CHUYỆN ĐỜI THƯỜNG VỀ BỐ MẸ TÔI.





HAI GIAI ĐOẠN

Bố thường nói cuộc đời bố có hai giai đoạn, giai đoạn nhỏ mồ côi cha mẹ cho đến 26 tuổi là giai đoạn khổ đau chắc không con nào hình dung nổi, sau đến giai đoạn lấy vợ, đi học thành tài là giai đoạn sung sướng mà không biết có con nào sau này được như vậy không. Giai đoạn khổ đau bố đã kể trong tiểu sử rồi, còn giai đoạn sung sướng thì quả nhiên sau này khó con nào bì kịp với bố .

SĂN BẮN
      Quê tôi ở Đông Ngạc, phong cảnh thật hữu tình, một bên là dòng sông Hồng uốn khúc, một bên ruộng đồng thẳng cánh cò bay. Bố kể hồi đó chim chóc về nhiều lắm, bố lại rất mê săn bắn nên cứ chiều chiều khi nắng sắp tắt cũng là lúc bố rời tay vẽ để cầm khẩu súng săn ra đồng bắn chim. Bên cạnh bố luôn có người nhà ( nhà lúc đó có xưởng sơn mài ) đi theo để phụ giúp, có lần thấy đàn cuốc đi ăn ở phía bụi lau xa xa thế là chú thợ cõng ngay bố lội ruộng để bố ngồi trên không bị ướt, đúng là bố sướng thật .
      Có lần trong lúc đi tìm chim, nghe tiếng cu gáy gù gù,  thấy trên ngọn tre có bóng chim thế là bố vội nổ súng, con chim trúng đạn rơi thẳng xuống đất thật ngoạn mục. Nhưng nhìn ra hóa bố bắn phải chim bồ câu của nhà người ta ! thế là phải sai người đi đền .
      Một bữa đi mãi chẳng gặp con gì, bỗng thấy có người bẫy chim dẽ đi qua, bố liền mua mang về coi như bắn được. Mấy hôm sau họ lại đi qua nhà và mời mẹ mua chim, mẹ bảo nhà tôi có mua loại chim này bao giờ đâu, họ liền kể chuyện ông nhà vừa mua mấy bữa trước ! thế là cả nhà mới hiểu và được một phen cười nghiêng ngả .
      Để săn thú lớn, bố thường theo với mấy bạn săn lên rừng Phú Thọ, có đêm ra đi, khi qua ngôi miếu hoang, bố vào khấn xin cho bắn được một con thú, thế rồi tối đó bố bắn được một con chồn, sau đi mãi chẳng gặp con gì nữa. Sau này mẹ lo cho bố,nên không cho bố đi rừng săn thú lớn nữa. Mà cũng may bố bảo cái thú đi săn nó sinh nghiền, không đi không được có khi chểnh mảng hết công việc nên bố chỉ dừng ở đó thôi. Cái thú đi săn của bố cũng ngấm vào tôi sau này .

CHƠI THÚ CƯNG

      Mẹ kể, trong nhà hồi đó bố nuôi nhiều chó lắm, đủ loại từ bẹc-giê đến chó cảnh  chó miền ngược … lúc nào trong nhà cũng có hơn 10 chú. Có con bố thích vì hình dáng đẹp có con vì tính tình, con thì theo bố đi săn bắt …Nhà lại luôn có khách về mua hàng sơn mài nên mỗi khi có khách là ra sức đi lùa chó vào kho .    
 Bố cũng rất mê chơi chim, trong vườn bố làm mấy cái chuồng chim lớn để thả những con chim như gà lôi, trĩ , cò … khách đến nhà, nhất là tây từ Hà Nội về xem hàng sơn mài đều mê ngôi nhà cuả bố, mà không hiểu sao sau này tôi cũng lại có những thú chơi và mê sân vườn như bố, đúng là anh em chúng tôi được hưởng cái gien di truyền đó .


     LÂM BỆNH   

      1949 Cả nhà rời quê Đông Ngạc lên Hà Nội, công việc làm ăn của bố đang phát đạt. Có lẽ do thay đổi nơi ở Bố bị ốm thương hàn, sau tuần ốm bố thèm ăn cơm lắm, lúc đó trong nhà không ai biết bệnh sốt thương hàn thì ruột của người bệnh bị vi trùng ăn, làm thành ruột mỏng tang. Vừa ăn vào, bị cơn đau quặn phải đưa bố vào ngay nhà thương  Phủ Doãn (nay là Việt Đức). Bệnh viện chuẩn đoán bố bị thủng ruột và rất khó qua khỏi, họ bố trí cho nằm gần nhà xác để tiện sau này ! Lúc đó mẹ đang mang bầu em Hiền, thương bố quá mẹ khóc lóc, vật vã bên cạnh giường bệnh. Trong lúc đó có bác sỹ Phạm Biểu Tâm đang đi thăm bệnh, thấy tình cảnh như vậy bác sỹ đến thăm bệnh cho bố, và nói với mẹ:  Anh nhà bệnh nặng lắm, mười phần chết chín rồi, thôi còn một phần tôi sẽ cố gắng mổ cho anh, chủ yếu là do cái phúc của anh là chính. Mẹ khóc xin bác sỹ cứu giúp, còn nước còn tát mong sao cho bố vượt qua cơn bệnh hiểm nghèo này. Bác sỹ có nói thêm, hiện nay mới có thuốc kháng sinh PENICILIN tốt lắm nhưng cũng rất đắt nếu gia đình lo được thì tốt, mẹ xin bác sỹ cần mua bất cứ loại thuốc gì, gia đình xin lo hết miễn sao cho bố khỏi bệnh. Đúng là phúc của bố còn lớn lắm, gặp được thầy giỏi lại có thuốc tốt cộng với sự hết lòng của cả gia đình, bố đã vượt qua được cơn bệnh hiểm nghèo. Sau khi mổ, bố yếu hẳn  người chỉ còn có hơn 40 kg. Bác sỹ Tâm nói với mẹ, việc của tôi đã xong bây giờ anh có bình phục nhanh hay chậm là do chị, hãy cho anh ăn thật tốt để anh chóng phục hồi. Hàng ngày, ngoài những chất bổ khác mẹ còn đặt riêng một bộ đồ ép nước thịt, cứ sáng sớm mỗi ngày là có người đưa thịt bò tươi từ lò mổ về để ép lấy nước cho bố uống, nhờ có mẹ chăm sóc, sức khoẻ của bố thay đổi từng ngày, chả thế mà từ 40 kg bố đã lên 60 kg, bố bảo là trong người bố như có sự chuyển mình ghê gớm. Cả nhà thấy bố khỏe mừng vô hạn .

BẾP HỒNG KÔNG
      Bố là người rất sành ăn, phải nói là bố rất biết và rất hiểu một món ăn cần phải có những gia vị gì kèm theo. Bố thường hay đùa bố không nấu thì thôi chứ nấu thì ngang với bếp Hồng Kông. Một lần chắc đợi ăn lâu nên bố tự tay làm món trứng tráng cho nhanh, không biết loay hoay thế nào mà khi đập trứng 4 quả thì 2 quả bị rớt ra ngoài ! thế là cả nhà cười ầm lên, đúng là bếp Hồng Kông .
      Có một lần bố muốn ăn đậu phụ luộc, bố làm món chấm đậu là nước mắm chanh, lúc đĩa đậu mang lên bố chưa ăn mà còn đợi vài lá rau kinh giới, khi biết là mẹ quên không mua thế là bố dỗi và dứt khoát không ăn đậu nữa. Đúng là người sành điệu .

THƯƠNG CON 
  Bố hiền lành và rất thương các con, cả bố và mẹ chưa đánh con bao giờ, cho nên sau này   các con cũng học theo bố không dùng biện pháp đánh đòn để dạy con. Bố hay nói câu :
                                         Thương con thì để trong lòng
                                         Ngoài ra thì cứ phép công ta làm 

                                                CHƠI CÂY CẢNH




      Người chơi cây cảnh Hà nội những năm 1960 – 1970 đều biết tiếng cụ họa  sỹ Phạm Hậu là người chơi cây và có một vườn cảnh rất đẹp. Khi còn ở Đông Ngạc, vườn cây cuả bố mỗi khi Tây về mua tranh đều hết sức thán phục. Đến khi ra Hà Nội, tuy ở nhà phố nhưng bố vẫn dành ra một khoảng sân để chơi cây Nhớ nhất là hai vườn cây ở nhà Trần Quốc Toản và nhà Bà Triệu, nó xinh sắn và đẹp vô cùng, xứng đáng là những vườn cây tiêu biểu cho những ngôi nhà trong 36 phố phường Hà Nội .
Cái thú cuả bố là sáng sớm ra ngắm vườn , chăm sóc cây, xén tỉa, tưới cây, bố coi như một thú vui bắt đầu cuả một ngày mới. Có một lần tôi ngỏ ý định cũng chơi cây như bố, bố cười và bảo con chưa chơi được, thắc mắc bố giải thích: con chưa có sự kiên trì vì còn trẻ quá, để uốn hay tỉa một cành cây phải ngắm nghía đắn đo thật kĩ lưỡng vì khi đã cắt tỉa rồi thì hối lại không kịp nữa. Sau này mỗi khi xén tiả cây lại nhớ lời bố dặn .
Có một lần bố mang về một cây du rất đẹp, mẹ hỏi bố mua bao nhiêu? bố cười bảo vài trăm cho mẹ khỏi phàn nàn. Bố bắt tay vào sửa sang cho tác phẩm mới Vài ngày sau bố đã cắt ngay một cành lớn làm thay đổi hẳn thế cây, hỏi bố thì ra bố đã ngắm kĩ nó trước khi mua lâu lắm rồi. Vài tuần sau có khách đến chơi, chính là người đã để cho bố cây du đó. Trong loại cây bonsai thì du được đánh giá là loại cao sang nhất. Nhìn lại cây du cuả mình, không nhận ra nổi vì nó đã được xén tỉa và thay đôỉ dáng thế đẹp hơn hẳn khi còn ở trong tay mình. Sau vài tuần trà, ông ta đề nghị bố cho xin lại cây du đó và gửi bố 5 cây vàng ! Bố cười và không đồng ý. Tiếc lắm và họ bảo chơi nó từng ý năm, đẹp lắm rồi mà vẫn không nhận ra vẻ cao sang cuả nó bây giờ, chỉ có cụ Phạm Hậu mới nhìn thấy ! Họ nói cũng phải vì bố là một nhà nghệ thuật mà. ( còn một chuyện bí mật cuả bố bị lộ, bố mua cây du đó 2 cây vàng, bây giờ họ xin mua lại 5 cây vàng ! chứ không phaỉ vài trăm như bố nói với mẹ )



                            NUÔI CHÓ

Tôi còn nhớ 1953 trước khi giải phóng tình hình phố phường loạn lạc lắm, đêm đêm lại có nhà bị cướp, bố mẹ cũng lo, bố liền mua 1 con chó becgie để giữ nhà. Bố là người rất yêu súc vật, xưa nhà đã từng nuôi 10 con chó một lúc. con chó becgie bố mua thật đẹp, hai tai đứng thẳng tắp, bốn chân không huyền đề, lưỡi không đốm, đuôi thả võng rồi cong nhẹ, tất cả những điểm đó chứng tỏ nó không bị lai tạp, thuần chủng loài chó Đức, nó khoảng hơn một năm tuổi. Chúng tôi đặt tên cho nó là kiki mà cuộc chuyển giao cho chủ mới cũng rất thú vị Người chủ cũ tay cầm dây giữ chó trao cho bố và bảo từ nay mày về chủ mới nhé, chủ mới sẽ cho mày ăn uống no đủ hãy trung thành với chủ. Không hiểu nó có nghe được không mà nó rất hiểu, im lặng đi theo bố, bố buộc nó ở gần chuồng chó, rồi người chủ cũ ra về nó không hề phản kháng ! Bố cho chó ăn, nó ăn rất chậm rãi như thăm dò chủ mới. Đến chiều bố thả nó ra để nó đi wc, nó đi khắp nhà ngửi hít các đồ đạc chạy vào các phòng ngó nghiêng rồi cuối cùng chạy ra vườn tìm chỗ đi ị ! mẹ cười bảo thế là con chó khôn không ị bậy. Suốt 1 tuần sống trong nhà tôi kiki không hề sủa 1 tiếng ! mẹ bảo hay con chó này câm ! mãi đến chiều hôm đó, có vị khách đứng cổng bấm chuông, kiki liền đáp lại bằng tiếng suả dõng dạc và chạy ra. Hóa ra suốt tuần kiki tìm hiểu ngôi nhà cuả chủ và những người trong nhà để phân biệt với người lạ và bây giờ nó mới lên tiếng .
Kiki có rất nhiều ưu điểm, không bao giờ iả đái bậy, cứ mỗi buổi sáng nó đợi mở cổng để chạy ra đường đi ị ( hồi đó không cấm chó ị bậy ) có lần trời rét bố sợ nó bị lạnh nên cho kiki ở trong nhà, gần sáng tự nhiên thấy cu cậu cứ lồng lên chạy khắp trong nhà rên rỉ, đến khi mới mở cửa sổ, cu cậu đã nhảy vọt ra ngoài và đòi ra cổng để đi ị ! khôn không .
Có một lần tôi đang ngồi chơi với kiki thì nghe có tiếng mở cổng, vị khách không biết nhà có chó, kiki gầm lên và lao ra, sợ quá tôi ôm chặt cổ nó thế là nó lôi tôi ra tận cửa, nhờ thế mà vị khách kịp chạy ra ngoài nếu không thì chắc có tai nạn rồi. Từ đó bố phaỉ đóng biển : nhà có chó dữ .
NUÔI GÀ CẢNH



Bố ngoài thú chơi cây cảnh ra còn rất thích nuôi chó nuôi gà. Bố có một cặp gà Bến tre thật đẹp, lúc đó ở miền Bắc làm sao có được gà Bến tre ở miền Nam. Đôi gà đẹp lắm và bé xíu, người chơi bảo càng bé càng quý.  Chú gà trống trông thật hùng dũng, màu sắc sặc sỡ và chú có thể đậu trên cành cả ngày mà không đòi xuống. Đặc biệt là khi bố bắt thả gà xuống đất, dùng chân dứ dứ giả vờ đá, thế là chú gà xù lông xù cánh ra đá với cái chân của mình trông thật đẹp mắt, ai trông thấy đều mê. Bố làm hẳn một cái vòng treo ngay ở phòng khách làm nơi cho gà đậu, mà chú còn có thêm tài nữa là nếu dùng tay giả vờ làm mỏ gà vươn gáy trước mặt chú thế là chú lập tức vươn cổ cất tiếng gáy ngay. Cứ có khách đến Thấy chú gà trống nhỏ xiú lại thấy tài nghệ cuả chú lập tức khách bị mê hoặc ngay. Thật buồn cho chị gà mái chẳng có tài cán gì nên chẳng ai để ý chỉ quanh quẩn ngoài sân, đợi khi nào chồng được chủ thả xuống dạo chơi mới được gần gần chồng để cục cục mà thôi .
Có một tryện buồn xảy ra cho cặp gà, cháu Tuấn Anh ( lúc 8 tuổi ) con chị Nga đến chơi thấy gà lại biết đá với chân người, thích quá, trong lúc không ai để ý liền đá nhau với gà. Thấy con gà xù lông ra đá thế là cu cậu giơ chân xút thẳng vào ức gà, chú gà bị cú đá trời dáng bật tung lên cao rơi xuống và nằm liệt luôn. Ông giận nó lắm, chị Nga sợ quá xin ông tha cho cháu trót dại, may mà ông quí chị Nga nên nén giận. Sau một ngày chú gà chết, ông buồn lắm, còn chú gà mái ông chẳng  thiết tha nên cho người nhà muốn làm gì thì làm, người nhà liền mổ ăn. Một tuần sau, vô tình tôi trèo lên mái bếp và chợt thấy một ổ trứng gà bé xíu có 8 quả ! trời ạ đó chính là thành quả cuả đôi gà ! thế là một lần nữa mang lại sự nuối tiếc cho cả nhà




TRANH SƠN MÀI TRUYỀN THỐNG
Tôi còn nhớ vào khoảng 1968, có một lần đi dạo phố bố vào một cửa hàng bán đồ cũ, trong cửa hàng có mấy tấm vóc sơn mài khá lớn, mở ra xem bố rật mình phát hiện ra đó là hai tấm tranh sơn mài cuả bố làm theo đơn đặt hàng cuả phủ thủ hiến hồi 1950, không hiểu sao nó phiêu bạt đến đây. Bức tranh đã bị thời gian làm nó mất đi chỉ còn lờ mờ ẩn hiện sau những lớp bụi dầy đặc bám vào. Đột ngột gặp lại đứa con nghệ thuật do mình đẻ ra bố nghẹn ngào không nói được nên lời. Dấu tình cảm lại bố hỏi mua, ông chủ cửa hàng đồng ý bán cho bố với tính chất là 2 tấm vóc sơn mài cũ ! Về đến nhà bố kể cho mẹ nghe mà vẫn còn chưa hết súc động.
Bắt tay vào làm cho tác phẩm sống lại bố vui lắm, đây là 2 bức tranh cá vàng khổ lớn. Mới qua vài lần nùn bằng bột than thế giới dưới nước đã hiện lên rực rỡ,  những con cá bơi lội tung tăng tầng tầng lớp lớp, nước trong vắt sâu thẳm đó là đặc điểm cuả sơn mài truyền thống, càng lâu năm nước sơn càng trong, càng qúi. Hội mỹ thuật nghe tin có sang thăm, xem 2 bức sơn mài hội đề nghị để lại cho hội với giá 3000 đồng ( tại thời điểm đó lương một kĩ sư là 64 đ / tháng,và giá một bát phở là 3 hào ) bố cười và không đồng ý. Mấy tháng sau có đoàn khách Nhật Bản sang thăm Hội mĩ thuật, họ muốn được xem tranh sơn mài truyền thống, Hội đưa họ sang nhà và đề nghị bố cho xem tranh. Nhìn 2 bức cá họ thích lắm và nhất định đòi mua, thật lòng bố không muốn bán nhưng thấy họ nhiệt tình quá bố đành đưa một giá 12000 để họ thôi, không ngờ sau mấy phút hội ý họ chấp nhận mua và họ đưa trước 4000 vì không mang đủ và cử 1 người ở lại đóng gói đợi họ về sứ quán lấy tiền trả nốt ! Thật bất ngờ, thế là 2 bức tranh sơn mài cuả bố lại tiếp tục cuộc hành trình sang đất nước Nhật Bản để khoe nét đẹp của sơn mài truyền thống việt nam .



CHUYN V M TÔI

Mẹ tôi trình độ văn hóa tuy không cao nhưng mẹ là người phụ nữ đảm đang và thông minh. Mọi việc trong nhà đều do mẹ chỉ đạo, các con được mẹ dạy dỗ cho ăn học đầy đủ tới khi trưởng thành, bố chỉ lo công việc làm ăn và rất yên tâm về gia đình đã có mẹ lo rồi. tôi còn nhớ có một lần đi chơi, mẹ dặn nhớ về sớm, song tối đó tôi về không được sớm lắm, khi về đã cố gắng mở cửa thật khẽ, tưởng mẹ không biết. Sáng hôm sau mẹ không la gì nhưng mẹ bảo : Con biết không con ruồi bay qua mẹ biết con nào đực con nào cái ! Sợ không !
Có lần bố vẽ bức tranh sơn mài, đến giai đoạn gần xong, bố ngồi ngắm để sửa chữa lần cuối. Các con đi làm về, ngắm tranh của bố, mỗi người đóng góp một vài ý. Họa sỹ thường hay có quan điểm riêng của mình nên bố khó chấp nhận ai phê bình tranh của bố, nhất là anh Vĩnh mặc dù anh cũng đang theo nghiệp bố. Tôi được bố yêu nhất mà ăn nói dễ nghe nên góp ý cho bố, bố thường không phản đối. Buổi tối hôm đó vô tình tôi nghe được câu chuyện cuả bố mẹ, mẹ bảo bố : Tôi nghe các con nó góp ý cho ông tôi thấy chúng nó cũng có những ý đúng đấy ông thử xem thế nào, rồi mẹ nói từng ý một cách nhẹ nhàng để bố không phật lòng. Đáng ngạc nhiên là hôm sau bố đã sửa lại bức tranh theo ý mẹ ! mặc dù mẹ chẳng học vẽ ngày nào ! mẹ giỏi thật .
Để ý xem tranh cuả bố, tôi thấy chỉ có duy nhất một bức tranh sơn mài vẽ bốn cô gái mặc yếm ngồi nghỉ dưới bóng tre, còn lại toàn bộ các tác phẩm với đề tài là phong cảnh thiên nhiên. Tôi hỏi bố, bố cười không nói, sau chị Nga nói với tôi là mẹ cấm bố vẽ đàn bà vì theo mẹ các ông họa sỹ hay lăng nhăng lắm cho nên tránh trước đỡ sinh họa ! ( mà cùng thời với bố nhiều người có hai vợ lắm Có hai cụ kiến trúc sư là cụ Minh và cụ Ngọ đều là thầy dạy tôi, các cụ dấu giỏi đến mức các con cùng học với tôi không ai biết các cụ có bà hai. Mãi sau này vô tình họ mới biết lúc đó họ đã 25 tuổi  )
Mẹ luôn là người nhìn xa thấy rộng, khi tôi đang học lớp 10 chuẩn bị thi vào đại học, tình hình lúc đó đang là thời chiến tranh, mọi nhà đều khó khăn. Tôi đi học về thấy bố đã bán mấy cái lọ cổ mà bố yêu thích, mẹ bảo để lấy tiền cho hai anh em tôi và Hiền ăn học. Thấy tôi tần ngần, mẹ nói với tôi: Con đừng lo, bố mẹ sẽ lo cho các con ăn học bằng anh bằng em, không ai phải nuôi ai, sau này các con đều bình đẳng với nhau như thế liệu mà cư sử tốt với nhau. Quả nhiên mẹ đã nhìn xa thấy rộng, anh em chúng tôi đều được mẹ nuôi cho ăn học đến nơi đến chốn, Tôi thương và cảm phục mẹ vô cùng .
Mẹ ít đi xa, chỉ suốt ngày chăm lo cho đàn con. Nhà tôi có 8 anh chị em, 5 trai 3 gái, các con đứa thì đi làm đứa còn đi học nhưng tất cả chuyện của từng đứa mẹ đều nắm vững hết. Chú Hiền ở nơi sơ tán về, mẹ vừa bồi dưỡng cho con sợ con đói vừa hỏi chuyện. Tối đến, trong bữa cơm, mẹ kể chuyện chú Hiền ở dưới nơi sơ tán giỏi đến nỗi cả nhà cứ tưởng mẹ cùng  ở với chú Hiền, chính chú Hiền cũng bị hấp dẫn bởi câu chuyện của mẹ .
BỆNH TƯỞNG
Mẹ không ốm nặng bao giờ nhưng hay ốm lặt vặt, và mỗi lần ốm, bố lại mời bác sỹ đến tận nhà thăm bệnh cho mẹ, bởi mẹ chỉ tin vào bác sỹ thôi. Một lần mẹ thấy khó chịu trong người, lập tức mẹ tự kiêng khem, không chịu ăn gì, bố phải mời bác sỹ đến thăm bệnh cho mẹ. Bác sỹ sau khi thăm bệnh dặn lại mẹ: Tôi đã kê toa thuốc cho bà, bà uống thuốc đồng thời phải ăn thật khoẻ thì thuốc mới tác dụng, bệnh sẽ lui ngay. Trước khi ra về, bác sỹ nói với bố: Bà nhà không bị bệnh gì chỉ là bệnh tưởng thôi, tôi đã kê toa toàn thuốc bổ để bà uống, Ông nhớ nhắc bà phải chịu khó ăn uống. Sau khi uống thuốc và ăn, bệnh cuả mẹ giảm ngay .
Một lần trời mưa to, mẹ đi chợ về bị ướt hết áo quần. Vào nhà, bỗng nhiên mẹ hốt hoảng vội lên giường nằm và bắt bố buông ngay màn bảo bố gọi ngay các con vì mẹ sắp chết, chân đã tái ngắt rồi ! Nhìn xuống chân mẹ, bố giật mình vì đúng là hai chân mẹ tím tái và lạnh ngắt, vội lấy dầu xoa chân cho mẹ trong khi mẹ rên hừ hừ. Bỗng bố hỏi mẹ có bị dây vào chỗ nào không, vì bố thấy hình như tay bố cũng bị tím theo ? Mẹ đang rên, đột nhiên ngừng rên và ngồi ngay dậy nói: Tôi hiểu rồi, mẹ tủm tỉm cười làm bố không hiểu chuyện gì xảy ra. Hoá ra hôm đó mẹ mặc quần đen mới nhuộm, gặp phải trời mưa nên thuốc nhuộm thôi ra chảy xuống chân làm chân có màu tím nên mẹ tưởng chết đến chân rồi ! Cả nhà được một phen sợ mất mật .
THƯƠNG CON
Mẹ thương và chăm lo cho các con rất chu đáo mặc dù mẹ tôi đông con chứ có phải ít con đâu. Nhớ hồi tôi 7 tuổi, đi học về bị cảm nên sốt cao lắm, không muốn ăn gì. Suốt đêm li bì, Bỗng nửa đêm chợt tỉnh vẫn thấy mẹ ngồi bên đầu giường, miệng lầm dầm tụng kinh niệm phật, tay cầm khăn ướt đắp lên trán tôi thấy thương mẹ vô cùng .


CÔNG TÁC XÃ HỘI




Người được giấy khen nhiều nhất nhà lại không phải bọn trẻ chúng tôi mà là mẹ tôi. Tôi còn giữ hàng trăm giấy khen cuả mẹ bởi thành tích đóng góp công tác xã hội cho khu phố nơi nhà tôi ở. Đủ các loại giấy khen, từ công tác an ninh, công tác phụ nữ, phòng chống bão lụt, công tác thiếu nhi…nói chung mẹ là người thay mặt gia đình chúng tôi tham gia các hoạt động khu phố, gia đình được bà con xóm phố nể trọng, cảm tình đó nhờ mẹ mà gia đình tôi có được. Còn nhớ khi ở nhà biệt thự 17 Trần Quốc Toản, các cháu bé thiếu lớp học, khu phố đề nghị gia đình giúp đỡ, mẹ đồng ý cho mượn ngay khu nhà ngang để làm lớp và cả dọc hành lang cho các cháu chơi mà không lấy một đồng. Sau 5 năm do nhà có việc cần sử dụng lại, mẹ đặt vấn đề với bà con, chính quyền khu phố, có người trên phòng giáo dục bảo đã cho mượn rồi làm sao lấy lại được. Khi việc được đưa ra khu phố, hầu như tất cả bà con và chính quyền đều thống nhất phải trả lại nhà cho “ cụ Hậu “ chứ, khi khó khăn người ta sẵn sàng cho mượn nhà không lấy một đồng nào, giờ có việc người ta xin lại, làm sao có thể “thất đức” không trả lại nhà cho gia đình “cụ Hậu” được. Thế là nhà được trả lại ngay, lớp học được rời đến đến điạ điểm khác của phòng giáo dục. Đó là sự kiện hiếm có vào thời đó, công phần lớn nhờ vào đức độ cuả mẹ và sự sáng suốt không ham tiền bạc nên được cả phố quí mến “cụ Hậu”.


THĂM NHÀ CON TRAI

Có một thầy tướng số nói với anh Khải: Cụ nhà như cây tùng cây bách, vững vàng trước sóng gió, nên các con được nhờ. Nhưng cũng vì thế con nào còn núp dưới bóng tùng bách thì không thể trưởng thành được. Thầy tướng số nói đúng, trong số anh em tôi, trừ anh Đường xa nhà từ lúc còn trẻ nên không được hưởng hơi hướng cuả bố, còn tôi do thời cuộc phải xa nhà từ năm lớp 10, rồi suốt những năm đại học. Cuộc sống đã dạy cho tôi nhiều điều nên tôi đã sớm trưởng thành, tự chủ, quyết đoán trong công việc hơn. Sau khi lập gia đình lần thứ nhất, tôi quyết định mua đất xây nhà, vì nghĩ mình là KTS hãy tự xây lấy căn nhà mình ở. Trong suốt thời gian xây nhà, bố mẹ lo lắng lắm vì nghĩ rằng lần đầu tiên con mình xây nhà, không biết sẽ thế nào. Lúc đó mẹ đã bị tai biến lần thứ nhất, liệt nửa người, sau nhờ tập luyện nên vẫn có thể chống gậy đi được. Hôm động thổ bố xuống làm lễ cho tôi, về nhà bố nói với mẹ: không biết nhà thằng Yên ra sao, tôi xuống chỉ thấy cái ao và tiếng ếch nhái kêu thôi ! mẹ càng lo lắng. Vì tôi làm nhà toạ trên ao mà. Lần thứ hai bố xuống làm lễ đậy nóc cho nhà tôi, về bố kể cho mẹ: lần này tôi thấy nhà nó đẹp lắm, tuy chưa xong nhưng đã đâu ra đấy, có cầu ao dẫn vào nhà, các phòng xinh sắn gọn gàng, nghe vậy mẹ yên tâm hẳn. mẹ nói với tôi: bao giờ nhà làm xong, mẹ sẽ đến thăm nhà của con, trước khi con dọn về nhà mới.

Hôm đón mẹ sang nhà mới, mẹ đi xích lô vào tận cổng, rồi chống gậy đi xem hết mọi chỗ trong nhà. Mẹ kết luận:  nhà con đẹp thật, tuy không lớn nhưng lạ, mẹ thích nhất là nhà lại có ao và mấy cây dừa nên thoáng mát. Tôi sung sướng được mẹ khen và cũng không ngờ đó là lần đầu và cũng là lần cuối mẹ đến thăm nhà tôi. 


LỜI DẶN DÒ
Có lẽ do linh tính mách bảo, mẹ và bố đang ngồi nói chuyện ngoài sân, gọi tôi vào. Không hiểu chuyện gì nhưng thấy nét mặt mẹ nghiêm nghị hơn mọi ngày, lúc này mẹ vừa đi thăm nhà tôi về. Mẹ bảo: hôm nay bố mẹ vừa nói chuyện, không biết trời cho được sống bao lâu nữa. Nếu còn cả thì không nói làm gì, mà nếu bố đi trước thì mẹ sẽ lo cho bố, nhưng mẹ thấy chắc mẹ sẽ đi gặp ông bà trước. Bố mẹ vừa bàn nhau, mẹ giao bố cho Yên lo đến trăm tuổi, sở dĩ mẹ chọn Yên, vì bố mẹ rất tin ở con, con có đi đâu bố sẽ theo con, nhớ chăm sóc bố cẩn thận. Nghe mẹ nói, lòng tôi nặng trĩu vì hình dung cái ngày đó cũng sắp đến rồi, thương bố mẹ vô cùng. Tôi hứa với bố mẹ, sẽ làm đúng như điều mẹ dặn dò.
Mẹ đã ra đi khi tai biến lần hai, lúc đó mẹ không nói được gì, những điều cần mẹ đã nói rồi, mẹ mong chị Nga ra, lúc đó gia đình chị đã di chuyển vào TP. HCM, nhưng khi chị ra được thì mẹ đã hôn mê mất rồi. Gia đình tôi mất đi người mẹ hiền suốt đời chăm sóc, lo lắng cho chồng con. 

Năm con trai bên linh cữu mẹ

Buổi lễ cầu siêu cho mẹ


Bố cùng 5 con trai vĩnh biệt mẹ
Đại diện trường Kiến Trúc Hà Nội đến viếng.
Đại diện hội Kiến Trúc Sư đến viếng
Bạn bè trong trường đến viếng
Bà con khu phố đưa tiễn mẹ
Bà con họ hàng cùng con cháu, vĩnh biệt mẹ

ĐƯA BỐ VÀO MIỀN NAM 

1992 Do mẹ đã khuất, tôi lại chuyển hẳn công việc vào dạy tại trường đại học kiến trúc TP.HCM, bố sống với gia đình anh Vĩnh. 1993 theo lời đã hứa với mẹ, bố cùng tôi vào Miền Nam sống. Thời gian đầu, do chưa có nhà nên bố ở nhà chị Nga, 1994 tôi đã có nhà riêng nên rước bố về ở cùng. Sống với tôi, bố có đủ mọi tiện nghi, có người giúp việc chăm nom, nhưng các chị thấy tôi còn đang ở một mình, tôi lại bận công việc đi suốt ngày, không yên tâm nên đã bàn với tôi đưa bố sang ở với anh Đường(anh cả tôi) lúc nào cũng có người ở nhà tiện chăm nom cho bố hơn. Thế là bố sống với gia đình anh cả tôi cho tới lúc ra đi.
Bố ngồi chơi ngoài sảnh tại nhà Yên ở Kì Hòa
Trên phòng khách lầu một

NHỚ NHỚ QUÊN QUÊN
Những năm cuối, bố sống với chúng tôi, tuổi gần 90 rồi, sức khoẻ của bố vẫn rất tốt, trí nhớ thì bắt đầu nhớ nhớ, quên quên, nhưng sự nhớ quên đó để lại trong lòng chúng tôi những mẩu chuyện không bao giờ phai nhạt.
Một hôm, cả nhà ngồi ăn cơm, Tôi tiếp thức ăn cho bố. Rất lịch sự, bố cám ơn và hỏi tôi:
Anh tên là gì mà sao trông quen quen ?
Dạ con tên Yên.
Tôi cũng có một đứa con tên Yên !
Vâng con chính là thằng Yên của bố đấy ạ.
Ô ! thế à… anh chính là con tôi…Thảm nào trông quen thế !!!
Bác sỹ bảo, với tuổi bố không nên uống bia, nên trong bữa ăn chúng tôi chỉ để bố uống trà đá thôi( lúc còn khoẻ bố thích uống bia lắm ) Thấy tôi uống bia, bố hỏi khẽ:
Anh uống gì đấy ?
Dạ con uống trà đá giống bố !
Sao tôi thấy nó màu khác…cho tôi thử một tý nhé…
Thật thương bố vô cùng.
Mỗi lần bố lẫn, cứ đòi về quê, các chị hay nói: khổ quá bố “rồ” rồi. Một hôm, không biết có chuyện gì, chị Nga bảo: Bố lại sắp “rồ” rồi, bỗng nhiên chị nghe bố nói: con ạ, tuy vậy nhưng bố không “rồ” đâu !!! chị Nga sợ quá từ đó không dám dùng từ “rồ” nữa.
Trong bữa cơm, còn nhiều chuyện vui về sự nhớ quên cuả bố. Thấy tôi ăn, bố hỏi:
Sao tôi chưa được ăn ?
Kià bố vừa ăn rồi mà.
Không! Tôi đã ăn gì đâu, tôi nói thực mà…
Thật là khổ tâm, đến lúc các con đủ lông đủ cánh để phụng sự bố mẹ thì mẹ đã ra đi, còn bố lúc lẫn lúc quên.
Có lần, sau bữa cơm, đưa bố đi tắm trước khi đi ngủ, Đứng dưới vòi sen bố bảo: sống thế này thì chẳng khác gì vua chúa anh nhỉ ! Tôi chợt nhớ, cả cuộc đời bố chỉ tắm bằng nước lạnh cả mùa hè lẫn mùa đông, một phần vì bố quen rồi, một phần cũng do mỗi lần tắm nước nóng, các con phải đun nước cho bố chứ không có máy nước nóng như bây giờ, mà bố không muốn cảm phiền các con.
Ăn cơm cùng các con đến thăm bố
Phút thư giãn
Bố những ngày ở nhà anh Đường
 
ĐI CHƠI
Hồi còn sống mẹ không đi đâu xa ngoài chuyện về quê. Mẹ kể có mỗi lần duy nhất là xuống Hải Phòng, bà Ngoại dẫn ra Đồ Sơn chơi, mẹ vén quần lội nước ven biển thế là xong, mẹ biết biển rồi! vì thế khi các con sau này xin đi chơi xa, mẹ hay nói đuà: Sao các con dại thế nhỉ, mất tiền vô ích lại mang cái mệt vào người, theo mẹ, với số tiền đó cứ ở nhà, mua đồ ăn ngon, cần mát vặn quạt cho mát, muốn có nước biển, lấy muối hoà vào chậu tha hồ tắm thế có sướng không! Bọn trẻ buồn cười vì lí lẽ của mẹ: Mẹ hay thật, chúng con còn cần cái không khí, cái náo nhiệt nữa chứ ạ. Mẹ cười xoà: các anh chỉ vẽ chuyện, tốn tiền !!!


VỀ HƯU
1965 Bố 62 tuổi thì bắt đầu nghỉ hưu. Trong hoàn cảnh gia đình nhà đông con, các con còn đang đi học, vấn đề lo kinh tế cho gia đình thật không dễ chút nào. Bây giờ mỗi nhà chỉ có một đến hai con đã lo mất mật rồi. Thế rồi “cái khó ló cái khôn” bố luôn bảo phải tin vào đôi tay cuả mình đừng bao giờ nản chí “bàn tay ta làm ra tất cả”. Mà đúng như vậy, gia đình vẫn yên ổn dưới đôi bàn tay cuả bố. Suốt thời kì bố về hưu đáng ra sẽ là mối lo lắng cuả cả gia đình, nhưng với bố vẫn vững tay chèo, kinh tế vẫn ổn định mà lại có phần sung túc hơn, các con vẫn đi học, đi làm mà chưa đứa nào phải ghé lưng cùng lo với bố cả, bố giỏi thật. đúng là các con được sống dưới bóng tùng, bóng bách của bố.
VẼ ÁO DÀI
Hồi đó Hà Nội 1965 đang là thời kì “chống Mỹ cứu nuớc”. Cả nước sống trong chế độ bao cấp cao độ, mọi nhu cầu sống đều theo chế độ tem phiếu, các mặt hàng đều khan hiếm, ngay  cô dâu, chú rể đến ngày cưới cũng gần như đồng phục, cô dâu nào cũng chỉ được bộ áo dài cưới bằng vải sa tanh trơn màu: hồng, xanh trời, đỏ…lúc đó cửa hàng đang có màu gì thì cả Hà Nội cô dâu mặc màu đó! 
Sao không vẽ điểm trên áo cô dâu một vài bông hoa cho khác biệt với những bộ áo thường ngày nhỉ. Với ý nghĩ đó bố đã dùng sơn dầu vẽ thử lên áo dài của mấy cô con gái trong nhà, khi mặc thử quả nhiên chiếc áo đẹp và lộng lẫy hẳn lên. Chỉ còn khâu kĩ thuật là có vết dầu loang nhẹ bên những hình vẽ, bố đã sử lí bơm sơn lên những tờ giấy thấm cho dầu hút ra rồi mới dùng để vẽ lên áo. Thế là từ đó, chỉ qua vài đám cưới mặc áo dài vẽ cuả bố, các thiếu nữ sắp làm cô dâu đua nhau tìm đến cụ Hậu họa sỹ để mong có được bộ áo dài cưới ưng ý. Dưới bàn tay của bố, các hình vẽ biến ảo khôn lường, sẵn sàng chiều ý khách hàng nên lượng người tìm đến ngày càng đông. Có cô yêu cầu phải có ngay sau 3 ngày, bố cười bảo sơn vẽ phải sau 1 tuần mới khô, cô đó xin cứ cho 3 ngày, cô sẽ cố giữ gìn để kịp ngày cưới, còn sau đó có trục trặc gì sẽ xin bố sửa cho. Thông cảm với khách, bố vẽ xong, rồi hong đèn suốt cả mấy ngày cho sơn mau khô. Sau ngày cưới, cô dâu đến cảm ơn bố vì trong đám cưới được nhiều người ngưỡng mộ lắm. Công việc qúa nhiều, vẽ không kịp nên bố phải hướng dẫn cho chị Nga tham gia cùng, do tay nghề không thể ứng tác như bố, nên bố phải vẽ mẫu để chị theo đó mà làm. Bố quả là bậc lão thành, biết ứng sử nghệ thuật của mình theo nhu cầu cuả xã hội, chứ cứ giữ nguyên tắc làm tranh sơn mài để kiếm sống thì ai có đủ tiền để mua, để thưởng thức. Trong lúc xã hội đang chỉ cần “ăn no, mặc ấm”. 
 
Xem những bộ áo dài vẽ hôm nay của họa sỹ Sỹ Hoàng, áo thật đẹp và phong phú về chất liệu, có đủ loại màu, sẵn sàng phục vụ cho nhu cầu vẽ áo. Chắc Sỹ Hoàng cũng không biết rằng cách đây 46 năm, đã vang bóng một thời những bộ áo dài cưới của cô dâu Hà nội do “cụ Hậu họa sỹ” vẽ cho. Nhiều người còn giữ được những kỉ vật ngày cưới đến tận bây giờ.


LÀM CHƠI ĂN THẬT
Bố là người rất thích đồ cổ, trong nhà có khá nhiều cổ vật do bố sưu tầm. Đặc biệt có một số đồ cổ rất đẹp, nhưng hình như có một vài chi tiết có gì khang khác, bố cười: Tại con tinh mắt đấy, đó là mấy chỗ bị vỡ, bố gắn lại và vẽ giống như cũ, nếu nó không bị vậy thì không có đủ tiền mà mua đâu! Chà hóa ra là vậy. Mấy ông bạn chơi đồ cổ thích lắm, vì thế các ông mang lại cho bố rất nhiều món đồ cổ cần phải chỉnh trang lại cho hoàn hảo, tay nghề cuả bố ngày càng cao. Bố hay nhờ tôi kiểm tra, và xem xét những món đồ bố sửa để bổ xung cho giống như thật. Thế là bố lại sáng tạo ra một nghề mới: nghề chữa đồ cổ, đúng là từ chỗ làm để chơi mà bây giờ thành làm ăn thật. 

Cái khó của công việc này là phải thật khéo tay, biết nó thiếu gì để bổ xung, rồi khó nhất là sau khi gắn và làm mộc xong, bắt đầu tô lại nét vẽ và màu sắc sao cho giống hệt, không lộ, cuối cùng là khâu tráng bóng cho giống lớp men cũ. Công việc thật tỉ mẩn đòi hỏi phải có tính kiên trì và tay nghề cao. Bố làm việc say xưa, yêu nghệ thuật làm không biết mệt mỏi, đúng là tấm gương cho các con noi theo.


LÀM BƯU THIẾP
Những năm 1970 – 1971 để có được công việc ra tiền ngoài đồng lương không phải dễ. Bố luôn tìm tòi, tính đủ cách sao cho có thêm thu nhập cho gia đình. Nghe bên XUNHASABA đang có ý tìm mẫu thiệp để xuất đi các nước, thế là bố đến, tự giới thiệu và xin được tham gia. Sau khi đưa một số mẫu, phiá bên nhà xuất bản rất hoan nghênh và đồng ý chọn 6 mẫu với số lượng khá lớn: 8000/mẫu. Thật quá bất ngờ nhưng cũng đầy lo lắng, vì phải làm xong 48.000 thiệp trong vòng 3 tháng! Biết bao công việc phải làm. Thế là cái xưởng gia đình hình thành, mỗi nhà mỗi việc. Nhà nào không vẽ thì lo cắt, xén giấy, làm phong bì. Công đoạn vẽ cũng chia gia nhiều khâu, anh lo khâu làm nền, người lo khâu tiả cây, tiả người, bố là người cuối cùng, kiểm tra, xem xét và hoàn tất. Vui lắm công việc cứ tiến triển đều đều như “tằm ăn rỗi”.
Ngày đóng thùng, giao hàng, nhìn các thùng sản phẩm cả nhà vừa mừng vừa lo, mừng vì đã xong đúng thời hạn, lo không biết sản phẩm có đạt yêu cầu không. Sau một tuần, bố nhận được tin vui, nhà xuất bản chấp nhận và hàng đã được xuất sang Nga! Thế là bà làm một bữa khao quân. Ngày được nhận “lương” của ông cũng thật vui, ông tuyên bố: đây là công việc của bố, các con đã giúp bố nên bố gửi tiền “bồi dưỡng” cho các con, vì mỗi con mỗi việc, nên tuỳ từng việc, mà mẹ đã tính cho tương xứng cả rồi, các con khỏi lo. Thế là mỗi chàng được nhận một phong bì mà không cần biết có bao nhiêu, thế là sướng lắm rồi. Bố vẫn luôn là người sáng suốt và gương mẫu trong mọi công việc.


ĐỒNG HỒ SINH HỌC
Trong nhà bố là người sinh hoạt điều độ và giờ giấc nhất nhà, có thể không cần xem đồng hồ, mà chỉ nhìn vào sinh hoạt của bố có thể biết là đang mấy giờ!      
5 giờ là bố dậy, không tập thể dục nhưng bù vào đó là chăm sóc, tưới tắm cho cây cối. Được tưới đều đặn, cây nào cũng xanh tốt, lá non mơn mởn.
6 giờ, vệ sinh cá nhân, tắm rửa, đặc biệt là mùa Hè hay mùa Đông bố đều tắm nước lạnh, cho đến 80 tuổi vẫn vậy. Trừ hôm nào thấy trong người mệt, bố mới chịu tắm nước nóng.
7 giờ rời khỏi nhà đi ăn sáng, việc ăn sáng cũng cứ đúng hàng phở bố ưng mà ăn, từ năm này đến năm khác, khách quen đến nỗi không cần nói, vừa ngồi xuống ghế, phở đã được bưng ra. Bố hay kể câu chuyện: Có một ông, sáng nào cũng vậy, qua tiệm “lục quốc” ăn một cái bánh bao, từ năm này qua năm khác. Bỗng mấy hôm chủ tiệm không thấy ông qua, vội cho người thăm dò và được biết ông khách đã qua đời, gia đình đang làm tang lễ. Vội sắm đồ phúng điếu rất trang trọng, đích thân ông chủ đến thắp hương. Gia đình lúng túng không biết ông là ai! Sau khi tự giới thiệu, ông chủ tiệm bánh còn nói thêm: cụ nhà tốt viá lắm, từ ngày có cụ quá bộ đến ăn, tiệm chúng tôi làm ăn thịnh vượng hẳn lên, nên hôm nay chúng tôi đến để tạ ơn cụ!!!
8 giờ bố ngồi vào làm việc cho đến 11 giờ, nghỉ tay chuẩn bị ăn cơm, kết thúc công việc buổi sáng.
Chiều cũng vậy, luôn luôn đúng kế hoạch và đúng giờ. Hôm nào có sự thay đổi là chắc chắn có vấn đề, do công việc đột xuất hoặc do sức khoẻ mà thôi. Chúng tôi nói bố như một chiếc đồng hồ sinh học của cả nhà là vậy. 


TIN HAY KHÔNG THÌ TÙY!
Có những chuyện xảy ra không thể lý giải được. Hôm chú Hiền từ Sài Gòn ra, mang theo nhiều qùa lắm, trong đó có một đôi tượng cô tiên bằng đá cẩm thạch. Bố rất mê đôi tượng đó, nên mượn chú Hiền để bày chơi vài ngày, Chú Hiền chiều bố ngay. Bố bày tượng 2 cô tiên trên tủ thờ, phía dưới, trước mặt cụ Quan Công để ngắm. 
Mẹ đi chợ về, không bằng lòng chuyện đó, và đề nghị bố bày hai cô tiên ra chỗ khác, không để trên bàn thờ. Bố bảo: đâu có sao, tôi bày phiá dưới chỉ để ngắm vài hôm thôi mà!!! Câu chuyện chỉ có thế, và không ai tranh luận thêm. Tối hôm đó, vào khoảng nửa đêm, bỗng có tiếng “choang” rơi, đổ vỡ phía bàn thờ! Bố vội choàng dậy, bật đèn và sửng sốt trước cảnh tượng: Một cô tiên nằm vỡ tan tành dưới đất, do bị thanh long đao của cụ Quan Công từ bệ trên rớt xuống!!! hất cô tiên xuống đất. Sáng đó cả nhà đều sợ, không biết giải thích ra sao, vì bao lâu nay, thanh long đao của cụ Quan Công có bao giờ bị rớt đâu. Bố vội trả ngay cô tiên còn lại cho chú Hiền, còn mẹ thì thắp hương tạ tội với cụ Quan Công! Sợ không.
Một hôm, bố mang về pho tượng nhỏ bằng đồng, tạc một võ quan của Tầu. hai bố con cùng ngắm và xem xét. Thấy sau lưng pho tượng có vết trám gắn, bố bảo thường các tượng thờ, người ta hay yểm bùa vào đó! Tò mò tôi thử tìm cách cậy ra xem, loay hoay một lúc không làm cách nào được nên thôi ý định đó. Đêm đó tôi bị cảm, chắc do thay đổi thời tiết, nhưng có điều kì lạ, suốt đêm đau rát phần sau lưng, đau lắm mãi gần sáng mới dứt. Không dám kể cho mẹ, thì thầm kể cho bố, hai bố con vội thắp hương xin tạ tội với thần linh, và từ đó tôi cũng tin vào một sự siêu phàm mà khoa học chưa giải tích được.


BÁI PHỤC – BÁI PHỤC
Người  xưa có câu: “Nhất nghệ tinh,nhất thân vinh” ý nói ở đời muốn được tôn trọng thì hãy giỏi một nghề, nghề ở đây, là cái nghề mà người đời công nhận chứ không phải mấy cái văn bằng “giáo sư”, “tiến sỹ” dởm đang huỷ hoại đạo đức, tri thức của nước nhà. Bố cũng thường hay nói với tôi: Con ạ “Hữu sạ tự nhiên hương” con cứ hết lòng với nghề của mình, nếu thực sự giỏi thì không cần phải chèo kéo, tự khắc người ta biết tiếng và đến với mình. Cả cuộc đời bố là như vậy.
Hôm nay, khi đọc đến tin: Phiên đấu giá mùa Thu của nhà đấu giá SOTHEBY’S diễn ra tại Hông Kông vào ngày 3/10/2011 tới đây. Tranh Cảnh chùa (Sơn mài 104x188cm) cuả hoạ sỹ Phạm Hậu (1903-1995) có giá khởi điểm từ 64 – 90 ngàn USD…
Thế hệ con cháu của Bố chưa có ai có được vinh dự như Bố. Chưa có ai có được tác phẩm danh giá và giá trị, được người đời ngưỡng mộ như bố! thật bái phục, bái phục.


PHIÊN ĐẤU GIÁ MÙA THU CỦA  SOTHEBY'S TẠI HỒNG KÔNG  (có tranh của ông )


Văn hóa toàn cảnh  » Mỹ thuật - Kiến trúc
Mỹ thuật - Kiến trúc
Tranh Việt lại “nổi lên” tại Sotheby’s 2011

Thứ Tư, 07/09/2011 07:42

    Giáng sinh trên 200 ngàn USD của Lê Phổ
    Tranh Lê Phổ vào Top 8
    Phiên đấu giá mùa Thu của Sotheby’s tại Hong Kong: Tranh sơn mài Lê Phổ lập kỷ lục mới

(TT&VH) - Nhà đấu giá Sotheby’s, tại phiên đấu mùa Thu về tranh hiện đại và đương đại Đông Nam châu Á ở Hong Kong, sẽ diễn ra vào ngày 3/10/2011, một vài tác giả Việt Nam lại được đánh giá cao. Theo thông cáo chính thức của tổ chức danh giá này, phiên đấu này có hơn 170 tác phẩm và hiện vật, dự kiến vượt qua tổng giá sàn ước định là 33 triệu đô-la Hong Kong (khoảng 4,2 triệu USD).

Tại đây, giới sưu tập sẽ chứng kiến hơn 40 tác phẩm được xem là đặc biệt của Việt Nam lên sàn đấu, mà theo nhiều phân tích, sẽ tạo dấu nhấn về giá cả. Đơn cử, tác phẩm Ba cô gái đang tắm (vẽ khoảng 1938) của Lê Phổ có giá khởi điểm khoảng 77-103 ngàn USD; tác phẩm Cảnh chùa (sơn mài, 104 x 188 cm) của Phạm Hậu (1903- 1995) có giá từ 64-90 ngàn USD...

Tác phẩm Ba cô gái đang tắm của Lê Phổ

Nhà môi giới Mok Kim Chuan, trưởng điều hành về tranh Đông Nam Á của Sotheby’s cho biết: “Mùa giải này, chúng tôi sẽ trình bày một lựa chọn tốt về các tác phẩm được đánh dấu bởi sự sưu tập tinh tế hiếm thấy, trong đó có hơn 40 tác phẩm nghệ thuật có tầm quan trọng lịch sử và nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Trong số này, vài họa sĩ đạt đến sự mẫu mực, có tính đại diện như Lê Phổ, Phạm Hậu, Lê Văn Đệ, Mai Trung Thứ, với sự đa dạng về đề tài, kích thước và vật liệu...”.

Cũng xin nói thêm, trong phiên đấu này, tuy giá tranh Việt Nam còn hơi thấp, khởi điểm chưa bằng một nửa của Indonesia, nhưng về vị thế tác giả trong lịch sử hội họa thì được đánh giá tương đương với các danh họa Đông Nam Á như Affandi (1907-1990), Hendra Gunawan (1918-1983), S. Sudjojono (1914-1986), Georgette Chen (1907-1993)...

Văn Bảy
 
MỜI MỌI NGƯỜI VÀO XEM TRANH SƠN MÀI CỦA ÔNG NHÀ MÌNH. 



http://www.sothebys.com/en/auctions/2011/southeast-asian-paintings-hk0355/overview.html
 



 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét