi có cậu đại úy quân đội, trước khi về nghỉ, đơn vị tặng cho vài ngàn gạch đá ong do đơn vị tự sản xuất, đang không biết làm gì với món quà này, thấy tôi xây nhà cậu hỏi có cần loại vật liệu này không, mà lại chở đến tận nhà! Thật đúng là trời cho, tiện cả đôi đường.
Thầy Đình Việt một hôm gọi điện cho tôi, sẽ đưa nhóm sinh viên đang làm biệt thự đến thăm nhà, oke. Sau buổi thăm quan, thầy phàn nàn: Ông ạ, sau khi thăm nhà ông về, chúng nó thiết kế nhà, toàn xiên xéo hết mặc dù miếng đất cho vuông vắn! hỏi chúng trả lời, tại thấy nhà thầy Yên hay quá nên tụi em bắt chước.
Còn cụ chủ nhà, thì gọi tôi ra than thở: từ ngày để cái ao cho chú, mấy cây hồng xiêm nhà tôi cứ vươn cành sang nhà chú, bao nhiêu quả cũng nằm bên nhà chú cả thế có chán không chứ!!!
CĂN PHÒNG ĐẦU TIÊN SAU NGÀY RA TRƯỜNG ( 14m2 ) TẠI 198 BÀ TRIỆU HÀ NỘI (1971)
Ngày mới ra trường, được bố mẹ cho hai anh em út chúng tôi một phòng 20m2 ở phố Bà triệu, thật quá lí tưởng. Lúc đó được ở nhờ bố mẹ đã là quá tốt rồi. Mẹ ra điều kiện: anh Yên lo việc này cho cả em vì là nghề của anh, sau khi chia xong sẽ cho em Hiền chọn trước để tỏ rõ sự công bằng trong cách chia! Mẹ nghĩ thế cũng phải, thế là tôi bắt tay vào thiết kế, vẽ vẽ, chia chia. Sau một hồi, tôi chọn phương án làm thêm gác xép để tăng thêm diện tích, vì nhà kiểu xưa có trần cao lắm, tới 4,2m. thêm được 8m2 gác, thế là hai anh em được 14m2 mỗi người. Trong khi vẽ chú Hiền cũng đã xem và tính toán rồi, nên khi chọn, chú vẫn chọn đúng phần hai anh em dự kiến nên mẹ hoàn toàn yên tâm, mặc dù theo mọi người thì phần tôi ở, có gác xép sẽ phức tạp hơn nhưng khi làm xong sẽ đẹp hơn. Cả hai anh em vui lắm, vì cùng ra trường, giờ lại cùng lo chỗ ở mới mà bố mẹ cho, nên chỉ sau một tháng, những công việc chung đã xong. Hai chàng bắt tay nhau, ai về phòng nấy để làm nội thất, sướng thật.
Năm 1971 thì vật tư xây dựng và nội thất còn nghèo lắm, ngay đến xi măng cũng phải làm đơn xin phép mới được mua vài bao, vì vậy phải thật linh hoạt và tháo vát mới làm được, mọi trang trí trong nhà phải làm lấy, hoặc thuê thợ về đóng. Gỗ thì cực hiếm, vì vậy sau khi làm xong, căn phòng cuả tôi được nhiều người Hà Nội biết đến, bởi nó không rộng nhưng hợp lí và xinh xắn dễ thương, bé “hạt tiêu” mà.
Góc tiếp khách |
Lối lên gác xép bằng kệ, tủ |
Căn phòng bé bé xinh xinh, dễ thương |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét