KỈ NIỆM BẠN BÈ.




                            

Lớp 66K nhân ngày kỉ niệm 45 năm truyền thống
30 /4 / 2011
"Đỗ gia trang" điểm gặp nhau cuối tuần lí tưởng
Ngày nghỉ lễ năm nay, không đi chơi xa nên mấy ông bạn thân rủ nhau lên nhà Thụy hội hè, vì cũng đã lâu chưa gặp. “Đỗ gia trang” vẫn là điểm để gặp nhau cuối tuần lí tưởng. Ba chàng, chủ nhân cuả 3 blog bạn bè có khối chuyện để bàn tán, Thắng tuy là độc giả nhưng cũng đánh giá và nhận xét từng blog khá thú vị. Tất cả đều chung một ý nghĩ, đó là món ăn tinh thần hết sức quý mà sự tiến bộ của khoa học đem lại. Loại hình văn hóa này không xa lạ gì với giới trẻ, nhưng với lưá trên U60 thì còn mới lạ, và cảm thấy thú vị, chẳng cần phải lặn lội đường xa sang thăm nhau, chỉ cần vài cái ấn phím là đã gặp được nhau rồi, có thể cho nhau xem các sáng tác mới, hay giới thiệu một chuyến đi nghỉ, bằng những hình ảnh đẹp, thật là tuyệt vời. Đặng Hà ở Hà Nội gọi điện cho tôi, ngoài những chuyện thăm hỏi, chàng muốn xem một vài mẫu đèn sáng tác của tôi, thế là trong vài phút, đã có thể vào blog để xem được rồi, quả là thú vị. Việc có blog là tốt quá, nhưng việc nuôi sống nó không dễ, phải luôn luôn mới thì bạn bè tới thăm mới có cái để đọc, để xem chứ, đó là điều trăn trở cuả người làm blog.
Ngồi xem các sáng tác mới cuả chủ nhà
Làm một tấm hình kỉ niệm với ông bà chủ
Lắng nghe lời nhận xét tranh của hoạ sỹ Thịnh
Chủ
Phút ngẫu hứng karaoke của hai vợ chồng trưởng khoa kiến trúc Duy Anh - Thủy
Chủ nhà cũng phải đợi đến lượt mới được biểu diễn
Một buổi gặp nhau thú vị
TRAO ĐỔI
17/4/2011 Vừa ra Hà Nội gặp lại bạn bè cũ: Hách, Hồng Hải, Phúc, Đặng Hà, Yên, 5 anh em rủ nhau ra quán bia tươi tâm sự. Mỗi lần gặp được nhau thì vui lắm, có đủ thứ truyện trên đời.Trong các truyện có một vấn đề được nêu ra: có nên viết blog không? Và viết thì có lợi, hại gì? Một vài ý kiến cho rằng dại gì viết, có khi lại lôi những cái xấu từ xa xưa ra, mà mình đã cố chôn vùi “qúa khứ” vào dĩ vãng. Giờ đây “lò lửa” đã nguội rồi lại có thể bất chợt bùng lên chưa biết chừng !
Cuộc hội ngộ tháng 4/2011 : Hồng hải - Hách - Phúc - Đặng Hà -  Yên 
Còn ý kiến ngược lại cho rằng phải viết chứ, đây là dịp để “ôn nghèo nhớ khổ” hay còn gọi là xem lại những “kí họa” của qúa khứ mà chẳng ai dại gì dùng nó để bôi nhau cả. Chúng ta cùng đã qua bên kia núi rồi, thời gian còn lại chẳng là bao, dùng nó để giận nhau thì thật qúa lãng phí, hãy dùng thời gian còn lại để nghĩ tốt, nghĩ hay về nhau, cho con cháu nó nghe, nó sướng có hơn không. Blog đã giúp cho tôi có thêm nhiều bạn thân, giúp cho mọi người khi đọc nó thấy có mình trong đó và càng thêm mến mộ nhau hơn.
 
KTS NGUYỄN ĐỨC THUẬN “THUẬN GIÀ” ( 66K )
Anh có thêm tên “Thuận già” vì anh là cán bộ cử đi học, hơn bọn tôi dăm sáu tuổi nhưng tính còn trẻ lắm, rất chịu chơi. Chính anh hay gần gũi bọn trẻ nên bọn trẻ giúp anh được khá nhiều trong học tập, ngược lại bọn tôi lại thích anh vì anh có rất nhiều kinh nghiệm sống, đặc biệt trong khoản “tình trường” bọn tôi tôn anh làm “sư phụ”. Cứ mỗi lần nhìn thằng nào có nét “thất tình” là anh gạn hỏi cho đến khi phải tuôn ra, rồi “sư phụ” lại tính kế, bày cách cho. Có lần anh bị nhiễm trùng do lấy lá bôi vào vết thương, chân sưng to, bọn tôi phải dùng võng đưa anh lên trạm xá hiệu bộ. Ba thằng: Yên, Việt, Thắng phải thay nhau võng “sư phụ” tiếp lên bệnh viện Huyện mới có bác sỹ điều trị. Cô Nhật y tá trường cùng đi, cô trông cũng xinh sắn nên 3 chàng vừa võng “sư phụ” vừa ra sức trổ tài tán trước mặt “sư phụ”. Cô cười suốt, đến nỗi “sư phụ” đang đau mà cũng phải thốt lên: Thôi thôi, các trò giỏi hơn “ sư phụ” rồi khiến cô y tá không hiểu chuyện gì cả!
Anh “lấy vợ” sớm, không phải vì “trẻ qúa”, anh già rồi còn gì. Nhưng theo quy định hồi đó, cấm sinh viên đang học được lập gia đình! Vì vậy việc học phải lùi lại 1 năm, chúng tôi rất cảm thông và qúy anh, người bạn lớn tuổi và là “sư phụ” của mấy thằng tôi.

KTS  BÙI QUANG THẮNG  ( 66K )
Thắng học cùng tôi từ hồi cấp 1, lúc đó cũng chẳng cao hơn bạn bè là bao, không hiểu sau này ăn phải thứ bột gì mà cao to thế. Với dáng người như vậy chàng làm thủ môn cho đội bóng của lớp, được anh em tuyệt đối tin tưởng.
Trong một lần làm nhà lớp học, phải đục lỗ con sỏ cho cột nhà, do đục sâu qúa nên  không rút được, chàng cậy sức khoẻ cố rút đục ra, bất ngờ cái đục tuột được ra, cán đục đâm  thẳng vào mặt Thắng, không chạm vào đâu chỉ xin một mẩu răng cửa cuả thắng thôi ! từ đó chàng được anh em tặng cho cái tên  “Thắng sứt” .
Suốt trong thời gian học trên khu sơ tán, không ở trong đội tiếp phẩm như bọn tôi vì không có xe đạp, nhưng chàng vẫn về Hà Nội như gió bằng các loại phương tiện. Chỉ khổ cho chàng, không có lí do gì để về HN, nên chàng luôn phải làm kiểm điểm  trước lớp. Đến hôm nay khi nhắc lại chuyện này, chàng vẫn ngạc nhiên sao hồi ấy mình viết kiểm điểm giỏi thế ! Khi đọc lên, cả lớp đều  “sụt sùi” không ai nỡ bắt tội chàng cả, và để lần sau lại tiếp tục như vậy !!! giỏi không?
Trong đợt làm tốt nghiệp, Thắng làm về quy hoạch, được Tiến Thuận lớp dưới hỗ trợ. (Thuận là một tay vẽ “cứng” cuả lớp 67K) Hôm đó không biết thế nào, 2 chàng vẽ xong một bản vẽ, để ra xa ngắm, hứng trí Thắng kêu to: Phen này mà Khổng Toán trông thấy thì chỉ có khóc thét ! Chẳng ngờ đúng lúc đó thầy Khổng Toán, thầy hướng dẫn của chàng đi lên, nghe vậy thầy ra xem bản vẽ để biết mình phải khóc thét thế nào !!! Thế là chàng bị một đòn "oan thị Mầu” của thầy.


Những ngày mùa đông trên khu sơ tán thật rét, nên 3 thằng: Yên, Thắng, Việt ngủ chung một giường cho ấm. Giường thì chật mà chàng Thắng lại chúa hay gác, mỗi lần bị hắn gác cái chân to đùng lên ngực là y rằng nằm mơ thấy “xe tăng 18 tấn” đè lên ngực mình. Có lần không hiểu sao mà sáng tỉnh dậy thì lại thấy hắn nằm đầu quay xuống dưới mà hai chân quay lên đang gác lên người hai thằng bạn, tài thật. Từ đó phải chấp nhận thà nằm riêng rẽ chịu rét còn hơn phải chịu cảnh “tra tấn” cả đêm thấy “bóng đè”. Tưởng ai cũng phải thua chàng hay gác chân này, thế mà được nghe kể lại, khi Thắng ngủ cùng giường với chàng Chính mà nửa đêm, chàng Thắng phải bật dậy đấm thùm thụp thằng bạn vì bị hắn kẹp cả hai chân lên cổ mình!!! Đúng là “vỏ quýt dày có móng tay Nhọn”. Cũng may hồi đó chuyện “bê đê” còn chưa thấy nói đến ở VN, nên việc xếp giường ngủ chung con trai với con trai, con gái với con gái là chuyện tất nhiên và hợp lí.                        
   KTS TRẦN NGỌC CHÍNH  ( 66K )
                               ( Nguyên Thứ trưởng bộ xây dựng )


Mới vào lớp mỗi chàng đều có một biệt danh do lớp đặt, Chính có tên “Chính liên Hoan“ sở dĩ có tên này vì ở lớp có 3 chàng là Văn Việt, Tường và Chính là những chàng rất chích chải chuốt mã bên ngoài, nhưng khổ nỗi dù có cố gắng nhưng mức độ hình thức mỗi người vẫn khác nhau, nên cấp độ diện mỗi người được anh em xếp cho thứ tự là : “Việt cưới” “Tường cỗ” “Chính liên hoan”. Trong thời gian học Chính kết bồ với cô bạn cùng lớp là Th...đôi bạn này hay đi chơi khuya sau buổi học khiến chó trong xóm cắn râm ran nên được anh em tặng cho bài hát lái : …Nghe con chó nó cắn trong đêm khuya đúng là Chính Th... rồi.

Sau này tuy lên làm thứ trưởng bộ xây dựng, có lẽ là chức cao nhất đạt được cuả khoá bọn tôi nhưng tính tình chàng vẫn như xưa, vẫn thật thà chất phác với bạn bè, không hề mang tính khinh khỉnh như các quan chức ta thường gặp, đi đến đâu, có dịp là chàng tìm cách tập hợp lại bạn bè xưa để ôn lại kỉ niệm cũ, đó là những tình cảm đáng quý cuả khoá 66 k ngày nào.
                                            KTS ĐẶNG VĂN HÀ  ( 66K )
                          ( Nguyên đại tá - Phó cục trưởng cục XDCB )
Luôn là người có phong cách nhẹ nhàng. Từ lời ăn tiếng nói cho đến cách đi đứng, chứng tỏ là người sống bằng nội tâm mạnh. 
Có một lần chạy sang nhà Hà, vì mỗi đứa ở trọ một nhà dân hồi sơ tán, thấy chàng đang trầm ngâm bên cốc nước thuỷ tinh, không biết đang “ tư duy” gì ! Bỗng chàng ta cất tiếng nhỏ nhẹ : Gay quá Yên à, suốt bao lâu nay cứ khát nước là chạy ra ngay cái bể nước mưa cuả cụ chủ vục đầu vào uống mà sao thấy đã thế, hôm nay không vội, tiện mới có cái ly thủy tinh nên múc nước mưa vào để lát uống, ông xem mình đã uống thứ gì đây ? Trời ạ nước mưa trong ly trong vắt nhưng nó có hàng nghìn con gì nhỏ xíu cũng trong vắt bơi lội tung tăng ! Thôi ông ơi đừng nghĩ làm gì cho cực thân vì dù sao từ hồi đó đến giờ mình có đau bụng đâu !!!
Hôm có giờ đồ án, thầy Đoàn Minh chống gậy lọ mọ lên lớp. Đồ án chúng tôi đang làm là  thiết kế sân vận động, Đặng Hà thuộc nhóm của thầy, đang bí về ý, trong lúc đợi thầy, chàng liền hí hoáy vẽ “ Cụ Minh “ ngồi bó gối trên sân vận động cuả chàng ! đang khoái trí về tác phẩm cuả mình, bỗng thầy xuất hiện sau lưng : “nào bài cuả cậu đến đâu rồi !” Sợ toát mồ hôi không kịp xóa đi thế là cứ một tay che hình còn tay kia trình bày với thầy, may không bị thầy phát hiện ra, thật hú vía .  
Đến thăm nhà Đặng Hà  ( 4 / 2011 )
                                          KTS PHẠM ĐÌNH VIỆT  ( 66K )
                     ( Tiến sỹ nguyên trưởng khoa kiến trúc ĐH Đông Đô )
Tôi vốn đã hói đầu nhưng Đình Việt còn hơn nhiều, chả thế trong một lần từ khu trường sơ tán về nhà, hồi đó Hà Nội (1967 ) đang có chiến dịch giống như “ cách mạng văn hóa Trung Quốc “ là chống quần loe, tóc dài. Từng đội thanh niên được huy động ra đường thấy ai như vậy là kéo vào lấy kéo sẻ ngay quần loe hoặc ép vào tiệm cắt tóc hớt tóc dài bất chấp sự phản đối của dư luận!!! một thời khủng khiếp. Hai thằng đang hối hả đạp xe bỗng một thanh niên cờ đỏ thổi còi rồi túm ngay xe Đình Việt : anh này để tóc dài xin mời xuống xe vào cắt tóc ! Vốn tóc chàng tuy phần đỉnh hói trụi nhưng vành dưới chàng lại để dài nên khi đội mũ nó che mất phần hói chỉ thấy phần tóc dài thôi. Dừng xe lại Đình Việt bảo : Sao cháu lại giữ xe chú ? rồi từ từ bỏ mũ ra, nhìn cái đầu hói trụi chàng cờ đỏ líu lưỡi : Dạ dạ cháu xin lỗi bác cháu cứ tưởng…dạ dạ !!! đạp xe đi rồi mà hai thằng vẫn chưa hết cười .
Một lần cùng “bồ” đi xem chiếu phim ở rạp tháng 8, vừa ngồi xuống ghế một thanh niên cờ đỏ xin phép được nói chuyện với chị, chàng cờ đỏ góp ý chị không nên đi lại với người nước ngoài ! nó sẽ anh hưởng đến lí lịch chị đó !!! Thật tai hại cho cái đầu hói.
                                                KTS ĐỖ NAM  ( 66K )


Đỗ nam phải cảm ơn bọn tôi vì tuy là dân Hải Phòng mà có biết bơi đâu, nhờ hàng ngày ra sông tắm, được hướng dẫn chỉ bảo nên chàng đã bơi được tập tạng. Hồi sơ tán làm gì có nhà tắm, tất cả ra sông hết mãi sau này khi có nhà tập thể mới có chỗ tắm cho nữ. Tắm sông được quy ước hai khu, anh em đoạn trên nguồn, chị em đoạn dưới. Hôm đó nước sông Đuống lên to nên dòng chảy mạnh hơn, Đỗ Nam do mới biết bơi nên bị nước đẩy ra xa bờ nên phải suôi dòng mãi mới cặp bờ được, vì vậy chàng đã vi phạm vào khu tắm của nữ, không biết có nhìn thấy gì không mà chị em la hét om xòm. Về nhà bị tra hỏi Đỗ Nam khai chỉ trông thấy một em sợ quá vội lấy chậu che người thôi, đề tài được anh em bàn tán suốt mấy buổi nhưng chẳng ai dám giả vờ bơi kém cả ! lộ ngay.
Thường cứ chủ nhật lớp lại cử một nhóm nấu cơm thay cho cấp dưỡng nghỉ, hôm đó Đỗ Nam được phân công nấu với Ngọc Diệp “ hoa khôi cuả lớp “, Chàng vốn là tay giỏi chuyện bếp núc thế mà không biết anh chị truyện trò rôm rả đến mức nào mà khi chảo nấu cơm sôi vội cho gạo vào, có 3 giá gạo cho vào có 2 mãi khi nước sắp cạn mới phát hiện ra vội cho vào tiếp ! thế là hôm đó cả lớp được thưởng thức món cơm ngoài nát như cháo trong nhân gạo sống, ăn vào nhớ mãi đến bây giờ .
Thắng bạc gọi điện cho tôi, nói câu chuyện trên là Thắng nấu cơm với Diệp chứ không phải Đỗ Nam! Xin lỗi Đỗ Nam nhé.
KTS TRẦN XUÂN ĐỈNH
( nguyên trưởng khoa kiến trúc trường ĐHKT Hà Nội )
Đỉnh mắc bệnh mất ngủ nên 3 giờ sáng là dạy rồi, không biết làm gì, vốn quê ở Nam Hà nên chàng giỏi việc sông nước, mượn được chủ nhà cái nơm thế là sáng nào chàng cũng lội đồng bắt cua, lúc đó cái đói luôn hành hạ bọn tôi suốt thời sơ tán, nên được bát mì nấu với canh diêu cua buổi sáng còn hơn được ăn đặc sản
Tay chàng ngón cái to bè ra rất giống cục tẩy, anh em hay đùa trong giờ thiết kế: Đỉnh, cho mượn cục tẩy coi !
Hôm Đỉnh lấy vợ, tôi trong nhóm bạn đại diện nhà trai về quê vợ Đỉnh, hôm đó vội vội vàng vàng cả nhóm lên xe đạp còn “ chú rể” cùng đồ xính lễ lên xe hàng  hẹn nhau tập trung ở đầu làng trước khi vào nhà gái. Không biết thế nào, khi kiểm tra lại thiếu ngay con gà trống tơ ! vội bảo nhau tìm mua bù. Thế nào mà không tìm ra con gà trống nào “chú rể” bảo thôi cứ mua gà mái cũng được, may nhà gái dễ tính, nghe kể các cụ cười xòa, xí xoá cho chuyện đó. Mãi 8 giờ mới ăn cỗ xong, rượu Đình Bảng ngon có tiếng, thằng nào cũng lơ mơ, bên nhà gái định giữ lại qua đêm xong cả nhóm vẫn xin phép lên đường trở về. Mới đầu còn đi cùng nhau, sau cứ mạnh ai nấy đạp xe, hôm sau hỏi thăm mới biết có 3 anh phải ngủ lại dọc đường. Hồi đó việc xin ngủ lại nhà dân dễ lắm, mà chuyện con gà trống vẫn chưa hết, hôm 2 vợ chồng Đỉnh sau tuần trăng mật, ra bến xe về trường, lúc xuống xe mới biết con gà để quên ở bến tuần trước họ vẫn giữ cho ! nhận lại con gà mới thấy lòng tử tế hồi đó quý biết chừng nào.
 KTS TĂNG HỒNG GIANG
Cao to, đẹp trai, hát hay và hay hát, chỉ phải tính tình hơi lập dị. Đang học trong thời chiến nên lớp học nào cũng phải làm hầm chữ A ở xung quanh. Chiều đó sau khi làm hầm xong tất cả về nghỉ, lớp học ở xa khu nhà dân. Bỗng nửa đêm dân quân được báo động vì ở khu lớp học có ánh lửa bập bùng ! Biệt kích hay gián điệp? Vòng vây khép lại, tất cả sững sờ, Tăng Hồng Giang đang chùm một cái chăn chiên cho đỡ lạnh, mồm hát giọng ồm ồm, tay đang đất lấm lem đắp phù điêu cho hầm vừa làm chiều nay !!! Thế mới là nghệ sỹ chứ nhỉ.
Tăng yêu một cô ở lớp xây dựng, khu ở cuả khoa xây dựng cách khoa kiến trúc hơn 10 km mà còn phải qua sông nữa. Cứ cách vài ngày chàng lại qua sông thăm  “bồ”. Một tối, không hẹn trước chàng vượt sông sang thăm nàng, một cảnh tượng không ngờ, nàng đang trong vòng tay người khác ! Không nói một lời, im lặng, rồi lặng lẽ ra về. Hai hôm sau chàng sang thăm nàng, coi như không có chuyện gì xảy  ra, thấy người yêu vẫn vô tư nhí nhảnh, chịu không nổi Tăng rút dao ra đâm cho nàng 3 nhát. Tưởng người yêu làm gì khiến mình đau, nhưng khi thấy máu nàng sợ quá hét ầm lên, Tăng bị công an bắt, cả lớp thương Tăng Hồng Giang không thương cô kia vì nàng thuộc loại lẳng lơ. Thật tiếc cho một tài năng sớm lụi tàn.
KTS PHẠM THỊ NGỌC DIỆP
Là “ hoa khôi “ đồng thời cũng là con gái Hà Nội duy nhất cuả lớp, ăn nói nhẹ nhàng, khéo léo khiến không chỉ các anh trong lớp mà ngoài lớp cũng say đắm. Lớp có 3 anh chàng tên Việt thì cả 3 đều bị hớp hồn và ai cũng muốn nàng thuộc về mình. Hôm nay ngồi nhìn lại ngày ấy mà 2 chàng vẫn cay cú không hiểu vì sao văn võ song toàn mà trái tim nàng chỉ dành cho cái anh chàng Việt kia chứ không phải mình nhỉ !
Cuộc đời sau này cuả Diệp gặp qúa nhiều trắc trở, bất hạnh, không ai biết trước được tương lai cuả mình cả, chỉ mong Diệp vẫn giữ được cái nhìn thanh thản trước cuộc sống .
CHUYỆN CỦA CHỊ EM
Khu tập thể nữ suốt mấy hôm họp kín mà vẫn không tìm ra nguyên nhân, số là mấy tuần nay khi phơi quần áo chị em cứ bị mất quần “con” mà chỉ nó thôi chứ không mất quần áo !!! Đủ các giả thiết đưa ra, thật khó phán đoán, vì vậy các cuộc họp không tìm ra thủ phạm. Đang bế tắc bỗng tìm ra lời giải thật tức cười, sáng sớm hôm đó, một chị em dậy sớm, đang giặt quần áo, vô tình nhìn ra đồng chợt thấy ông hàng xóm gần chỗ chị em ở đang diện một cái quần “con” màu đỏ chót của chị em đi đánh dặm, trông rất tự nhiên !!! Vừa tức vừa buồn cười chị em đành bảo nhau phơi phóng kín đáo hơn chứ biết kiện ai bây giờ.
KTS ĐỖ THỊ QÙY
Chị là cán bộ đi học, lại thuộc diện trở về nước khi “ cách mạng văn hoá “ Trung Quốc nổ ra. Tuy lớn tuổi Đã có chồng và 3 con nhưng chị vẫn xa nhà đi học cùng chúng tôi, thật đáng khâm phục. Chị có một trí nhớ tuyệt vời thể hiện trong khi học. Trong một lần thi vấn đáp môn toán, thầy Hãn hỏi chị : Phần này chị đánh dấu dương âm sai rồi, Đắn đo một chút chị khẳng định không sai ! Ngạc nhiên thầy bảo làm sao chị biết ? chị thưa bài thầy giảng em ghi đúng như vậy, (hồi đó chúng tôi không có sách giáo khoa mà phaỉ tự ghi chép bài để học) thầy đề nghị mang lên để đối chiếu. Sau khi xem vở ghi chép của chị thầy nói: tôi thật khâm phục trí nhớ cuả chị, chị nhớ không sai một dấu chấm, dấu phẩy, nhưng rất tiếc là chị ghi sai nên dẫn đến hậu quả bài bị sai, thôi thông cảm chị về sửa lại chỗ ghi sai và học lại lần sau tôi tin rằng với trí nhớ của chị, bài sẽ tốt hơn nhiều !!!
KTS NGUYỄN VĂN VIỆT
Có 3 Việt thì tôi chơi thân với Đình Việt và Văn việt, Văn Việt tính vui vẻ, lởi xởi suốt ngày miệng hoạt động không ngừng. Giỏi văn nghệ, thể thao nên tham gia hầu hết các hoạt động văn thể cuả lớp, sau này Việt có cô con gái út cũng mê văn nghệ như bố mà sao bố Việt lại ghét cay ghét đắng không cho con được tham gia !!! Chàng có tài học được cái hay cuả bạn bè rất nhanh, đi sang lớp khác về thấy chàng ta vội vội cầm bút vẽ cây thông trông rất lạ, hỏi chàng bảo:  tao vừa “cóp” được của Việt Châu khoá 63 đấy ! Hay trong giờ hội họa thấy ai có bút pháp mới lập tức chàng cũng có ngay, trong lúc chơi thể thao môn bóng rổ, nhìn ai có động tác vào rổ đẹp lập tức chàng cũng bắt được cái dáng đó, đó là đức tính đáng qúy của nghề này, “ hãy học tập đội bạn “ rồi mới có cái của riêng ta chứ. Nhà chàng là một “kho “ cái đẹp cuả kiến trúc, bạn bè đến chơi, mỗi lần lại đề nghị “ vặt “ bớt đi một vài cái, chàng “hề hề” đồng ý, tính dễ chịu như vậy nên ai cũng là bạn của Việt, ai giận Việt chứ Việt chẳng giận ai cả, sướng không!
KTS VŨ QÚI HÁCH
Trong số bạn bè thì Hách là bạn từ hồi phổ thông, nhà lại gần nhau, rồi cùng nhau lên đại học, cùng vào khoa kiến trúc, nên rất biết về nhau. Chàng cư xử với bạn rất nhiệt tình, sẵn sàng giúp bạn khi bạn gặp khó. Còn nhớ một lần trên khu sơ tán, không biết ăn phải gì mà tôi bị tiêu chảy, Hách sang chơi, nghe vậy chàng chạy ngay về nhà trọ lấy sang lọ thuốc nói hay lắm uống vào khỏi ngay, cầm viên thuốc trên tay, tôi thấy sao giống hạt chống ẩm thế nhỉ ! hỏi, Hách bảo thuốc mang từ nhà lên, tôi thử cho lên đầu lưỡi nó dính ngay vào đầu lưỡi ! thôi đúng là hạt chống ẩm rồi. Hách ngạc nhiên và nói đã mấy lần bị đau bụng rồi, dùng nó khỏi ngay! Cả hai thằng đều buồn cười vì sự nhầm lẫn đó, nhưng tôi cũng chẳng dám thử lại xem nó có công hiệu không.
Đẹp trai, tán giỏi lại con cán bộ cao cấp cuả bộ xây dựng Hách được nhiều em mê lắm, đúng là “số đào hoa”. Chàng có nhiều “bồ” thật, và yêu hết lòng, không có chuyện một lúc hai “bồ” đâu, do cái số nó vậy, chứ tôi biết Hách là chàng rất quân tử.
Khi ra trường, luôn sống tự lập, không nhờ vả vào thế lực gia đình, tự xây dựng sự nghiệp cho mình, và thành công. Đó là Vũ Qúi Hách bạn tôi.
KTS ĐỖ GIA THỤY
Chàng thuộc loại qúy hiếm, bởi trong suốt thời gian học, không hề nổi trội, không tham gia các hoạt động sôi nổi ở lớp, cư sử không để mất lòng ai, chính vì vậy để có những mẩu truyện vui về Thụy tôi không có, cũng có thể tôi không thuộc nhóm tâm giao cuả Chàng thì đúng hơn. Sở dĩ tôi nói chàng thuộc kim loại qúy hiếm vì chỉ sau khi ra trường tài năng mới thể hiện và ngày càng rõ nét con người chàng, như việc khổ công đãi cát mới thấy vàng dòng.
1992 Vào TP HCM tôi mới gặp lại Thụy và trở thành bạn tâm đầu ý hợp. Thụy cũng thích và mê sân vườn như tôi. Có người có đất, có vườn nhưng để có vườn đẹp đâu phải dễ, nhất lại là tự tay mình thiết kế và thi công, Khi đến thăm nơi cư ngụ của chàng có tên “ Đỗ gia trang “ tôi thực sự ngưỡng mộ tài năng của bạn tôi. Với 6000m2 chàng đã vẽ nên một tác phẩm thiên nhiên rất đáng trân trọng.
Cũng có chuyện vui về chàng, vốn qúy bố mẹ sinh thành. Sau khi làm trang trại xong, chàng vội đón bố mẹ từ thành phố về để bố mẹ được hưởng không khí trong lành. Được vài tuần, mấy cô em gái về thăm bố mẹ, tin chắc bố mẹ sẽ sung sướng lắm. có biết bố mẹ chàng nói gì không : trời buồn qúa, suốt cả tuần cứ hai cái thân già đi lang thang trong vườn, tịnh không thấy bóng người ! Chúng nó bận trăm công nghìn việc, đi suốt ngày nên cũng không trách được, hay cho bố mẹ về lại phố, tuy ồn nhưng nhìn thấy người đi qua đi lại vui hơn !!! Đúng là tuổi già có nhiều cách nhìn và suy nghĩ phải không nhỉ ?
 
KTS LÊ QUANG TIẾN
Có lẽ Tiến là người nhỏ tuổi nhất lớp, tính tình cũng trẻ con nhất, được chi đoàn phân công cho việc gọi mọi người ra sân hợp tác tập thể dục lúc 5g30 sáng hàng ngày. Vậy cứ giờ đó là nghe thấy tiếng còi và tiếng dục dã của Chàng “chim chích choè” rồi. khổ là mùa Hè thì không sao, nhưng mùa Đông thì là cả vấn đề, nhất là tối hôm nào phải làm bài khuya. Sáng hôm đó Tiến vừa nổi còi vừa thúc dục mọi người, khi qua nhà anh Thao, anh Nhuận chưa kịp lên tiếng thì bác Thao đã xuất hiện, 
nói vừa đủ nghe: mày xem mày tập 10 năm liệu có bằng tao bây giờ không!! Vừa nói vừa túm cánh tay khẳng khiu của Tiến. Nhìn cánh tay lực lưỡng của ông anh, Tiến mặt nghệt ra không biết trả lời sao. Từ đó không còn nghe thấy tiếng còi gần nhà bác Thao nữa mà chỉ nghe xa xa: mời bà con ra tập thể dục.



KTS NGUYỄN ĐỨC TUỆ
Một KTS trẻ tài ba, khoá 71K, người Hải Phòng. Tham gia nhóm “bàn tay vàng”, gồm các thầy: Yên, Tuệ, Tâm, Trinh, Hân. Tính tình điềm đạm, dễ mến, khả năng tư duy sáng tác rất tốt. Vì tôi Là trưởng nhóm nhưng “có tuổi” nên luôn được anh em ưu ái, những lúc cả nhóm phải làm việc thâu đêm, riêng tôi được ưu tiên nghỉ sớm, lúc đó “phó tướng” Tuệ thay tôi quán xuyến công việc, tôi thực sự yên tâm. Nhớ nhất, hồi cả nhóm đang thiết kế nội ngoại thất Bảo tàng không quân. Chiều phải trình bày phương án với tư lệnh không quân Đào Đình Luyện rồi, mà công việc còn nhiều, tôi lại phải đi họp. Tuệ cười cười : Anh cứ yên tâm đi họp, mọi việc anh em sẽ lo, bảo đảm cho cuộc trình bày chiều nay,“trăng đến rằm trăng tròn” mà. Và đúng là trăng tròn thật, toàn bộ phương án được Tư lệnh chấp nhận.
Rồi Tuệ dời nhóm “bàn tay vàng” về Hải phòng làm việc, không ở trường nữa rất đột ngột. Sau lần “tướng bà” lên thăm và quyết định việc chia tay với trường, với nhóm, để lại sự luyến tiếc, yêu mến của anh em đối với Tuệ.
Giờ đây Tuệ đã là “sếp” của một văn phòng thiết kế có uy tín ở Hải phòng, nhà cửa đàng hoàng, đẹp đẽ, đúng là một kiến trúc sư tài ba. 


KTS TRƯƠNG HỮU HÂN  ( 70K )
Trong nhóm “bàn tay vàng” thì Hân có bàn tay “vàng 10” cực kì khéo léo. Chàng có thể đảm đang những công việc tinh sảo, và hoàn thành một cách suất sắc. Có lần nhóm nhận hợp đồng với hội KTS, thực hiện mô hình gác chuông chùa Keo  (Thái Bình) bằng gỗ với tỷ lệ 1/50. Lúc đó những thanh lan can, con tiện chỉ lớn hơn cây tăm chút xíu, thế mà chàng vẫn thực hiện đến tận chi tiết một cách xuất sắc thế mới tài chứ ! Hân rất tiết kiệm lời nói, Câu nói cửa miệng cuả chàng khi nhận công việc: “Không sao! nhưng cứ để từ từ” và chắc chắn sẽ hoàn thành việc đó một cách tốt đẹp. Mỗi lần nhận hợp đồng, mà có đủ 5 anh em trong nhóm cùng tham gia là tôi tuyệt đối yên tâm, bởi vì mỗi chàng có một tài năng mà. Đúng là “5 anh em trên một chiếc xe tăng”.
Giờ đây, ngoài công việc giảng dạy, Hân có một công ty thiết kế riêng và rất mạnh về làm mô hình, đúng với tài năng của chàng, đặc biệt, cậu con trai Hân cũng là một KTS trẻ có “bàn tay vàng” như bố.
KTS Trương Hữu Hạnh đến thăm bác Yên
HỌA SỸ NGUYỄN MINH TÂM
Tâm là họa sỹ, trẻ nhất trong nhóm “bàn tay vàng”, nhưng lại có chuyên môn tốt nhất bên  Bộ môn mĩ thuật. Tâm tham gia với nhóm đã làm cho nhóm trở nên toàn diện, có thể đảm đương mọi công việc trong thiết kế. Chúng tôi thường đùa là những khâu “xương” nhất thì anh em KTS phải đảm nhiệm, đến chỗ ngon như “giò lụa” thì Tâm mới bắt tay vào làm, vì chàng lo mảng tranh, tượng mà. Còn nhớ lần làm Bảo tàng Không quân. Một tượng đài kỉ niệm lớn được đặt trang trọng bên cạnh những máy bay MIG17, MIG21 lập công trong chiến đấu, trước bảo tàng. Tâm gánh vác từ khâu phác thảo, trình duyệt, đến thi công, một khối lượng không hề nhỏ mà suốt ngày vẫn vui cười, “nhí nhảnh” trẻ trung khó ai nghĩ chàng là chủ trì tượng đài cao 8m dài 12m.
Rồi những ngày vẽ tranh kính trong gian triển lãm quân đội. Tranh cao 4m dài 24m. Khi duyệt phác thảo, nguyên tắc là duyệt ý trên bản vẽ nhỏ, tiến hành phóng lớn theo tỉ lệ 1/1 duyệt lần 2, rồi mới được thi công. Tâm đề nghị, bỏ qua phần phóng lớn, mà chỉ duyệt phác thảo nhỏ, rồi tiến hành phóng lớn ngay trên tranh kính, và chàng xin bảo đảm thỏa mãn mọi yêu cầu bên A!!! Bức tranh lớn như vậy, mà chỉ thông qua bản vẽ bằng mấy bàn tay, nhóm chuyên môn của bên A không chấp nhận. Đại tá Mai Khang, người phụ trách bên A, đã cộng tác nhiều lần với tôi, hỏi ý kiến. Tôi đề nghị nên tin tưởng và chấp nhận, và chúng tôi sẵn sàng sửa ngay trên tranh kính thật. Thế là phá vỡ thông lệ, Tâm trèo lên dàn giáo, cả nhóm dưới sự chỉ đạo của Tâm tiến hành vẽ ngay trên kính. 
Sáng hôm sau, đại tá Mai Khang cùng anh em bên A Ngạc nhiên khi thấy nhân vật chính: anh bộ đội đã nghiêm chỉnh trên tranh với khuôn mặt gần 4m2, với nét vẽ rất sinh động. Đại tá rất hài lòng, chỉ góp ý giá anh bộ đội hơi mỉm cười thì rất đẹp vì đây là hình ảnh bộ đội làm kinh tế mà. Tâm đồng ý sẽ thay đổi nét mặt. Chiều hôm đó, muốn ra xem lại tranh, đại tá rật mình vì toàn bộ khuôn mặt đã được xoá sạch, tưởng chỉ chữa lại cái miệng thôi ! Tâm cười rất tươi: Đại tá đừng lo, sẽ có ngay một anh bộ đội đúng như đại tá mong muốn. Và sáng hôm sau, khi bước vào gian triển lãm, đại tá đã trông thấy anh bộ đội với nét đẹp khác đang tươi cười nhìn Ông. Không nén được vui mừng ông nói với tôi: cậu có được những anh em thật giỏi ! Từ đó bên A hoàn toàn giao phó cho bên chúng tôi với sự yên tâm tuyệt đối. Tâm giỏi thật.

KTS ĐỖ QUANG TRINH
Trong nhóm “bàn tay vàng” Trinh là người lớn tuổi thứ hai, tính điềm đạm, trầm lặng ít biểu lộ tình cảm ra ngoài. Nhưng có lần, nghe chàng với giọng nói nhỏ nhẹ đang bình luận trận bóng đá quốc tế tối trước thì thấy Trinh có nội tâm rất phong phú.Trinh được anh em nể trọng, về tính cẩn thận và chính xác, mọi việc được giao, nhất là hồ sơ thiết kế hầu như không cần phải kiểm tra lại vì chàng đã lo hoàn tất, và cũng chính chàng là người xem lại toàn bộ hồ sơ trước khi mang ra trình bày.
Nhớ lại lần trình bày phần ngoại thất bảo tàng không quân, Trinh cùng anh em làm mô hình bằng thạch cao từng chiếc máy bay, từ MIC17 đến F5 với độ chính xác rất cao vì người duyệt toàn là những “anh hùng” lái máy bay mà. Sau khi hoàn tất mô hình với tỷ lệ 1/100, anh em quyết định sẽ không trình bày trực tiếp bằng mô hình, mà chụp ảnh toàn bộ mô hình với các góc độ tiêu biểu nhất. Hôm trình bày hồ sơ bằng ảnh, bên A ngạc nhiên vì ảnh chụp mô hình đẹp và giống như công trình đã hoàn thành, với độ chính xác rất cao. Công lao cũng nhờ hai cộng tác viên là Thước và Phát bên trường điện ảnh sang chụp giúp. Phương án được bên A thông qua ngay vì rất dễ xem xét trên mô hình chứ không “khó” như xem bản vẽ thiết kế.
Trinh - Tuệ - Yên - Hân sau gần 20 năm, Tâm đã mất ( 1990 )
SAU 30 NĂM
Gặp nhau tại phòng khách nhà Hội: Khôi - Yên - Vinh - Trí - Hộ
Đúng là sau 32 năm tôi mới gặp lại những người bạn thời phổ thông cấp I và II Quang Trung thật là vui vì ai cũng đều lên chức ông bà rồi. Tuy thời gian xa vậy nhưng vẫn nhận ra bạn bè cũ với bao kỉ niệm lại trở về. mọi người hỏi tôi làm lớp trưởng đến bao giờ, và cười vì tôi làm đến hết phổ thông cấp III cơ mà. 
Châu - Thu - Yên - Mai - Hồng - Vinh, tại nhà Vinh
Nhắc lại chuyện cũ, Mai bảo sướng đến tận bây giờ là: có một lần duy nhất Mai xếp thứ nhất, trên tôi, thầy Ân còn làm thơ chế tôi để con gái trèo lên đầu ! Tôi thì nhớ lại, hồi đó hay chơi bóng chuyền 6, không biết Tô Thu hay Lê Hồng trong lúc tranh bóng đã túm vào áo tôi làm áo xoạc rách sau lưng, về nhà bị mẹ la sao đi học nghịch gì mà trông thảm vậy. Còn Lê Vinh chàng ngày xưa luôn hay cáu gắt và doạ người bằng nắm đấm thì giờ đây hiền khô và đã có 3 cháu nội rồi. 
Hồng Châu vẫn bé nhỏ và nói suốt ngày, mọi chuyện đều có thể kể ra không quên chi tiết nào giỏi thật. 
Đức Trí không thay đổi nhiều nên dễ nhận ra, hồi đi học, Trí luôn làm thủ môn cho đội bóng của lớp. Còn Tô Thu là người “bị” chị em lớp gán ghép với tôi, lúc đó còn bé nên ngượng lắm, càng bị trêu thì càng “cố” tỏ ra là không phải thế đâu, chứ không ai dám vơ vào cả. Lê Hồng không học cùng lớp, là chị của Lê Vinh, vẫn thường xuyên chơi bóng nên chúng tôi thân nhau. Tôi hay đến nhà Vinh nên thân cả với mấy chị em nhà Vinh. Quê ngoại Vinh cũng ở Chèm Vẽ, cùng quê với nhà tôi, mẹ tôi còn kể về đám cưới đời sống mới của bố mẹ Vinh cho tôi nghe.
À còn Khôi, không học cùng lớp, lại còn là cháu họ xa với tôi nữa, vẫn vui tươi, yêu đời nếu không hỏi thì không thể biết rằng căn bệnh hiểm nghèo vẫn đang theo đuổi chàng, vẫn phải đi chữa định kì, thật đáng khâm phục. 
Hội cũng là bạn cùng trường, không cùng lớp, nhắc lại hồi cưới vợ, tôi còn đi trang trí đám cưới cho Hội, không hiểu chàng ăn gì mà giờ đây nặng ngót nghét 105 kg !

Lê Vinh với 3 Cháu nội, trông hoành tráng chứ nhỉ

Ngồi lại với nhau, ôn về những ngày tháng đã qua sao mà qúi vậy. Chúng tôi hẹn nhau, cứ có dịp là lại họp mặt nhau để còn tranh thủ trò truyện chứ.
CÁC KTS NGÀY ĐẦU LÀM KINH TẾ
KTS Vũ Đại Hải
1973 Thời gian này còn đang trong thời kì bao cấp, mọi công việc làm thêm là có quyền nuôi heo, nuôi gà, hoặc bất cứ việc gì nhưng không được dính vào chuyên môn. Nhóm giáo viên chúng tôi gồm T Ngô Bách, T Đại Hải, T Trịnh Hồng Đoàn và T Gia Yên, Trong một lúc nhàn rỗi bàn nhau xem có thể làm gì, để có thêm thu nhập chuyện quả không dễ. Chăn nuôi thì tất cả chịu thua, các việc khác như làm mộc, làm gốm thì không thích hợp, chỉ có thể làm đồ chơi trẻ em nhân dịp tết trung thu là có thể khả dĩ. Đồ chơi gì bây giờ? Mỗi người trong nhóm đưa ra hàng lô ý tưởng rồi lại rơi vào bế tắc, có cái hay thì lại quá phức tạp, cái đơn giản thì khó cạnh tranh với thị trường, cuối cùng cả nhóm tán thành ý kiến của tôi là làm đèn kéo quân đơn giản, dễ làm, giá thành lại rẻ có khả năng cạnh tranh với bên ngoài vì không đụng hàng. 
KTS Trịnh Hồng Đoàn
Đèn kéo quân thì không có gì lạ, nhưng giá thành luôn cao vì bộ đèn phức tạp, cầu kì, kén người chơi. Còn đèn cuả chúng tôi đơn giản, dễ sử dụng, giá thành rẻ. Hồi đó thành phố luôn bị mất điện nên nhà nào cũng có vài cái đèn dầu hoả trong nhà, chúng tôi lợi dụng điều đó nên chỉ làm bộ chụp đèn kéo quân, người sử dụng chỉ cần mua về, rút thông phong bóng đèn dầu ra, cài bộ chụp đèn kéo quân vào, châm đèn là lập tức đèn kéo quân hoạt động ngay. Sau khi cả nhóm đi khảo sát thị trường đồ chơi trung thu ở phố Hàng Mã, tất cả tán thành bắt tay vào làm ngay vì chỉ còn 10 ngày đã là tết trung thu rồi.
KTS Phạm gia Yên
Đại bản doanh đặt tại nhà Ngô Bách, trên gác xép. Vui lắm, ngoài giờ lên lớp dạy học, thời gian còn lại là tập trung cho làm đèn, mỗi người một công đoạn làm sao trong 5 ngày có thể đưa ít nhất 100 sản phẩm ra thị trường, chị vợ T Bách sẵn sàng mang ra chợ bày bán. Dự kiến của chúng tôi là sản xuất 300 đèn, giá đèn là 2đ/cái, trừ tiền vật liệu, mỗi người có thể mang về gần 80 đồng tức là hơn 1 tháng lương rồi. ( lương kĩ sư hồi đó là 64 đồng / tháng )
Ngày đầu tiên mang hàng ra chợ, tin vui mang về là rất nhiều người đứng xem sản phẩm, họ có vẻ thích thú và đã bán được 20 đèn. Thế là nhóm càng cố gắng tăng tốc độ cho kịp. Sau ngày 14 chúng tôi bán được 200 đèn và cũng kiệt sức rồi nên không sản xuất thêm nữa.
Đêm trung thu năm đó cả nhóm đón tết ngay tại nhà T Bách, Ngồi xem lại kết quả thì toàn bộ tiền thu được, vừa đủ trả tiền vật liệu, và dư cho bữa ăn đêm rằm! không lỗ. Một người chuyên bán đèn có nói: các anh thế là giỏi lắm, lần đầu tiên tham gia thị trường mà không mất vốn, chứ chúng tôi phải chấp nhận lỗ ít nhất dăm lần để mong tồn tại rồi mới bắt đầu nghĩ đến chuyện có lãi.
Đó là kỉ niệm đầu tiên khi bắt đầu làm thêm, ngoài giờ lên lớp giảng dạy cuả nhóm giáo viên chúng tôi.
 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét