TRUYỆN TỰ KỂ.






LỜI MỞ ĐẦU  
Khi đến tuổi “về hưu “ cái tuổi gần đất xa trời người ta thường ôn lại quá khứ, nhìn lại quãng thời gian,xem lại những vui buồn chẳng gì nó cũng là những kỉ niệm một thời  đã qua. Có chuyện được nghe kể, có chuyện của chính mình giờ nhắc lại mà sao cứ như truyện “ cổ tích “ kể về một thời xa lắc xa lơ nào đó.
Tôi trộm nghĩ, phaỉ chăng mình cần ghi lại những mẩu chuyện vui buồn đó để con cháu mình một lúc nào rảnh rỗi mở ra xem sẽ biết được anh em, cha mẹ,ông bà mình là ai họ đã sống thế nào, đó là sợi dây tình cảm nối các thế hệ lại gần nhau hơn qua các câu chuyện dí dỏm của từng gia đình .
Các anh chị tôi có lời đề xuất : tuy tôi là thằng em thứ 7 trong gia đình nhưng sẽ giới thiệu gia đình mình đầu tiên trên blog này để tham khảo ! vì vậy tôi coi blog là nơi tâm sự,chuyện trò thoải mái mong các anh chị lượng thứ nếu có điều gì sai sót .
Khi xem phần tiểu sử về bố trên blog, chị Oanh của tôi đã thốt lên: Lần đầu tiên mới biết về bố kĩ  như vậy,bố thật vĩ đại ! Đó cũng là mong muốn cuả anh em chúng tôi trên blog này.
 

ĐẮM THUYỀN
Ảnh minh họa
  Mẹ mang bầu tôi khi đang phải đi tản cư 1947. Sau 6 tháng phiêu bạt ông bà lại quyết định hồi cư trở lại làng Đông Ngạc, cả họ hơn 40 người thuê hẳn một chiếc thuyền lớn theo dòng sông Hồng xuôi về làng. Bố kể con thuyền đó lớn lắm chứa hết được đồ đạc của các gia đình. Đêm đó trời nóng, tất cả người lớn đều lên trên mui ngủ, mẹ và ông bà cùng mấy bác ở lại trong khoang. Buổi chiều hôm đó, không biết có chuyện gì người lái thuyền bị mấy bác la rầy, phàn nàn. Đến tối khi cả nhà đi ngủ, người lái cũng tìm chỗ ngủ bỏ mặc cho thuyền xuôi dòng. Nửa đêm bố chợt tỉnh giấc, qua ánh trăng bố thấy ngay gần mũi thuyền có mấy cọc gỗ do ta đóng để ngăn tàu giặc. Không thấy người lái thuyền đâu, hốt hoảng bố vội bẻ tay lái để tránh xong con thuyền vẫn chạm nhẹ vào hàng cọc và chao đi.“Rầm”  sau tiếng va đập toàn bộ mọi người nằm trên mui thuyền rớt xuống nước hết cùng với đồ đạc. May mắn sau cú va đó thuyền không bị vỡ và được nhẹ đi nên trở lại thăng bằng. Mẹ ở trong khoang cùng ông bà  không việc gì, còn bố với mọi người lõm bõm dưới sông, tiếng kêu khóc vang dội giữa đêm khuya, tiếng mõ, tiếng tù và hai bên dòng sông nổi lên gọi mọi người trợ giúp. Thuyền các nơi đổ về cứu, rất may số đồ đạc rớt xuống trở thành các phao cho mọi người bám. Sau một tiếng cứu vớt, toàn bộ số người rớt xuống sông được các thuyền cứu lên bờ hết trừ chị Nga và ông Tư. Mẹ than khóc vật vã, bỗng có con thuyền nhỏ ngược dòng sông chèo lên hỏi có phải vừa có vụ đắm thuyền không ? họ vớt được 1 ông già và 1 cô gái đang ôm bó chiếu trôi theo dòng nước cách chỗ đắm thuyền hơn 1 km. Thật là trời thương nên không ai bị chết trong vụ chìm đò này. Mẹ bảo tôi số thật may, hôm đó mẹ cũng định lên trên ngủ vì đang mang bầu nên nóng lắm xong bà ngoại không cho lên, nếu không nghe lời bà ngoại thì hai mẹ con sẽ ra sao nhỉ ?.

 
ĐÊM MƯA
Ảnh minh họa
Đến tháng 7/1947 thì bố đưa mẹ sang làng Yên Nhân (Phúc Yên ) ở bên kia sông nơi đó có nhà hộ sinh. Bố kể cứ cách một ngày bố lại đi xe đạp qua đò sang thăm mẹ. Tháng 7 là tháng mưa bão nên có hôm mưa to, đường trơn, ngã xe, bắn cả đôi dép xuống ruộng bố phải lội xuống mò lên. Sáng sớm 28/7 bố vừa sang đến nơi, bà đỡ đã ra đón và thông báo bà nhà đẻ con trai rồi, vào thăm mẹ, bố đã thấy nằm bên cạnh mẹ là một thằng cu môi cong tớn đó chính là thằng Yên bây giờ. Hằng năm cứ đến ngày sinh nhật tôi, bố lại kể câu chuyện này khiến tôi nhớ mãi
THẰNG HAY ĂN HAY NGỦ
Đó là biệt danh cuả tôi do bà ngoại đặt cho. Cứ mỗi lần lên Hà Nội chơi bà ngoại lại thấy tôi rất dễ ăn dễ ngủ nên đặt cho cái tên như vậy để phân biệt với thằng em út cuả tôi .

HAI NĂM HỌC LỚP 1
1954 Ngày hà nội giải phóng lúc đó tôi 7 tuổi đang học lớp năm ( tương đương với lớp 1 bây giờ ). Khi thay đổi chế độ, đồng thời cũng thay đổi chương trình giáo dục, và lớp năm cũ được đổi thành lớp 1 vì vậy tôi lại phải học bắt đầu từ lớp 1 thế là có 2 năm học 1 lớp .
THẦY GIÁO TÔI
Thầy giáo dạy tôi lớp một là thầy Đào Quốc Ân, dáng vóc thầy thật đẹp, thầy có mái tóc bạc bồng bềnh cộng với bộ râu dài càng làm cho thầy tôi thêm vẻ oai nghiêm cuả một thầy giáo khiến bọn học trò nhỏ chúng tôi sợ lắm. Song đó chỉ là cảm giác ban đầu, chứ thầy tôi hiền lành lắm, thầy dạy dỗ chúng tôi từng ly từng tý, từ cách cầm bút cho đến cách gọt bút chì sao cho đẹp. Chữ thầy thật là đẹp, nhẹ nhàng, bay bướm khiến bọn học trò chúng tôi luôn lấy chữ thầy làm khuôn mẫu để học tập theo. Đúng là người thầy đầu tiên vô cùng quan trọng, bởi người sẽ xây dựng nhân cách, đạo lí,những kiến thức cơ bản giúp cho con trẻ chập chững, nhưng vững tin vào những bước chân đầu tiên trên con đường tri thức. Giờ đây khi tôi cũng lại tiếp bước theo thầy, 35 năm trên bục giảng nhưng tôi vẫn không bao giờ quên hình bóng của thầy .
ĐƯỢC LÀM LỚP TRƯỞNG
Người ta thường bình bầu người giỏi để làm lớp trưởng, nhưng mới vào lớp một thì khó căn cứ. Trong một giờ học, khi thầy đang viết trên bảng, nghe có tiếng ồn aò ở dưới gần chỗ tôi ngồi, quay lại không biết trò nào nhưng thầy chỉ vào tôi và bắt đứng úp mặt vào tường. Sau khi viết xong bài trên bảng, thầy bắt đầu phân sử vụ ồn aò mất trật tự vừa rồi. Thầy hỏi tôi có oan không mà sao lại khóc, song có lẽ linh cảm cuả thầy giáo, thầy bảo tôi không việc gì phải khóc, nếu sai thì thưa lại với thầy và thầy cho tôi về chỗ. Cuối buổi học, thầy tuyên bố hôm nay thầy sẽ chỉ định lớp trưởng cuả lớp, thầy gọi tôi lên và giới thiệu là lớp trưởng, thầy tin tôi sẽ làm tròn trách nhiệm một lớp trưởng học giỏi, gương mẫu được các bạn yêu mến  Tôi đứng sững trước lớp ! các bạn vỗ tay chào mừng lớp trưởng mới. Về nhà kể chuyện, cả nhà ngạc nhiên vào cách lựa chọn của thầy và cười ầm ĩ. Thế mà lời nói của thầy đúng, suốt 10 năm phổ thông, tuy thay đổi trường theo các cấp tôi luôn được các bạn tín nhiệm bầu làm lớp trưởng đại diện cho lớp .
THÀNH TÍCH HỌC TẬP
Suốt từ lớp một đến lớp sáu luôn xếp thứ nhất trong lớp .
Lớp bẩy luôn xếp hạng A1.( đổi cách phân loại học sinh ) Được đặc cách lên thẳng lớp tám không phải thi chuyển cấp. Từ lớp tám cho đến hết phổ thông luôn là học sinh giỏi của lớp.( sau này quyển học bạ cuả tôi được chuyển cho con gái để con gái làm gương học tập )
Trong thời gian học cấp một làm liên đội trưởng đội thiếu niên tiền phong, 5 lần được đại diện trường  trong đoàn thiếu nhi thủ đô lên phủ chủ tịch gặp Bác Hồ nhân dịp bác có khách là các nguyên thủ các nước sang thăm Việt Nam .
Thời gian học Đại học luôn đạt suất sắc trong học tập. được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của trường. Nhưng từ khi lên học đại học do trong suy nghĩ có nhiều thay đổi về cách nghĩ nên không tham gia vào các hoạt động đoàn thể như trước đây mà chỉ chú tâm vào học hỏi chuyên môn .
CÁN BỘ XÃ
Đó là danh hiệu cả nhà đặt cho tôi khi đang học cấp một. Số là tôi luôn là lớp trưởng và là liên đội trưởng đội thiếu niên tiền phong nên tự cảm thấy oách lắm, cứ thấy ai trong nhà nói sai chính sách cuả nhà nước là chỉnh huấn liền nên cả  nhà đặt tên cho là “ thằng cán bộ xã “ .

YÊU NGHỆ THUẬT
Tôi bắt đầu cầm bút vẽ từ năm lớp hai, do làm lớp trưởng nên phải gương mẫu,  vì thế phụ trách tờ báo tường của lớp. Tôi còn nhớ bố rất ủng hộ chuyện này nên tôi rất yên tâm cứ vẽ tranh, kẻ chữ, tô màu một cách tự tin, và cuối cùng nhờ bố điểm bổ xung vào thế là xong. Tờ báo của lớp luôn được chấm nhất trong trường và tôi được các bạn trong trường gọi là “ họa sỹ nhí “ .
Trong suốt thời gian này, bố không dạy tôi học vẽ mà chỉ hướng dẫn, khuyến khích tôi vẽ ,tạo cho tôi mọi điều kiện, thấy tôi thích nặn đất bố lại chiều và cho mượn những dụng cụ mà bố rất quý không cho ai trong nhà đụng vào. Có một lần, vô tình tôi nghe được câu chuyện giữa bố với mấy bạn của bố, bác Lương Xuân Nhị, bác Nguyễn Văn Tỵ, các cụ đang kể chuyện về chuyện dạy con học vẽ  và các bác đều thống nhất là không áp đặt mà cứ để chúng phát triển một cách tự nhiên sẽ tốt hơn nhiều .
Lần đầu tiên tôi được biết giá trị sản phẩm nghệ thuật của mình. Cạnh nhà tôi có thằng bạn, khi xem con châu chấu tôi nặn bằng đất được tô màu cẩn thận, nó thích quá cứ nằng nặc đòi đổi lấy con sáo của nó đang nuôi mà tôi thích. Mang con sáo về khoe với bố, bố xoa đầu cười: Thế là tác phẩm của con có người mê rồi đó ! 
                                                   ĐƯỢC GIẢI THƯỞNG VẼ


Lúc tôi đang học lớp bốn, trên báo có thông tin về một cuộc thi vẽ cho thiếu nhi quốc tế tổ chức ở Ấn Độ. Bố nói con cứ mạnh dạn tham gia, và tôi chọn chủ đề đêm rằm rước đèn trung thu để vẽ. Tranh vẽ được bố mang gửi đi dự thi, sau một thời gian thì nhận được tin, trong số tranh Việt Nam gửi đi dự thi có ba tranh trúng đồng giải ba, trong đó có tranh của tôi, giải thưởng tặng nhiều dụng cụ vẽ, nhưng qúi nhất là cái đĩa bạc của Ấn Độ (sau tôi cho con gái Phương ). Sau lần đó, bố mừng lắm và càng thêm yêu qúi tôi hơn .
ĐÓNG PHIM
Mùa hè năm lớp bốn(1957)thật có nhiều kỉ niệm. Xưởng phim tài liệu Việt Nam dựng một phim tài liệu giới thiệu về một trại hè của thiếu nhi Việt Nam. Họ đến trường Quang Trung nơi tôi học để tìm người, và thế là tôi được chọn làm một  “họa sỹ nhí “ trong phim. Chưa bao giờ xa nhà một mình, mẹ tôi lo lắm không biết tôi sẽ xoay sở ra sao, vì ở nhà chưa phải làm gì cả,quần áo cũng mẹ giặt cho. Các anh trong đoàn phải nói mãi mẹ mới đồng ý cho đi .
Lần đầu tiên tôi được ra biển, tôi chỉ nghe kể là biển lớn và rộng lắm không trông thấy bờ bên kia, sóng to và vỗ ì oàm suốt ngày. Khi đoàn phim ra đến Sầm Sơn thì là buổi trưa rồi, anh phụ trách bắt phải ăn cơm và ngủ trưa rồi mới được ra biển .Nhà nghỉ rất gần biển, tiếng sóng biển vỗ nghe lần đầu không giống bất cứ một âm thanh nào mà tôi đã được nghe, vẫn chưa trông thấy biển đâu nên chúng tôi không ai ngủ được mà chỉ đợi được ra biển thôi .
Biển thật hùng vĩ, đứng trước biển thấy mình nhỏ bé vô cùng, buổi tắm đầu tiên được xuống nước mà chưa biết bơi khiến tôi sợ hãi chỉ dám đứng ven bờ, sau anh phụ trách kéo tôi tuột xuống biển và dạy cho cách tắm và nhẩy sóng, sóng to quá, vài lần bị sóng đánh chìm xuống tận đáy, uống no bụng nước mà tôi vẫn nhớ tới tận bây giờ .
Tôi đóng vai một chú họa sỹ tí hon, được ra biển em muốn ghi lại các cảm xúc cuả mình qua các bức tranh vẽ để về kể chuyện lại cho các bạn mình. Các buổi giao lưu với thiếu nhi địa phương, những đêm lửa trại thật thú vị. Hơn 50 năm qua rồi, ôn lại những kỉ niệm hồi ấu thơ, tôi vẫn còn nhớ bài hát mà các anh phụ trách dạy cho : Miền Nam em dừa nhiều, Miền Nam em dứa nhiều, Miền Nam em soài thơm, Miền Nam em oai hùng…. Và cả những câu hát lái nữa: Sầm Sơn em ruồi nhiều, Sầm Sơn em muỗi nhiều…. Sau chuyến đi trở về nguyên vẹn mà lại còn mang cả qùa chè lam Thanh Hóa, dừa Sầm Sơn về, cùng với bao chuyện lí thú. Bố mẹ mừng lắm vì thấy con mình đã trưởng thành 
 
VÀO TỐP CA NAM
Trường thành lập tốp ca nam, chọn trong khối lớp bốn 6 thằng con trai được chọn trong đó có tôi. Thật tức cười, cả 6 thằng đều sàn sàn nhau, đầu đều cạo trọc, có giọng hát khá đồng đều, và thế là chúng tôi được đi biểu diễn khắp nơi trong thành phố mỗi khi có ngày hội hè hoặc chào đón khách qúy đến thăm .
LÀM LIÊN ĐỘI TRƯỞNG
Tôi vào đội thiếu niên lúc học lớp hai (1955 ) làm đội trưởng kiêm lớp trưởng luôn. lúc đó được vào đội, được đeo khăn quàng đỏ là vinh dự lắm, đội trưởng sẽ được đeo thêm vào vai trái một phù hiệu có thêu hai vạch đỏ, ra đường gặp nhau là dừng lại giơ tay chào theo đúng nghi thức đội, oai lắm. Khi lên lớp ba, được sự tín nhiệm của các bạn, trong đại hội tôi được bầu làm liên đội trưởng của trường và được tăng thêm một vạch nữa. Các liên đội thiếu niên các trường luôn giao tiếp với nhau ,có lẽ vì thế mà cùng lứa học sinh chúng tôi họ biết tôi nhiều .
 ĐƯỢC BỐ YÊU NHẤT
Trong 8 anh chị em gồm 5 trai 3 gái, tôi là thứ bẩy ( áp út ) lại được bố cưng chiều nhất. Bố thường hay nói đùa: trong tám đứa con thì chỉ có thằng Yên và con Nga là con tôi, còn lại là con bà ! Tôi xin bố cái gì bố cũng cho, nhất là các dụng cụ và mầu vẽ cuả bố đố ai dám đụng vào, chỉ có tôi là dám sử dụng mà chỉ bị bố càu nhàu một chút rồi cười xoa đầu cho phép. Trong nhà có cái gì cần xin bố là các anh chị lại đùn tôi ra xin vì biết chắc là bố sẽ đồng ý. Bố con hợp tính nhau chẳng thế mà tranh bố vẽ ra, anh Vĩnh mà góp ý là bố mắng om xòm nhưng tôi tuy bé trong nhà nhưng nói bố lại nghe theo ! Càng sau này lớn lên tôi càng thấy tấm lòng của bố thật vô biên biết nhường nào
ĐI SƠ TÁN
Đến năm học lớp chín ( 1964 ) lúc đó là thời kì Mĩ leo thang bắn phá miền Bắc, các trường phổ thông phải đi sơ tán về nông thôn, trường phổ thông cấp 3A của tôi sơ tán về làng Chính Nam ven bờ sông Hồng cách Hà Nội 15 km .
ảnh minh hoạ
Lần đầu đi học xa nhà, mẹ thương và lo cho chúng tôi lắm, trường Hiền thì sơ tán về mạn Văn Điển. Tôi ở với 2 bạn cùng lớp là Dương và Hùng. Ngày đầu sơ tán ăn uống phải tự túc nên 3 thằng chúng tôi chia nhau ra mỗi thằng nấu 1 ngày. Buồn cười là thức ăn ở nhà mang đi thì chỉ sau 1 đến 2 bữa là hết, làng nơi bọn tôi ở trồng chuối là chính nên chuối cũng là món thức ăn thường xuyên của bọn tôi, hôm nào bận học là chắc chắn hôm đó ăn cơm với thực đơn: sáng muối vừng + chuối, chiều chuối + muối vừng ( hay lạc rang ) nên đến thứ 7 được về nhà là mừng lắm, được mẹ tẩm bổ, bù đắp cho những ngày sơ tán, chẳng thế mà các anh chị ở nhà luôn tỵ nạnh là chỉ đến ngày thứ bảy, chủ nhật mẹ mới cho cả nhà ăn ngon .
TẬP BƠI
Do ám ảnh của vụ đắm thuyền ngày xưa nên mẹ không cho ai tập bơi cả để tránh sông nước. Cả nhà không ai biết bơi, mãi đến năm học lớp 8 thuyết phục mãi mẹ mới đồng ý cho tôi đi tập bơi. Mà nói là đi tập bơi thì lúc đó Hà Nội chỉ có hồ Quảng Bá là nơi duy nhất, chẳng có thầy huấn luyện cứ lên đó xem chúng bạn bơi thế nào thì mình bắt chiếc như vậy. Trong hồ có  2 khu cho người tập bơi và người đã biết bơi, muốn ra khu đã biết bơi phải bơi qua một đoạn có người kiểm soát, thấy không đủ tiêu chẩn họ bắt phải quay lại. Sau 2 tuần tự tập tôi quyết định bơi ra khu đã biết bơi, thật hồi hộp chờ đợi, nếu nghe tiếng còi thổi có nghiã là phải quay lại, thật là sung sướng tôi đã bơi đến cầu phao dành cho người biết bơi mà không có tiếng còi bắt quay lại, thế là có quyền tuyên bố đã biết bơi. Anh Vĩnh cùng đi tập với tôi thế mà bị 3 lần thổi còi bắt quay lại rồi mới thoát. Chính nhờ đã biết bơi mà khi đi sơ tán ở vùng ven sông mẹ cũng yên tâm hơn về con mình ( trong họ nhà tôi có Đoán con cậu Sáu do không biết bơi nên bị chết đuối ngay ở cầu ao khi đi sơ tán ) .
Có một lần do đợi đò để qua sông lâu quá bọn tôi quyết định cử một thằng mang đồ cuả bọn tôi đợi đò qua sông còn 5 thằng tôi bơi qua sông Hồng trước, lúc đó đang là mùa cạn nên lòng sông không không lớn bằng mùa nước, về nhà không dám kể chuyện với mẹ .

 
VÀO ĐẠI HỌC
1966 là thời kì chiến tranh ác liệt, Mĩ bắn phá hầu hết các tỉnh miền Bắc. Các trường đại học rời Hà Nội đi sơ tán, chúng tôi vừa học xong lớp 10, năm đó theo chủ trương cuả bộ, học sinh không phải thi vào đại học mà chia làm 3 hướng : đi nhập ngũ , vào đại học, đi học nước ngoài. Tôi thuộc diện không phải con ông cháu cha nhưng học giỏi nên được bố trí đi học trong nước. Người ta ưu tiên cho tôi vào học đại học mĩ thuật vì có “ năng khiếu “ xong tôi lên sở xin vào đại học kiến trúc, lúc đó kiến trúc lại chưa mở nên được xếp vào đại học xây dựng. Thế là tôi bắt đầu cuộc đời cuả anh sinh viên đại học, ba lô khăn gói, chào mọi người lên khu sơ tán của trường ở Hà Bắc.

 
BỮA CƠM ĐẦU TIÊN NƠI SƠ TÁN
ảnh minh họa
Lên đến nơi sơ tán của trường, sau khi làm xong mọi thủ tục thì trời cũng về chiều, đến giờ ăn cơm, mọi người rủ nhau ra bếp ăn tập thể của khoa. Lần đầu tiên ăn cơm tập thể, mặc dù có đi sơ tán hồi lớp 10 nhưng vẫn tự nấu cơm theo từng nhóm ở nên tôi hết sức lúng túng. Mỗi nhóm ăn gồm 10 người, bữa ăn gồm có một giá đựng cơm độn ngô, một nồi canh rau do nấu bằng chảo nên có màu xanh như sunfat đồng ! và một đĩa 4 khúc cá kho nhỏ.
Đủ người, bắt đầu ăn, vừa sới được lưng bát cơm, gắp vài cọng rau muống chưa kịp sờ tới món cá thì mâm cơm đã sạch trơn, chỉ còn ít nước rau luộc ! Tôi thực sự bị sốc vì tất cả những gì được dạy dỗ ở nhà như : ăn trông nồi, ngồi trông hướng, hay ăn chậm nhai kĩ, giữ gìn ý tứ giờ đây đã cho tôi cái bụng rỗng đến bây giờ vẫn thấy đói.

ảnh minh họa

Tự trách mình chậm chạp xong cả tuần chưa bao giờ ăn được hơn bát cơm, chưa nói đến thức ăn. May có mấy thằng bạn từ khoa khác sang chơi, chúng nó cười phá lên và bày cho tôi cách ăn tập thể ” đời mới “ chúng nó đến trước nên có kinh nghiệm, cơm trung bình mỗi người 2 bát nên đừng dại đong bát đầu đầy mà chỉ vơi thôi, để ăn xong trước rồi bát sau mới xới thật đầy để bù cho bát trước ! thật thông minh, còn muốn ăn hơn phần người khác thì ngoài tập ăn nhanh, phải theo thứ tự cuả 3 bát là vơi, vơi, đầy ! Quả nhiên bữa ăn đã được cải thiện hơn, đỡ đói hơn, đúng như câu :” một miếng khi đói bằng một gói khi no “ Về nhà kể chuyện lại với mẹ, mẹ buồn lắm nhưng không nói gì chỉ im lặng.
Anh em thường đùa tình cảm bây giờ không chỉ đo bằng trái tim mà còn thông qua “ Bao tử “ nữa, có tình yêu do có thêm miếng cháy trong bữa ăn hàng ngày !
SINH VIÊN TAM HIỆU CỔ LAI HI 
kiến trúc


Nghe hơi lạ nhưng đúng như vậy, chúng tôi giấy triệu tập vào tường là đại học bách khoa, năm đó ( 1966 ) bách khoa tách khoa xây dựng thành trường, tôi thuộc khoa xây dựng nên nghiễm nhiên là sinh viên trường xây dựng, đang học xây dựng, trường mở lớp kiến trúc rồi tách thành trường kiến trúc, tôi học kiến trúc và ra trường với danh nghiã sinh viên kiến trúc, thế là tuy học 5 năm rưỡi mà được khoác áo 3 trường đều là trường có tiếng kể cũng oai !!!

 
XÂY DỰNG TRƯỜNG
Trên khu sơ tán,nơi ở thì chúng tôi trọ ở nhà dân còn các lớp học và khu làm việc cuả khoa thì chúng tôi phải tự xây dựng ở khu xa dân, công việc thật vất vả, nhưng cũng vui vì đó cũng là nghề cuả bọn tôi mà, nhờ vậy mà chúng tôi có vốn sống thực tế phong phú. Vì phải làm nhà gỗ và lá nên các việc về mộc hết sức thành thạo, có thày hướng dẫn cẩn thận, sản phẩm làm ra là những dãy lớp học cứ ngày một nhiều và đẹp. 


Có chuyện vui là cứ mỗi sáng thày phụ trách lại phân công việc cho từng người, hôm đó nhóm tôi, Việt, Thắng làm nhiệm vụ đục mộng, trước khi đục, thày kiểm tra và bắt cả nhóm đi mài lại dụng cụ. Mới được 5 phút cả bọn đã mài xong và chuẩn bị đục, bỗng thày phụ trách ( thày KTS Nguyễn Kim Luyện ) bắt cả bọn dừng lại để kiểm tra dụng cụ, thày cười bảo : tôi không cần sờ vào dụng cụ cũng biết là không được, dùng nó để làm việc sẽ làm hỏng hết các lỗ mộng, bởi các cậu mài chưa tới 5 phút đã xong ! người ta nói thợ mộc “sáng rửa cưa trưa mài đục” cũng có đúng phần nào. Thế là mấy thằng không dám cãi im lặng đi mài lại, từ đó tôi hiểu dù làm bất cứ công việc gì cũng phải hết lòng và hiểu việc mình làm thì mọi việc sẽ tốt hơn . 
ảnh minh họa

KÉO BÈ
Sáng đó trời mưa, bốn thằng chúng tôi nhận nhiệm vụ lên Quế Ổ ( nơi Hiệu bộ đóng ) kéo bè tre về nơi đang dựng lớp học. Trời ngày càng mưa to, bờ sông thì trơn, 4 thằng đều là dân “ đường nhựa “ chẳng quen việc sông nước nhưng thôi cứ đội mưa ngược dòng sông kéo về. Đường về dài khoảng 5 km mà sao nó xa thế, hết thằng nọ đến thằng kia “vồ ếch” trời mưa nặng hạt nên chẳng tán chuyện được cứ lầm lũi mà kéo. 

ảnh minh họa

Có 2 chiếc thuyền neo ở sát bờ, bọn tôi phải loay hoay mãi mới vượt qua được, mà không hiểu sao đang còn mệt muốn đứt hơi, chúng nó cứ dục tôi phải kéo cho mau ? khi bè đi khá xa rồi chúng mới cho tôi biết “chiến lợi phẩm” một con cá to mà khi bè phải vượt qua 2 chiếc thuyền chúng đã lấy được !!! trời ạ  thế là của “ăn chằng” đã khiến tốc độ kéo bè thay đổi hẳn, còn 2km mà chẳng mấy chốc bè đã cập bến. Vội chạy về thay quần áo, nửa tiếng sau cả nhóm đã quây quần quanh nồi cháo cá, chưa bao giờ thấy ngon như vậy ! có lẽ do vừa lao động mệt, do lâu rồi không được cải thiện bữa ăn và còn do lần đầu tiên được “ ăn chằng “ nữa chứ .

 
TIẾP PHẨM
ảnh minh họa


Xa nhà nên ai cũng muốn ngày nghỉ được về thăm nhà, nội quy chỉ cho phép sinh viên 1 tháng mới được về một lần, riêng làm tiếp phẩm về Hà Nội mua  thịt cá, mỡ, đậu theo tem phiếu thì tuần nào cũng cần ! thế là mấy thằng “hà lội” chúng tôi xung phong vào đội tiếp phẩm, chẳng phải vì tích cực mà chính là được về thăm nhà. Phương tiện hồi đó xe đạp là chính mà thuộc loại sang lắm rồi vì đâu phải ai cũng có, xe bọn tôi đâu phải xe thồ nên phải tự thiết kế lấy để có thể chở được ít nhất 60kg hàng “kồng kềnh” mà còn phải tháo lắp dễ dàng để khi về còn dùng xe đi thăm “ bạn gái “ chứ.
Thế là cứ trưa thứ bảy sau khi học xong là tốp xe thồ bọn tôi nhấp nhổm phóng về với lủng củng dụng cụ nhà bếp giao cho trông thật tức cuời. Về nhà mọi nhiệm vụ được chuyển giao cho mẹ để còn tranh thủ đi chơi chứ, mẹ chiều con nên vui vẻ giúp ngay, hồi đó tất cả mọi thứ đều mua bằng tem phiếu theo tiêu chuẩn từng người.

Tối chủ nhật 7 giờ chúng tôi lên đường với món hàng sau xe lên khu sơ tán, có những hôm ngược gió, xe lại chở nặng, 2 giờ sáng mới tới trường, cũng may thời đó tuy có chiến tranh nhưng mọi người lại sống hết sức tử tế với nhau, không trộm cắp, cướp rật, nửa đêm lỡ độ có thể gõ cửa vào ngủ nhờ chủ nhà vẫn niềm nở đón tiếp. Đúng là thời kì đỉnh cao cuả đạo đức chứ đâu có như bây giờ .

 
TAY KHÔNG BẮT RẮN
Tuy là dân ”hà lội” nhưng tôi lại không sợ rắn, đã nhiều lần bắt rắn bằng tay khiến chúng bạn phục lắm. Nhớ có lần trên đường đạp xe về thăm nhà cùng Thắng, lúc đó đã 8 giờ tối xe Thắng bị hỏng lốp nên phải dắt bộ tìm chỗ vá, bỗng dưới ánh trăng nhìn thấy 1 con rắn khá to, Thắng sợ lắm nhưng tôi vội cho bánh xe trước chèn vào con rắn, nó cuốn lấy bánh xe phùng mang phun phì phì mới biết là rắn hổ mang, thằng bạn bỏ chạy tôi phải gọi nó trở lại kiếm cho tôi cái que, đưa được đoạn cây ngắn nó chạy vội ra xa, một tay giữ xe tay kia cầm que sau vài nhát đập trúng đầu con rắn mới chịu duỗi ra chết, thật hú vía .

 
LỚP KIẾN TRÚC SƯ
Sau 3 tháng lao động, bắt đầu chuẩn bị vào năm học. Tôi nằm trong danh sách lớp cấp thoát nước, một ngành cuả xây dựng, thực là buồn chán, do có tin năm nay sẽ mở lớp kiến trúc nên tôi vẫn còn hy vọng. Quả nhiên có thông báo mở lớp, để được chấp nhận, nhà trường mở cuộc thi vẽ, lấy 20 sinh viên theo thứ tự điểm số từ cao xuống. Vừa mừng vừa lo, mừng vì đây là cơ hội duy nhất để thực hiện ước mơ của mình, còn lo là con số lấy vào quá ít không biết mình sẽ phải địch với bao nhiêu đối thủ đây, vì số người dự thi tuyển chưa biết.
 Sáng hôm thi vẽ, sinh viên từ các khoa kéo về hiệu bộ dự thi quá đông, hơn 400 người vượt số dự kiến ban đầu. mẫu vẽ tĩnh vật được bày trong 3 gian nhà lá mỗi gian chưa tới 30m2 sinh viên chen chúc nhau ngồi, thậm chí khá đông phải ngó mẫu rồi chạy sang nhà khác ngồi vẽ !!! Thật may mắn cho tôi, do đến sớm nên kiếm được chỗ ngồi khá tốt. Thi vẽ trong 3 giờ, sau giờ đầu đã có một số lên nộp bài ! lạ thật, nhìn những bài bên cạnh tôi thực sự yên tâm về khả năng cuả mình, sau giờ thứ hai đã quá nửa nộp bài ra về ! thật buồn cười vì có anh còn khoe đã nộp được 2 bài vẽ một lúc ! để vẽ được bài tĩnh vật này, ở nhà tôi thường vẽ 5 giờ, với số giờ cho có 3, phải hết sức tập trung mới hy vọng làm bài tốt được. đến 20 phút cuối cùng, mỗi phòng thi chỉ còn lại vài người. Kết quả sẽ được thông báo sau một tuần, khoa tôi cũng khá đông người dự thi, ai cũng hy vọng mình trúng tuyển. Tuy chưa hết tuần thì tin viả hè đã bay về khoa, tôi đỗ thứ 2 trong số 20 người !!! mừng quá thế là chẳng cần đợi tin chính thức, vội lên đường về ngay nhà báo tin cho bố mẹ biết, thật cảm ơn bố đã cho con nền tảng nghệ thuật ngay từ những ngày ấu thơ nên con mới thực hiện được ước mơ này.

lớp kiến trúc sư khóa 66K

BÀI HỌC CƠ SỞ
Kiến trúc sư Nguyễn Kim Luyện

Trong giờ học đầu tiên về cơ sở kiến trúc, thầy Nguyễn Kim Luyện KTS học ở Trung Quốc dạy bọn tôi. Kho kiến thức của thầy thật phong phú, trong một giờ giảng, bỗng thầy hỏi bọn tôi ai là người Hà Nội ? nhiều người trong lớp giơ tay. Thế ai biết nhà hát lớn thành phố ? tất cả đều cười vì đã ở Hà Nội thì làm sao lại không biết nhà hát thành phố nhỉ, tôi cười rất to nên thầy mời lên bảng vẽ cho mọi người xem ! Trời ạ tuy hàng ngày vẫn đi qua mà sao bây giờ khó vẽ thế, chính tôi cũng thấy không giống mà chỉ hao hao thôi, rồi lần lượt 3 cậu nữa cũng vậy thế là trên bảng có 4 cái nhà hát mà chẳng có cái nào giống cả ! cả lớp chịu thua,


thầy từ tốn vẽ vài nét mà mới chỉ vài nét thôi mà chúng tôi đã thấy đúng là nhà hát thành phố rồi ! Hay thật. Thầy rút ra kết luận để có thể làm một KTS giỏi cần phải có óc quan sát, nắm bắt các vật thể quanh ta một cách chính sác và biết chọn những nét điển hình nhất khi cần diễn đạt. Tôi nhớ mãi buổi học hôm đó, và sau này đứng trên bục giảng tôi cũng đã truyền lại kinh nghiệm đó cho các thế hệ tiếp theo .

 
KHIẾP ĐẢM GIỜ TOÁN
ảnh minh họa
Trong các môn học, môn toán cao cấp có vẻ làm các KTS tương lai sợ hãi, nhất là chúng tôi lại học thầy Hãn. Các thế hệ trước đã thêm phần đệm cho tên thầy là thầy Hung Hãn ! Thầy có quy định trong tuần có 3 buổi thì cứ 2 buổi lí thuyết và 1 buổi chữa bài tập. Hôm sửa bài tập thật đáng sợ, lần lượt từng người lên bảng giải những bài đã giao về nhà, ai không giải được đứng sang một bên người kế tiếp giải, có hôm 10 người đứng trên bảng rồi mà bài vẫn không xong ! bực qúa thầy hỏi cán sự đâu ? lên giải, cả lớp đang “run rẩy” cũng phải bật cuời vì cán sự môn toán đang là người thứ 6 trên bảng, thầy đành cho tất cả về chỗ, thật hú vía hôm đó chưa đến lượt tôi.
Hôm chuẩn bị thi cuối kì thầy xuống phụ đạo cho lớp, sau buổi phụ đạo, lớp trưởng mời thầy ở lại dùng cơm, thầy cười : tôi hôm nay ăn cơm cuả lớp chắc sẽ khó cho điểm ngày thi vì vậy tôi xin khất sau khi thi xong các anh còn mời tôi sẽ xuống ăn ! cả lớp thở dài lo lắng. Trước khi thi cả lớp đề ra tiêu chuẩn : 60% đạt, 20% khá giỏi, thầy xem chỉ tiêu lớp đề ra chỉ cười bảo : tôi dạy nhiều lớp nhưng chưa bao giờ có lớp nào đạt quá 50% cả !!!
anh minh họa
Hồi đó nhiều môn thi vấn đáp, môn toán cũng vậy, cứ 5 người vào một đợt, rút đề thi, về chỗ chuẩn bị 15 phút rồi lên trình bầy. Xem thầy hỏi thi mà run, thầy hỏi phần này giải đúng hay sai ? dạ đúng. Đúng thì lấy bút khoanh vào đi ! dạ thầy để em xem lại. đồng ý xem kĩ đi, xong chưa ? dạ em sai ! sai thì lấy bút đỏ khoanh vào, sinh viên vừa lấy bút khoanh vào, thầy nói ngay cậu sai rồi,  bài cuả cậu đúng, mà cậu không dám tự tin vào bài cuả mình, thôi chịu khó về học lại nhé !!! thật đáng sợ .

 
THẦY KTS ĐOÀN NGỌ
Thầy là thế hệ KTS lão thành, nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia giảng dạy, ngoài môn đồ án thầy còn dạy cấu tạo kiến trúc. Hôm hỏi thi môn cấu tạo ở lớp dưới, xem bài làm cuả cậu Báu ( khoá 68 ) bực quá thầy hỏi : theo cậu thì bài này nên cho mấy điểm ? dạ…cho 5 thì cao quá…thầy cười bảo : đúng cho 5 thì cao quá nên tôi cho 4 nhưng chia đôi tôi với cậu mỗi người một nửa ! ( điểm 5 là cao nhất ) 
 

 
ĂN ĐẶC SẢN
Đang ngồi bên hàng xóm cùng Đỗ Nam bỗng bọn trẻ con bên nhà tôi ở cứ nằng nặc kéo về nhà để mời chú vì có món ngon lắm ! Hai thằng bèn vào bếp xem là món gì, bọn trẻ đang loay hoay đun sôi nồi nước rồi chúng lần lượt bắt từng con chuột còn đỏ hỏn chưa mở mắt mà chúng mới bắt được thả vào nồi, sau tiếng “chí” con chuột đã trở thành món ăn đặc sản mà qúi lắm chúng mới mời ! Khéo léo từ chối, hai thằng rút êm ra khỏi bữa tiệc đó mà vẫn còn run . Mà đâu chỉ có vậy, sau kì nghỉ tết, lên lại nhà chủ, vợ chồng chị chủ nhà mừng lắm bắt chú Yên ăn cơm cùng gia đình và thết chú món đặc sản thịt chuột đồng luộc xong được ép cối đá thành từng miếng như bìa chả, khổ là từ bé tôi chưa bao giờ được nếm món đặc sản này, mới nhìn thấy chuột là đã muốn “ói” rồi, phaỉ xin mãi chủ nhà mới thôi không ép, họ rất chân thành tiếc maĩ cho mình là không biết ăn .

 
                                  CHỐNG LỤT – CHẠY LỤT

Cứ đến tháng 7 trước khi nghỉ hè chúng tôi thường được điều động đi chống lụt bão, năm đó 1967 tình hình đê điều khá căng thẳng, chỗ chúng tôi sơ tán ở Hà Bắc có 6 con sông hội tụ về nên còn gọi là lục đầu giang. Trường điều chúng tôi về Đông Du để hộ đê, trời mưa tầm tã, đến được chỗ đóng quân, đặt ba lô vào nhà trọ, đã vội vã lên mặt đê rồi. Người ở khắp nơi đổ về, làm quần quật 3 ca không nghỉ, nước sông ngày một dâng cao đe dọa vỡ đê ! và điều không mong muốn đã xẩy ra : vỡ đê ! Thật không thể hình dung nổi, con đê chúng tôi đắp cao và rộng lắm nhưng vẫn không chịu được áp lực của nước cộng với bão đổ về đã vỡ ngay trước mắt chúng tôi một đoạn dài gần 1 km. 

Nước ào ào đổ qua đường quốc lộ tràn vào các cánh đồng và làng mạc, trong phút chốc mọi vật chìm trong nước, chỉ còn thấy thấp thoáng các ngọn tre bao quanh từng làng xóm đang bị xô đẩy theo theo những cơn gió lốc. Xe bọc thép cuả quân đội được điều ra đoạn đê vỡ, xe nhích dần từng đoạn chắn nước chúng tôi chuyển các dọ đá lấp lại, công việc khẩn trương không kể thời gian. 

Làng chúng tôi ở trọ chìm trong biển nước, mỗi lớp cử người về làng cứu đồ cho anh em, tôi nằm trong nhóm cứu hộ đó, để vào được làng phải bơi gần 2 km, bơi qua đường xá, qua các nóc nhà chìm trong nước, luôn có cảm giác lành lạnh trong người, vào đến nơi tìm xem nóc nhà nào mình ở trọ, rồi lặn xuống mò xe đạp, đồ đạc cho mọi người. May là ba lô thì nhà chủ cất lên nóc nhà hộ còn xe đạp thì phải lặn xuống kéo lên, sau đó các nhà có thuyền chở giúp đồ đạc cùng chúng tôi ra đường cái chỗ không ngập để trở về chỗ đóng quân mới. 

Lớp có Đoàn Khang khi vào lấy đồ xong, do chủ nhà bắt được con lợn trôi qua rủ Khang ở lại nhậu thế là đêm đến, nước ngày càng dâng cao, cả chủ lẫn khách phải đứng trên nóc nhà hát suốt đêm cho đỡ lạnh, hôm sau mới được xe lội nước vào cứu ra. Thế là từ một đội quân đi chống lụt thành đội quân chạy lụt. Có điều rất lạ, trong suốt thời gian cứu đê khẩn cấp như vậy, tuyệt nhiên không thấy người dân điạ phương tham gia, mà họ ngồi đánh bài đợi nước rút ! Quá ngạc nhiên hỏi họ cười vô tư trả lời : năm nào mà chẳng lụt lội, không vỡ chỗ này thì lại chỗ khác, chúng tôi đợi nước rút là cắm lưới, cắm đó bắt được nhiều cá lắm các cậu ạ !!! Thật không biết nên hiểu thế nào cho phải .


                                      TÓC TRÁI ĐÀO

Thời gian sơ tán, hàng tháng chúng tôi lại cắt tóc cho nhau vì làm gì có cửa hàng cửa hiệu. Trong lớp có vài tay kéo giỏi, nhóm tôi có Văn Việt. Hôm đó cũng gần trưa rồi, thấy tóc đã dài, lại thấy Việt đang rỗi rãi nên tôi nhờ hắn, hắn vui vẻ ngay, vì có dịp được bạn nhờ cậy mà. Chọn dưới gốc cây ngồi, chẳng có gương soi cứ thế là hành sự, được một chốc bỗng chàng Thắng chạy qua nhìn cái đầu cuả tôi đang cắt hắn ôm bụng cười chạy mất !!! Không hiểu có chuyện gì, tôi vội chạy qua hàng xóm tìm gương soi ! trời ơi một thằng đầu trọc với trái đào sờ sờ trước mặt tôi ! thật hết chịu nổi mà lại sắp đến giờ lên lớp rồi. Khùng như một con cọp, tôi lao vào Văn Việt bắt hắn phải sửa ngay không tôi giết ! may mà hắn vừa cười vừa cắt lại thành trọc hẳn, thà thế còn hơn. Từ đó về sau luôn phải cảnh giác, không dám không có gương mà đi nhờ bạn cắt tóc hộ .


                                      NỒI KHOAI LUỘC

Ba thằng tôi: Yên, Việt, Thắng ở chung một nhà cuả anh chị Lâu, Chủ nhà rất tốt, rất qúy các chú sinh viên giàu con chữ đến ở trọ. Việc ăn uống hàng ngày ở nhà ăn tập thể, nhưng cơn đói vẫn hành hạ chúng tôi nên phải tìm cách cải thiện. Mua được ít khoai để luộc ăn thêm, lại ngại chủ nhà, bọn tôi nghĩ ra cách rất tinh quái. Tối nào cả 3 thằng đều xuống bếp đun nước cho cả nhà, nhưng trước khi đun bọn tôi cho khoai vào ấm đun, luộc khoai trước, sau đó mới bỏ khoai ra đun nước sau ! có ai đi qua vẫn thấy chúng tôi đang ngồi đợi nước sôi, may mà khi pha trà không ai phát hiện ra.


NHÓM HỌC TẬP

Theo tinh thần lập nhóm để giúp đỡ nhau trong học tập, tôi được phân ở cùng anh Siêu bí thư chi bộ, giúp anh trong học tập, ngược lại anh giúp tôi về tư tưởng vì theo quan điểm cuả chi bộ: cứ bọn người Hà Nội là chắc chắn có vấn đề rồi ! Anh còn hứa sẽ giúp tôi môn Mác lê vì nó thuộc về quan điểm chính trị, tôi đồng ý và cũng chẳng tranh luận làm gì. Chúng tôi sống hòa thuận, trong sinh hoạt,  bí thư cũng đói như người thường nên cũng tìm cách làm sao cho đỡ bị bao tử hành hạ, nên vẫn thường cùng tôi vừa ôn bài vừa dạo lên tận thôn trên tìm cái ăn. Chủ nhà quý tôi hơn anh do cách ăn nói xã giao, nhẹ nhàng thì anh lại bảo đấy là tác phong tiểu tư sản, khách sáo không thật thà ! Mà anh đúng là rất thật thà, chất phác nhưng lại không biết cách cư sử nên dễ làm mất lòng người nói chuyện. Hôm thi môn Mác lê chúng tôi có tranh luận khá to, tôi thì quan niệm đó chỉ là môn học chẳng khác gì các môn khác, còn anh thì cho rằng nó cao siêu và toát lên tư tưởng chính trị, thôi không tranh luận nhưng cả hai đều quyết chứng minh là mình đúng. Kết qủa bài thi viết, tôi được 5 ( điểm cao nhất ) còn anh phải thi lại, anh buồn lắm nhưng không lí giải được đành phải thi lại thôi. 



CHUYỆN CHỊ MIẾN
Khi nhắc lại chuyện này nhiều người vẫn còn giật mình. Chị Miến làm cấp dưỡng cho bếp chúng tôi, chị có một con gái còn bé, hai mẹ con ở luôn trong căn buồng nhỏ sát bếp, tính tình dễ mến, thỉnh thoảng mấy thằng tôi, thằng nào dẻo miệng tán tỉnh, nịnh nọt, lại được chị chia thêm cho phần cháy, lúc đó thì thật sướng lắm rồi. Chồng chị là bộ đội mất ở chiến trường, ông Sơn là bí thư chi bộ lớp đô thị bên cạnh ra sức tán tỉnh và nghiễm nhiên mọi người hiểu họ là một cặp.
Sáng hôm xảy ra sự việc, mọi người ra bếp thấy con chị ngồi khóc, cháu bảo không thấy mẹ về! Mấy chú an ủi cháu rồi ra lớp học. Đến giờ cơm trưa vẫn không thấy chị Miến đâu cả, mọi người bắt đầu ái ngại vì chị có đi đâu thì cũng phải nhờ ai trông nom con nhỏ chứ! Chiều đến thực sự là có chuyện rồi vì không ai biết chị đi đâu, tin tức về chị hoàn toàn mịt mù, người duy nhất có thể biết được rõ hơn là ông Sơn lại nói rằng cả hôm qua ông bận câu chuyện nên cũng không biết gì hơn ! con nhỏ con chị khóc qúa, lớp phải cắt cử người trông nom.
ảnh minh họa
Sang đến ngày thứ 3, khắp mấy lớp học, luôn rì rầm bàn tán về câu chuyện bí ẩn này. Trưa hôm đó có 2 cậu ở lớp do không biết bơi nên không dám tắm sông mà chỉ ra cái đầm đầu làng lội xuống tắm. Bỗng có tiếng la thất thanh, một trong hai chàng chạm phải cái gì như tay người! xem lại đúng là tay người thật !!! mặt xám ngắt không còn giọt máu, cả hai lập cập lết lên bờ miệng ú ớ, ôm mớ quần áo chạy về nhà. Đúng là xác chị Miến, tất cả đổ ra đầm, với hàng trăm giả định, nhưng tất cả đều hướng về ông Sơn, mà lúc đó có người nói: rõ ràng trông thấy ông Sơn khi nghe kêu, cũng chạy ra xem, sau đó đi đâu không ai biết?
ảnh minh họa
Khổ thân chị Miến, kẻ ác sau khi thoả mãn, đã bóp cổ giết chị rồi dùng quần buộc chị với tảng đá, lăn xuống đầm. Cả buổi chiều hôm đó, công an pháp y về làng làm các xét nghiệm pháp y và có kết luận như vậy. Phiá nhà trường lo mọi thủ tục ma chay, chôn cất cho chị ngay tối đó vì đã quá 3 ngày rồi. Đêm tối mịt mùng, tôi trong đội 6 người khênh quan tài đưa chị đến nơi yên nghỉ. Làng không cho đưa chị qua làng, nên cả đoàn người phải lội qua đồng thật là vất vả. Ngoài ánh đuốc bập bùng, tiếng khóc, tiếng chân lội nước, chúng tôi đưa tiễn chị về nơi yên nghỉ. Đêm đó không ai ngủ được, rồi có tiếng đồn vừa thấy bóng ông Sơn làm tất cả chị em sợ run, tập trung ở nhà tập thể không ai dám về chỗ trọ. Lúc đó đang là thời chiến nên việc truy tìm ông Sơn không dễ dàng, sau này câu chuyện cũng đi vào dĩ vãng. Được nghe nói lại, ông Sơn có mượn của chị miến một số tiền, hôm đó chị nói ông ấy trả để chị về thăm quê, ông Sơn hẹn chị tối ra phiá đầm chơi và để trả số tiền đã mượn, thế là sự việc đã diễn ra như ta đã biết. 


TRỞ VỀ HÀ NỘI
Điện ơi! sao qúy thế
1969 Bộ quyết định thành lập trường Đại học kiến trúc hà Nội, khoa Kiến trúc Đô thị của trường Đại học xây dựng chúng tôi được tách khỏi trường và trở thành trường Kiến trúc. Điều sung sướng hơn cả là được trở về Hà Nội, đóng đô ở Thanh Xuân, cách HN 10km. Thế là chấm dứt một thời sơ tán, nhiều kỉ niệm nhưng cũng là những ngày tháng gian khổ. Những năm cuối, được học trong lớp có bàn, có ghế nghiêm chỉnh, lại còn có điện nữa chứ, sao mà hạnh phúc thế. 


ĐÀN ANH ĐÀN CHỊ
Trong qúa trình học, nhất là ngành nghệ thuật, đã có câu “học thầy không tầy học bạn” nên ngoài việc thầy truyền cho kiến thức, kinh nghiệm, phương pháp thiết kế. Chúng tôi còn chịu khó học hỏi các đàn anh về bút pháp thể hiện, một khâu rất quan trọng. Hồi đó chưa có máy tính, toàn bộ bản vẽ thể hiện bằng tay, nên chất lượng bản vẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của từng người.
Khoá 63K có anh Đinh Đồng nổi danh là “người máy”. Trong bản vẽ, tất cả chữ nghĩa dù to hay nhỏ đều được dùng thước và compa thực hiện nghiêm chỉnh, đẹp như in! Có lần chúng tôi xem đồ án rạp chiếu phim của anh, mặt bằng có 600 ghế ngồi, mỗi ghế phaỉ thực hiện bằng 60 nét cong và thẳng, tất cả cũng được thể hiện bằng thước và compa nghiêm chỉnh !!! đáng phục chưa !
Cũng khoá 63K có anh ( quên mất tên ) có tài vẽ kí họa rất giống. Khi làm bài tốt nghiệp là nhà ga xe lưả, anh đã vẽ gần 500 con người trên sân ga, từ anh công nhân đến chị nông dân, từ bác xích lô đến người hành khất, nhưng nếu nhìn kĩ thì mỗi nhân vật đều giống một ai đó trong trường ! Những “tài năng” đó của các lớp trên khuyến khích bọn tôi luôn “sáng tạo” trong thể hiện đồ án.


ĐỒ ÁN TỐT NGHIỆP
Sau 5 năm rưỡi học hành, bây giờ là lúc thể hiện khả năng cuả mình trong cái đồ án quan trọng này. Hồi đó không có chuyện chọn đề tài và thầy hướng dẫn như bây giờ. Mỗi người nhận một đề tài do nhà trường chỉ định. Tôi được giao thiết kế nhà ga xe lửa Thái Nguyên và được thầy Đoàn Văn Minh hướng dẫn. Thời gian thực hiện 5 tháng. Việc được thầy Minh hướng là một đặc ân, vì uy tín của người thầy quan trọng lắm, sau này tôi được biết là khoa ưu tiên cho các bậc lão thành chọn nhóm sinh viên mình hướng dẫn.
HỌ NHÀ CÒ, NHÀ VẠC
Sở dĩ gọi như vậy là do lớp chúng tôi chia làm 2 kíp làm bài tốt nghiệp trên lớp, một kíp vẽ ngày và một kíp đêm, tôi thuộc họ nhà “cò” vẽ ngày, đến 9 giờ tối nghỉ. Còn họ nhà “vạc” từ đó vẽ qua đêm. Đình Việt với tôi chung một giường tầng, tôi dưới, Việt trên, hai thằng đều không thức đêm được nên cứ sau 9 giờ là buông màn đi ngủ. Có hôm họ nhà “cò” lên lớp, thấy họ nhà “vạc” nằm ngủ la liệt trên bàn vẽ chẳng kịp về tổ, có chàng chui vào gầm bàn vẽ ngủ.
BÚT PHÁP
Ai cũng cố gắng tìm cho mình một cách thể hiện độc đáo trong bài tốt nghiệp. Tôi thấy trong hồ sơ có loại thể hiện âm bản. để làm được, anh em phải quét lên bản vẽ nền đen, rồi dùng nét trắng vẽ lên nền đen đó. Hồi đó làm gì có máy tính, toàn bộ vẽ tay hết, nên nét vẽ trắng chỗ mờ, chỗ nhòe, trông không đẹp. Tôi đã học tập bố trong nghệ thuật sơn mài, dùng gum arabic là loại keo hoà tan trong nước để vẽ các nét, sau đó phủ sơn lên toàn bộ bản vẽ. Đợi sơn gần khô, mang bản vẽ ra dội nước, những phần dùng keo vẽ bị nước làm bong lớp sơn đi, để lộ ra những nét vẽ trắng toát của màu giấy trông rất đẹp, hơn hẳn phương pháp cũ. Kỉ niệm nhớ nhất, là trong lúc thể hiện, thầy Đoàn Minh có xem, tới lúc tôi dùng nước để tẩy rửa bản vẽ, toàn bộ các nét trắng hiện ra đẹp đẽ. Thầy cười ( thầy rất ít khi cười với trò ) nói với thầy đi cùng: “cậu Yên là con của họa sỹ Phạm Hậu, cùng thời với tôi đấy”.

Vẽ mệt rồi, nghỉ một chút

Từ trái sang : Thụy - Thơ - Ái Việt - Yên - Đình Việt
BẢO VỆ ĐỒ ÁN TỐT NGHIỆP ( 1966 - 1971 )
Cuối cùng ngày bảo vệ đồ án tốt nghiệp cũng đến, thế là sau 5 tháng miệt mài, mỗi thằng chúng tôi đều có 14 đến 16 bản vẽ bằng tay khổ Ao để trình bày trước hội đồng. Sau khi xem xét hồ sơ, hội đồng chọn 3 đồ án đại diện cho 3 bộ môn bảo vệ điển hình trong buổi đầu tiên đón khách đến dự. Đồ án của tôi được chọn đại diện cho bộ môn thiết kế dân dụng. Thật vui và cũng thật lo.
Yên đang bảo vệ đồ án tốt nghiệp ( thầy Vương Quốc Mỹ là chủ tịch hội đồng )

Trong buổi bảo vệ hôm đó, nhìn xuống hội đồng, tôi thấy ngồi cạnh thầy Minh là các bậc lão làng, bác Hoàng Như Tiếp, bác Tạ Mĩ Duật, bác Bùi Đức Tiềm… Đúng là run thật, nhưng rồi cũng tốt đẹp cả. Sau khi bảo vệ xong, bác Tiếp cười xoa đầu tôi và bảo: “cho bác gửi lời thăm bố nhé”, còn thầy Minh: “thế là tôi xong nhiệm vụ với cậu”. Các bác đều biết bố tôi, vì cùng thời ở trường Mỹ thuật Đông dương mà.
Yên ( 1971 )
Sau buổi bảo vệ. Thầy Bùi Vạn Trân trường Đại học Xây Dựng mang công văn cuả trường xin Tôi và Đình Việt về làm cán bộ giảng dạy cho trường. Nhà trường đồng ý cho Đình Việt đi, còn tôi thì ở lại bổ xung cho đội ngũ giảng dạy của trường. Thời gian đó không có chuyện muốn đi về đâu cũng được, mà phải theo sự phân công của nhà trường. Thế là chấm dứt một thời gắn bó trên ghế nhà trường, mỗi người một ngả về khắp mọi miền, mang tài năng ra phục vụ. 


THÁNG LƯƠNG ĐẦU TIÊN
Ngày đầu vào khoa kiến trúc với tư cách là cán bộ giảng, không phải là sinh viên nữa, cảm giác rất khác lạ. Thầy Nguyễn Kim Sến, trưởng bộ môn Dân Dụng, giới thiệu hai thành viên mới của bộ môn, tôi và Đỉnh. Theo quy định chúng tôi phải 3 năm tập sự, và hưởng lương khởi điểm cuả kĩ sư: 54 đồng/ tháng. Chà, hôm cầm trong tay những đồng lương đầu tiên thật sung sướng làm sao. Mang về đưa mẹ, mẹ cười: tháng đầu mẹ chưa lấy để con có tiền “dắt lưng” bắt đầu từ tháng sau đưa mẹ 30 đồng cho việc cơm nước, còn lại con giữ lấy mà tiêu. Tôi còn nhớ lúc đó một bát phở chỉ 3 hào, nên có trong tay hơn hai chục là đời tươi quá rồi. Với tháng lương đầu, được mẹ cho, tôi đã mua của thầy đặng Qúy cái máy quay đĩa, mang từ Nga về, bị trục trặc không chạy được. À quên chưa kể, ngoài công việc chuyên môn ra, tôi còn có một thú vui khác là máy móc, điện tử. Tự tìm sách để học, lại được Dương, bạn “chí cốt” của tôi đang học ngành điện tử bên Hunggary cung cấp cho một số thiết bị, linh kiện, nên cái máy quay đĩa mang về chỉ vài hôm đã cất lên những bản nhạc mê hồn ! Tôi nói vậy không ngoa, vì lúc đó, có được một cái đài bán dẫn 2 băng tần số, đã có quyền tự hào rồi, mà còn phải làm thủ tục xin phép mới được sử dụng, phải cam đoan không nghe đài địch ! ghê chưa. Vì vậy có được cái máy quay đĩa thì oách quá rồi khỏi phải bàn. Chưa hết, toàn bộ phần vỏ tôi làm lại hết, tự tay đóng hộp gỗ cho máy, thiết kế hộp loa khá đặc biệt, “kiến trúc sư” mà. Chả thế, hôm vừa rồi có Tuấn bạn cũ hồi phổ thông đến chơi khi nhắc lại chuyện cũ, chàng vẫn nhớ là cứ đến chủ nhật lại sang nhà Yên nghe nhạc, tự hào chưa !
SẢN PHẨM THIẾT KẾ ĐẦU TAY

Người đặt hàng đầu tiên, đúng với nghề của tôi lại là mẹ ! mẹ yêu cầu xây cho mẹ một cái chuồng gà, có thể nuôi được mươi con gà, để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Lúc đó lương thực, thực phẩm hoàn toàn theo chế độ tem phiếu, mỗi tháng cán bộ được mua 3 lạng thịt, muốn có mỡ thì bớt thịt đi, 2 bìa đậu…vì vậy nhà nào cũng phải cố mọi cách thu xếp cho bữa ăn còn có cái gắp. Chuồng gà làm xong mẹ ưng lắm, muốn làm được phải biết mộc, biết nề chứ đâu có phải muốn làm là được. May nhờ có những ngày sơ tán, xây dựng trường sở mà tôi tự tay làm lấy hết. Sản phẩm tuy nhỏ, thế mà các bà bạn mẹ đến chơi, mẹ đều dẫn ra khoe và được các bà khen đẹp làm mẹ thích lắm.
“PHÁ RÀO”
Thiết kế và thi công gian triển lãm Quân đội (1985 ) Nhóm gồm : Yên - Tuệ  - Tâm - Trinh - Hân

Tranh kính 4m x 24m

Quân đội làm kinh tế rừng

Giai đoạn từ 1975 trở về trước, một trong những điều tối kị là không không được phép làm thêm những việc thuộc chuyên môn do nhà nước đào tạo. Vì vậy cán bộ đúng như những “chú gà công nghiệp”, hoặc chỉ biết “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Muốn trở thành “lao động tiên tiến” hay “chiến sỹ thi đua” thì ngoài công việc ra phải có thành tích tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi lợn…Lĩnh vực làm thêm đó thì bọn tôi làm sao làm được. mà cuộc sống chỉ trông vào đồng lương thì không ổn thế là bọn tôi tìm cách “phá rào”. Nhóm gồm có Yên, Đại Hải, Ngô Bách, Trịnh Hồng Đoàn. Lúc đó đại tá Hồng Cư bên tổng cục chính trị rất cảm tình với nhóm các thầy kiến trúc “tài năng” này, tạo mọi điều kiện để các thầy có thể giúp cho quân đội tham gia trong các kì triển lãm. Để giữ “bí mật”, nhóm luôn được bố trí chỗ làm việc trong các doanh trại quân đội. Suốt mấy năm “phá rào” đi làm ăn với các bác quân nhân, gian triển lãm cuả quân đội luôn được đánh giá cao, và “tay nghề” của nhóm càng điêu luyện, lại có nguồn thu nhập xứng đáng. 
Nôi thất Phòng họp của Đảng 4 Nguyễn cảnh chân ( 1987 )

Ngoại thất bảo tàng Không Quân ( 1990 ) Nhóm gồm : Yên - Tuệ - Tâm - Trinh - Hân


Nội thất bảo tàng Không Quân, ( lúc đó vật liệu trang trí vô cùng hiếm )


BẠN “CHÍ CỐT”
Yên - Dương trong chuyến du lịch Hạ Long bằng xe máy ( 1970 )

Dương và tôi thân nhau bắt đầu từ cấp III, nhà Dương cũng gần nhà tôi nên ngoài giờ học, hai đứa còn thường xuyên chạy qua chạy lại í ới với nhau. Dương có 4 chị em, nhưng hắn là con trai duy nhất vì vậy buồn quá cứ ở nhà tôi suốt, đến bữa mới chịu về nhà. Ba Dương là bác sỹ Tấn, giám đốc bệnh viện E, bệnh viện cán bộ, thấy con suốt ngày sang nhà bạn, có lần sang tận nhà nhà tôi xem hai đứa làm trò gì, cuối cùng “cụ” hiểu rằng nó không ở nhà vì nhà toàn con gái, biết nói chuyện với ai ! Hai thằng cùng mê máy móc, vô tuyến, chả thế có bất cứ cái gì mới là nghĩ ngay đến chuyện mở ra tìm hiểu xem cấu tạo, nội dung bên trong ruột của nó rồi mới chịu yên. Có hôm chót mở ra rồi, phải loay hoay 3 ngày mới lắp trả lại được vì chưa có kinh nghiệm mà. Lên đại học Dương sang Hungary học siêu cao tần, đúng với nguyện vọng, còn tôi vào kiến trúc. Nhớ đến thằng bạn ở nhà, hắn tìm cách gửi linh kiện vô tuyến về cho tôi, vì vậy tôi mới có điều kiện trổ tài, nghề “tay trái” sửa chữa đài đóm cho bạn bè, được bạn bè phục lắm.
Cắm lều ngủ bên bờ vịnh. Yên - Cát - Dương - Nhân .
Chuyện tình cuả chàng thật long đong và nhiều trúc trắc, Dương yêu một cô bên Hung tên Bảo, học dưới một lớp. Mối tình qúa đẹp vì đang ở nước ngoài mà. Khi cả hai về nghỉ hè, chàng không dám lên thăm “bồ”, mà cứ thở ngắn than dài! hóa ra “bồ” là con bà cả, bố làm “lớn” ở văn phòng chính phủ, hiện đang ở với bà hai. Nghe nói bố khó tính lắm! hắn bắt tôi cùng lên để giúp chàng tiếp súc với “bố vợ” tương lai. Thế là từ đó tôi phải đi cùng hắn như hình với bóng, lên xin phép đi chơi, thấy có cả tôi, “hai cụ” đồng ý ngay, nhưng ra đến cửa, thả hai anh chị đi chơi riêng, còn tôi đi lang thang, đợi tới giờ hẹn lại cùng nhau về nhà, có khổ không chứ. Rồi còn chuyện thấy tôi lúc nào cũng đến chơi cùng nên hai cụ cho rằng chắc nó để ý đến cô con gái của bà Hai ! khiến “bồ” của cô đó nhìn mình với ánh mắt mang hình "viên đạn"!!!
Đi đâu cũng có nhau
Đến ngày Cưới, cũng nhiều chuyện không kém. mẹ của Bảo ( bà cả) quê ở Đông Anh, muốn tổ chức cưới trước cho con gái, sợ chồng không đồng ý, nên trước ngày cưới 1 tuần, hẹn Dương cùng mấy bạn về quê, mà không nói lí do. Hôm đó Dương rủ tôi cùng 2 người bạn về quê Bảo mà chính chàng cũng không biết lí do, nên chàng ăn mặc “xuyềnh xoàng” lắm. Tới cổng làng bỗng thấy lũ trẻ reo lên: a! chú rể về rồi. Thằng bạn tôi cũng bất ngờ vì mình là “chú rể”. Nhà gái rất vui, và không cần câu nệ nên tiệc cưới hôm đó dản dị và ấm cúng. Chàng rể được mọi người bên nhà gái quý lắm, tôi rất mừng cho bạn mình. Khi chia tay, tôi và 2 người bạn Dương về trước bằng xe đạp, còn Dương và Bảo về sau bằng xe máy. Sáng hôm sau, thật sửng sốt nghe tin: Tối qua, trên đường về, Dương, Bảo gặp tai nạn, Bảo bị gãy chân phải bó bột! Trời ạ cuối tuần là cưới rồì, biết làm thế nào, ngày cưới không hoãn được ?
Mua tôm cua về làm qùa. Yên - Dương - Cát .
Hôm cưới thật vui, cô dâu muốn đi đâu cũng được chú rể bồng đi rất lãng mạn. Mà đã hết đâu, gần kết thúc tiệc cưới, không hiểu vì sao, chắc do mệt vì bồng cô dâu, chú rể xuống bếp, trượt chân, đầu va phải tường,chảy máu, phải băng đầu!! Thật bất ngờ lại gặp bất ngờ. Khi tiệc cưới kết thúc, hai vợ chồng cùng bọn tôi cười suốt vì hình dung: muốn chụp ảnh mà không thấy “tai nạn” thì chú rể phải che đầu còn cô dâu phải che chân ! Thế là hòa.
Hình như định mệnh được báo trước. 3 tháng sau ngày cưới, Dương bị mắc căn bệnh máu trắng. Do thời gian học ở bên Hung, không chịu mặc áo bằng chì chống phóng xạ mỗi khi vào phòng thí nghiệm ( lớp của Dương có 4 người bị ). Dương đã ra đi, thằng bạn thân thiết nhất, thông minh, học giỏi, hết lòng vì bạn, thời phổ thông đã vĩnh biệt bọn tôi, để lại trong lòng tôi niềm thương tiếc vô hạn.


LẠI ĐI SƠ TÁN
1972 Mỹ lại đánh phá ác liệt miền bắc. Chủ trương của bộ là phải bảo đảm an toàn cho các cơ quan thuộc bộ nên mọi đơn vị đều có lệnh sơ tán. Nhưng việc di chuyển  đâu có phải dễ nên hầu hết các đơn vị chỉ cắt đặt một số bộ phận đi cho có lệ, còn hầu hết vẫn bám trụ ở lại Hà Nội. Riêng trường khiến trúc dễ di chuyển nhất, bộ quyết định trường phải di chyển lên Xuân Hòa nơi xây dựng thủ đô mới, đã xây xong một số hạng mục khá hoành tráng nhưng chẳng cơ quan, đơn vị nào chịu lên hết, thế là trường là vật thí mạng của bộ.
Nơi đóng quân của trường thật hoành tráng, cả một đại lộ lớn không một bóng người, mỗi khoa được ở một tòa nhà 5 tầng vốn là một chung cư cho sau này. Rồi cũng không được bao lâu, bộ lại quyết định rời trường lên tận Cao Bằng, sát biên giới Trung Quốc, chắc là có gì sẽ “sơ tán” sang nương nhờ nước bạn chăng. Thế là thầy trò trường kiến Trúc lại bồng bế nhau lên vùng núi biên giới của tổ quốc.
Lần đầu tiên lên một vùng núi xa xôi, xe đi gần ba ngày đường, đêm đầu ngủ lại Bắc Cạn, đêm sau tại thị xã Cao Bằng, rồi đến Huyện Quảng Uyên, Quảng Hòa gần thác Bản Giốc thì dừng chân đóng quân. Ngày đầu khi xe chạy còn vui lắm, nhất là khóa 72K vừa mới chân ướt chân ráo nhập học đã lên đường ngay, tiếng hát tiếng cười râm ran các xe, sang hôm sau thì im lặng và có tiếng thút thít vì nhớ nhà ! đúng tuổi trẻ là vậy. Nhiều kỉ niệm trong thời gian này, mỗi khi nhắc đến lại cảm thấy như vừa mới xảy ra.
Xe vừa dừng chân, thì thấy có đám mổ trâu bên đường, một bà cấp dưỡng vội len vào nhanh nhẹn đòi mua 2 đồng xương trâu để về lọc và hầm cho nó rẻ. Người bán ngần ngừ và bảo bà đợi một chút, đang phân vân cầm mấy dé xương sườn thì người bán bảo xong rồi bà muốn lấy bao nhiêu thì lấy! họ cho cả bộ xương trâu to đùng, ngạc nhiên và mừng quá, xong hiểu ra thì lại tức quá, Trên này, thịt trâu người dân tộc kiêng vì là con vật thờ nên không ăn, vì vậy chỉ 2 đ/ kg thịt ngon nõn nà, còn xương thì…cho không. Bà cấp dưỡng đành chất đám xương trâu mang về, nặng quá lại phải bỏ bớt mới gánh nổi, vừa đi vừa lầm bầm ruả thầm!!!
Đi sơ tán lần này, không giống lần sơ tán trước vì tôi đã là cán bộ giảng dạy rồi, nên có vẻ chững chạc và oai hơn. Nhóm các thầy cứ 5 thầy ở trọ một nhà dân, nhóm tôi gồm  T Yên, T Đoàn, T Đại Hải, T Xuân, T Tố Tuấn. Lần đầu ở nhà sàn thật khó tả, Đầu tiên là cái mùi nhà sàn, do nhà sàn trên thì người ở, dưới nhốt trâu, sàn nhà và cũng là sàn nằm bằng gỗ ván ghép lại thì hở ít nhất cũng vài phân nên qua khe nhìn xuống thấy rõ những chú trâu to đùng ngay dưới chỗ mình nằm đang dẫm phân oàm oạp! Chính cái mùi khó tả từ đó mà ra, lan toả khắp nhà, mặc dù chỗ nằm đã được các thầy phủ ny lông. Nhưng đúng như câu nói “Trước lạ sau quen” chỉ vài ngày đầu không ngủ được, sau thì quen dần và chẳng ai còn nhắc đến cái mùi của nhà sàn nữa. Có một lần, vô tình tôi để lọt cây bút viết rơi xuống khe hở sàn nhà, nghĩ là đơn giản chạy xuống, vào chuồng trâu nhặt lại, đâu có phải vậy. Chuồng nhốt trâu mỗi năm chỉ dọn phân một lần để đem bón cây trồng, nên lớp phân dày tới hơn 2 tấc! đứng đắn đo một hồi, đành chấp nhận mất cây bút vậy.
Nói đến chuyện ăn uống cũng thật vui, giữa nhà sàn là bếp nấu, cũng là gian lớn nhất bà con cho chúng tôi ngủ ngay gần bếp lửa nên thích lắm, nấu cơm, xào nấu đều bằng chảo, phải tập cho quen. Mọi thứ trên này rẻ và ngon đến bất ngờ. Muốn làm món cải xào cho 5 người chỉ cần ra vườn nhà chủ mua một cây cải là đủ, vì một cây cũng đã gần 3kg rồi, ăn mệt nghỉ. Còn thịt thì do bà con kiêng không ăn thịt trâu, nên đó là món ăn rẻ và ngon nhất trong những ngày sơ tán, chỉ 2 đ/cân. Nhưng cũng vì kiêng, theo tập tục không được sào nấu món đó trong nhà, nên mỗi lần ăn cũng phiền, phải kéo nhau ra suối nấu ăn, vì thế đêm nào cũng thấy nhiều ánh lửa bên bờ suối.
Có hôm 1 nhóm sinh viên mua được cuả nhà chủ một con nghé, bị ngã núi vì rét có hơn 10đ, nghĩ là cả đời chưa bao giờ ăn gan bê cả nên cả nhóm kéo bê ra suối làm thịt. Sau khi thưởng thức món gan xong thì không còn bụng đâu mà chứa món khác, mà đâu có được mang thịt trâu vào nhà, thế là đành gọi các nhóm khác đến ăn hộ vậy.
Việc học hành cũng rất đặc biệt, các thầy đến tận từng bản để hướng dẫn đồ án, dùng tạm vài tấm bảng làm bàn, thế là thành lớp học thời chiến. Cứ như vậy sinh hoạt của nhà trường vẫn hoạt động cho đến ngày về lại dưới xuôi.


VÀO RỪNG
Ngày nghỉ, cả nhóm các thầy theo Yên lên rừng tìm phong lan
Yên - T. Đảm - T.Xuân - T. Dũng - T. Thược - T. Dũng gỗ - T. Hùng - T. Hào
Ngày nghỉ trên khu sơ tán, ngoài thú vui đi chợ miền núi, còn một cái thú nữa là vào rừng kiếm phong lan. Trong nhóm giáo viên, tôi được anh em tín nhiệm về cái món tìm kiếm hoa phong lan, bởi họ biết nhà tôi có bố là một nghệ sỹ chơi cây cảnh, nên khi nghe tôi vào rừng tìm kiếm phong lan thế là rất nhiều thầy theo tôi ngay. Nghe nói vùng Cao Bằng có loại phong lan rất qúy là hài vệ nữ, loại này không mọc ở trên cao mà thường có ở ven suối, tôi đi theo suối lần vào rừng. Bởi chỉ nghe tả chứ chưa tận mắt thấy nên cả đoàn đi lang thang suốt mấy tiếng mà chưa thu được kết qủa nào. Mệt qúa anh em đề nghị nghỉ một lúc, ngồi bên suối mọi người rôm rả truyên trò, đang vơ vẩn nhìn, tôi bỗng á lên rất to và chỉ cho mọi nguời thấy mấy giò hoa hài vệ nữ mọc ngay chỗ mọi người đang ngồi nghỉ. Mấy bông hoa giống như những chiếc hài trong truyện cổ tích màu tím biếc, lung linh. Trời ạ suốt mấy tiếng toàn nhìn lên trời nên chẳng thấy gì cả, bây giờ nhìn xuống thấy chỗ nào cũng có hài, nhiều lắm, thế là mọi người tha hồ mang chiến lợi về nhà. Nghe tin vui mọi người kéo đến nhà trọ bọn tôi để được tận mắt trông thấy loài hoa qúy này và rủ nhau vào rừng tìm kiếm. từ đó đi đâu, nhìn trước cưả nhà nào có hoa phong lan treo thì chắc chắn nhà đó đang có sinh viên trường kiến trúc ở trọ.
Mang về chiến lợi phẩm, lan "hài vệ nữ"


CHUYỆN KHÓ SỬ CỦA THẦY CHỦ NHIỆM
1975 Chấm dứt chiến tranh, nhưng chưa hết sơ tán. Đại bộ phận của trường từ Cao Bằng rút về Xuân Hòa, có một phần nhỏ rút về Cổ Nhuế. Tôi được rút về Cổ Nhuế nên được coi như kết thúc thời kì sơ tán. Được phân công chủ nhiệm lớp 75K, không biết có phải do tàn dư của những ngày sơ tán không mà sinh viên chưa tích cực trong việc học hành.
Một lần, thầy Phạm Văn Trình hiệu trưởng triệu tập các giáo viên chủ nhiệm, yêu cầu phải triệu tập một cuộc họp với phụ huynh để chấn chỉnh thái độ học tập của con em mình. Thật lạ, tưởng việc họp với phụ huynh chỉ có ở phổ thông, mà bây giờ học đến đại học rồi cơ mà! Nhưng hiệu trưởng quyết rồi nên chúng tôi vẫn chấp hành. Hôm phổ biến nội dung này với lớp, cả lớp xôn xao, lo lắng, bỗng có một em tên Trọng, gãi đầu, xin hỏi: Thưa thầy, em đã lấy vợ và ra ở riêng rồi, vậy em mời vợ em đi họp cho em có được không ạ !!! Tôi thật không biết phải trả lời thế nào cho phải.



NHẤT QUỈ NHÌ MA THỨ 3 HỌC TRÒ
Đang là sinh viên thì cũng vẫn là tuổi học trò. Có lần thầy hiệu phó Vũ văn Ứng gọi một sinh viên lên yêu cầu trước giờ học buổi chiều phải đi cắt tóc và lên trình thầy rồi mới vào lớp. Chiều hôm đó cậu ta làm một cuộc diễu hành khắp trường với cái đầu trọc và láng bóng hơn cả đầu nhà sư. Không ai nhịn được cười khi trông thấy cái đầu cậu ấy. Đúng theo yêu cầu, cậu ta vào trình thầy hiệu phó, cố nén cười, thầy quát: tôi bảo cậu cắt tóc ngắn chứ có bảo cạo đầu như thế này đâu! Về đi làm thế nào thì làm!!! Thế là suốt buổi học hôm đó, lớp cậu ấy không thể học được, vì chính những giáo viên lên lớp cũng không nhịn được cười. 


THẦY CỦA NGÀY ẤY
Giáo viên của chúng tôi hồi ấy, ngoài chuyện giảng dạy về lý thuyết còn phải rất cứng về tay nghề, vì luôn phải sửa bài trực tiếp cho sinh viên.
Còn nhớ có lần, đang vào giai đoạn thể hiện tập trung đồ án. Vừa bước vào lớp bỗng thấy nhóm cuả tôi hướng dẫn, mấy cô reo lên: thầy Yên đến rồi. Nhìn thấy một cô đang nước mắt ngắn dài! Không hiểu truyện gì? Cô gây ra rắc rối thưa: dạ em trót đánh đổ mực lên bản vẽ cuả bạn, mà hết thời gian rồi không thể vẽ lại được, em đang khuyên bạn bình tĩnh, Đợi thầy lên, thầy sẽ cứu cho! Nhìn bản vẽ tôi hết hồn, 2 mảng mực đen dây ngay trên mặt đứng bản vẽ! sau một lúc đắn đo tôi quyết định vết dây lên mặt đứng vẽ thành một kiểu cây cách điệu, còn vết dây dưới nền thành tảng đá non bộ. Sau hơn 15 phút sửa chữa, mọi người không nhận ra sự cố nữa mà hình như tác giả đã bố cục như vậy. Cô bạn gây chuyện sung sướng quá, còn nạn nhân nhìn bản vẽ tủm tỉm cười, một cô còn xin thầy: Khi nào chúng em bị sự cố, mong thầy giúp tụi em ạ!!!


TƯỢNG MẶC ÁO!
Trường kiến Trúc Hà Nội từng qua nhiều đời hiệu trưởng. 1974-1975 hiệu trưởng là thầy Lê Đình Cương từ quân đội chuyển về. Trường đóng quân tại Xuân Hòa. Một sáng chắc là rảnh, thầy lững thững dạo bộ qua các khoa cũng chẳng mục đích gì. Khi qua bộ môn mỹ thuật, nhìn vào trong thầy rật mình thấy toàn các bức tượng “không quần áo” Sao lại có thể có loại vô văn hóa trong trường được nhỉ? Lập tức bộ môn mỹ thuật được triệu tập để giải trình sự việc “ghê gớm” này. Được biết đây là các bức tượng cho sinh viên vẽ trong giờ học thì lại càng tai hại: truyền bá văn hoá đồi trụy. Thầy Đặng Qúi Khoa thay mặt bộ môn giải trình mục đích, ý nghiã môn học nhưng không được hiệu trưởng chấp nhận!!! Sau khi phân tích tác hại của việc này, thầy hiệu trưởng quyết định: muốn tiếp tục cho sinh viên vẽ thì phải “mặc áo cho tượng” thế là thể loại tượng mặc áo ra đời, trông thật lạ và chẳng giống ai, nhưng đã là lệnh thì phải thi hành. Sinh viên ngạc nhiên về sự kiện này, tượng vẽ bây giờ lại có thêm mảnh vải quấn qua chỗ được cho là “nhạy cảm” thật tức cười. Tin bay về bộ, sau vài tuần việc này chấm dứt, mọi việc lại trở lại như cũ, tượng lại được “cởi áo”. Có người đã phỏng vấn: sao thầy không nắm gì về nghệ thuật lại về phụ trách một trường nghệ thuật, thầy trả lời thẳng thắn: Đảng đã giao trách nhiệm cho tôi thì tôi sẽ hoàn thành và hoàn thành thật tốt!


TÌNH THẦY TRÒ
Từ ngày “gác kiếm” về nghỉ, tôi không trở lại bục giảng mặc dù có nhiều lời mời vì còn phải dành thời gian còn lại cho mình chứ. Công việc duy nhất giữ mối quan hệ với trường là nhận lời hướng dẫn sinh viên tốt nghiệp cho một số trường như Văn Lang, Tôn Đức Thắng, Kiến trúc…Năm nay cũng vậy, vừa hoàn thành xong nhiệm vụ hướng dẫn, sinh viên đã bảo vệ xong, kết thúc những ngày ngồi trên ghế nhà trường, chuẩn bị vào đời cống hiến cho xã hội.
 Hôm nay, nhóm sinh viên trường Kiến trúc đến thăm và chia tay với thầy sau 4 tháng được thầy dìu dắt. Tình thầy trò là món qùa qúy nhất của nghề sư phạm, nó dản dị và trong sáng biết bao. Trong hướng dẫn, thầy chỉ đường dẫn lối, lúc la mắng, lúc động viên, khuyên bảo, mong cho trò có ý tưởng hay, có nhiều sáng tạo trong đồ án. giờ đây các cô học trò nhỏ bé đã là “bạn đồng nghiệp” của thầy rồi. thật vui khi nghe trò tâm sự, nhìn nụ cười và ngắm tuổi trẻ đầy sức sống của trò thầy ấm lòng và tin tưởng xã hội ngày mai sẽ tốt đẹp hơn bởi những con người này. Hãy tin là vậy.
Sinh viên lớp nội thất NT06 khoá 2006-2011

1 nhận xét:

  1. Thật tuyệt vời! Thầy không chỉ là một kiến trúc sư, một chuyên gia nội ngoại thất giỏi, thầy còn là một nhà văn. Em đọc bài viết của thầy một lèo không thể dứt ra được, hết ngạc nhiên này đến thú vị khác, mà sao thầy có trí nhớ "khủng" vậy, đọc bài của thầy em như được sống lại những kỷ niệm của gần 40 năm trước khi còn học tại trường, những cái tên như cập bài trùng: KTS Gia Yên, Đại Hải, Ngô Bách... những địa danh: Xuân Hòa, Chèm, Cổ Nhuế... bỗng ùa về trong tâm thức... Trong "Chuyện khó xử của thầy chủ nhiệm" đích thị đó là anh học trò Trần Kim Trọng vì anh ta đã có vợ khi còn đang đi học, sau đó Trọng bị "nhuận" một năm xuống 76K2 học cùng bọn em, hồi đó thầy Trình cũng bắt lớp em họp phụ huynh, riêng em được miễn vì là lớp trưởng và là bộ đội. Cám ơn thầy của chúng em thật nhiều.
    Học trò của thầy,em Trần Điện Biên 76K2.

    Trả lờiXóa