Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

TÌNH THẦY TRÒ




                            PHẠM HẬU - THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP

Sen mùa hạ (trong bảo tàng mĩ thuật )

LỜI NGƯỜI VIẾT
    Xét lời xưa đã nói “ Con người là tinh hoa cuả trời đất “ muôn vật thịnh suy là lẽ biến hóa tự nhiên không sao tránh khỏi. Con người cũng nằm trong muôn vật ấy có một điều lẽ thịnh suy sẩy ra trong những niên độ quá dài mà đời người thì có hạn nên nhiều khi ta không cảm nhận được điều đó .
    Tôi lại nghĩ muôn vật đều có tình, như hoa cỏ gặp khi đương xuân đâm chồi nảy lộc, loài cầm thú khi tiết trời ấm áp cũng biết tìm nhau, như sắt đá cũng còn có lúc đổ mồ hôi. Huống chi con người là tinh hoa tuyệt vời của trời đất, là chúa tể muôn loài, nhờ đạo đức mà muôn vật trong trời đất không sao sánh được .

    Tôi lại nghĩ được gặp thầy Phạm Hậu đến nay, trải đã ba chục năm có lẻ, được thầy dìu dắt biết thế nào là ngọn bút lông, hiểu và sử dụng được chiếc bút chì .
    Đến nay tuy làm thầy không đạt, làm thợ vụng về nhưng không vì danh lợi mà tìm lại gặp thầy. Nghĩ đến công lớn ấy cuả thầy mà đền đáp chút gì trong muôn một .

    Ai là người đã biết đã được gặp thầy tôi, thì cũng khó quên được tính tình đức độ của người. Xuất thân trong một gia đình nghèo khó … mồ côi từ nhỏ, cuộc đời ấy tưởng những năm tháng dập vùi, sao mà chịu nổi .

    Nhưng may trời cũng tựa người, nhờ phúc ấm tổ tiên, trí lực bản thân, mà vượt qua quãng ngày gian khổ ấy. Đi từ tối tăm đến rực rỡ. Đến nay thầy tôi học trò có dư vài trăm, tài sản không lo gì bữa ăn sớm tối, con cháu đầy đàn, gái trai thành đạt có tài có trí. Suốt đời thầy miệt mài say sưa vì nghệ thuật. Nhiều tác phẩm có mặt ở châu Âu, châu Á. Học trò thầy đã nên người, có thầy có thợ .

    Ôi ! lời có khi không hết ý, ý chẳng nói được lòng. Nhân tôi muốn ghi lại tiểu sử của thầy tôi để làm chiếc gương cho người đi sau, cho trò, cho con, cho cháu. Tôi nghĩ mình tài sơ, trí thiểu, danh phận nghèo hèn, được may mắn thầy cho làm việc này, lại được thầy cho khoác tay đi dạo, về nhà ngồi chép chép, ghi ghi, lúc sụt sùi nước mắt rưng rưng, lúc hào hứng bút ghi không kịp …

    Ôi tình thầy đã ngoài 80 mà nghĩa trò cũng hơn năm chục. Đầm ấm biết bao .

Nhân dịp cuối đông năm Qúi Hợi tiết trời se lạnh. Ngồi một mình một bóng, một đèn, nghĩ đến lẽ thịnh suy, nghĩ từ xưa đến nay. Trăm năm cũng một cõi người cảm nghĩ mà viết mươi dòng, gửi lại thầy, cũng mong lòng thành mà trả nghĩa thầy vậy .
                                                           Mạnh đông năm Qúi Hợi
                                                              Nguyễn Bắc Giang



TIỂU SỬ THẦY PHẠM HẬU

Sinh năm 1903 Quán tại làng Đông Ngạc - tục gọi làng Vẽ, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Bố mẹ nhà nghèo, cụ thân sinh có làm thông lại, năm 20 tuổi hai cụ dọn nhà lên huyện Phúc Thọ lập nghiệp. Cụ sinh hạ được 7 người con, gia đình nghèo thanh bạch.
Năm lên 2 tuổi, thầy mồ côi bố, sau đó gia đình lại rời từ Phúc Thọ về Đông Ngạc và năm lên mười cụ bà cũng qua đời.
Cổng làng Đông Ngạc cổ
Bước vào tuổi lên mười, đang tuổi ăn tuổi học thì thầy đã phải sống thay đổi trong các gia đình anh chị nghèo. Được đi học nhờ có ông Cát văn Tấn là người nhân hậu đã mang thầy lên Sơn Tây theo học một trường tiểu học, và lúc này thầy sống tại gia đình bà chị thứ hai là vợ ông Tấn một thời gian dài. Sau đó thầy được đưa về Hà Nội ở một nhà bà cô không có con trai tại phố Hàng Than. 
Ngõ làng Đông Ngạc
Ở đây thầy đã học hết bậc tiểu học, nhưng thật cũng phiền, do không có con trai nên việc có thể thừa kế gia sản cuả bà cô đã đưa thầy trở lại gia đình chị Tấn. Được một thời gian thầy lại chuyển sang sống với ông anh rể mới, nhà chị Ba tục gọi là bà Ba. Tai họa, lại tai họa, ông anh rể nhà nghèo, chị Ba chợ búa không nuôi nổi đàn con nhỏ, trông nhà, giặt giũ, cơm nước, lại đèo thêm một cậu em vô nghề thế rồi một trận đòn, một trận đòn lớn chỉ sảy ra ở những gia đình thiếu cơm túng tiền, chỉ vì cô em gái ông anh rể đem lòng yêu chàng trai Phạm Hậu mà thầy bị gán vào tội sớm lẳng lơ. Chị Ba tần tảo không đủ điều kiện trông nom đến em. Tủi thân, tủi phận trước trận đòn oan này, thầy đã bỏ nhà ra đi từ Sơn Tây về đến ô Yên Phụ, gian truân, mờ mịt là kết quả cuả những người không nơi nương tựa, trong người chỉ còn lại ba hào, người con trai thốt lên những dòng tâm sự:
          Lang thang vơ vẩn trên đường,
          Lưu ly bao quản tuyết sương lạnh lùng.
          Trêu ngươi chi mấy hóa công?
          Thân này sao đọa vào trong tội này.
Từ Sơn Tây trở về Đông Ngạc, trở lại quê nhà thầy được một bạn làng rủ sang sông dạy học. Thầy định bước vào đời với ý chí tự lập. với vốn học hành xong tiểu học, lúc này tuổi đời 17, đói ăn, thiếu mặc, nay nơi này mai nơi khác trời đất đâu đã dễ chiều người?!… Một trận ốm nặng trướng mãn, ghẻ lở, bụng như chiếc trống lớn, tưởng những không còn, chị Tấn thương em lại đón thầy lên Phúc Thọ, Sơn Tây lần lữa thuốc thang. Ốm khỏi, tuy sống tại nhà chị Tấn có tốt hơn, nhưng ý chí tự lập của một chàng trai 17 lại thức tỉnh nơi thầy.
Năm 1920, một bước ngoặt của tuổi 17. Với tuổi này, khi một số thanh niên sống hư hỏng trong chiếc nôi của gia đình giàu có thì thầy đã phải sắn tay, mở rộng tầm mắt để tìm hướng đi cho mình.
Trên một tờ báo hàng ngày, có đăng tin trường Bách nghệ Hải Phòng chiêu sinh 4 năm và được ăn ở trong trường.
Từ giã chị Tấn thân yêu, anh Tấn nhân hậu, từ giã chị Ba quanh năm buôn bán tảo tần và các anh chị nghèo khác. Từ giã luôn cả anh Ba đã tặng mình trận đòn cùng với trái tim rung động cuả cô em gái nghèo mà thầy không một lời đáp lại. Khăn gói gió đưa, thầy thi đỗ vào trường Bách nghệ Hải Phòng.
Một chân trời hé rạng, thợ tiện, thợ nguội, thợ đúc, thợ gò cả thợ lái ô tô nữa. Tất cả những chuyên môn này trong chương trình đều phải học qua năm thứ nhất. Thầy được học thợ gò. Bốn năm nghiệt ngã vì kỉ luật cuả một trường đào tạo ra những người “áo ngắn cơm nuôi”. Anh thợ Phạm Hậu đã có lần ngất đi trước những chiếc búa tạ và những mảnh tôn dày.
Khi còn là học sinh trường Bách nghệ, thỉnh thoảng thầy cũng vẽ chân dung cho các bạn với ý thức bản năng, vui thì vẽ, thích thì vẽ. Điều ấy chỉ thấy được trong mình tiềm ẩn cái gì đó, mà sau này ta gọi là năng khiếu.
Tốt nghiệp măm 22 tuổi, thầy được bổ về ga hoả xa Hà Nội. Từ Hải Phòng về, với tài sản là một chiếc hòm gỗ, hai bộ quần áo xanh đã sờn, vài đồ dùng lặt vặt, đồ nghề. Nhưng hòm cũng chẳng thương người, đã tung cả đáy, rơi vãi bề bộn khi trên tàu bước xuống khiến những cô buôn bán trên ga cười ngặt nghẽo.
Lúc đầu thầy được làm việc gián tiếp, điều hành giờ giấc cho những chuyến tàu Hà Nội - Vinh và Vinh - Hà Nội, Nhưng bàn giấy đâu được là chỗ ngồi cho người xuất thân làm thợ “giầy vải áo xanh, đầu dầu đít mỡ”. Sau một thời gian với những trai sần trên bàn tay, thầy được trả về vị trí ét đốt lò, lúc lau tàu, phụ xúc than, rồi học đốt than. Cái tính hiền lành gần như thụ động cũng giúp thầy tiến bộ được lên làm ét lái, rồi lái tàu. Có những lúc khi đêm xuống nhìn cảnh vật hai bên đường, có nét gì hao hao giống quê hương Đông Ngạc, ven bờ sông Hồng, thầy không khỏi trạnh lòng nghĩ đến thân phận làm thợ đốt lò của mình.
Lúc bấy giờ người ta rất sợ tiếng làm thợ vì nó gần sát với danh từ “cu li”, người ta rất thích hai tiếng “bàn giấy”. Có người bắn tin về làng: Thằng Hậu làm nghề đốt lò ở ga Hà Nội. Với sự thật này, sợ mang tiếng về làng, anh công nhân suốt ngày khăn cuốn chỉ còn hở đôi mắt tránh bụi, quyết định bỏ nghề. Bổ vào Vinh tìm việc khác, nhưng đấu tranh sinh tồn và lợi nhuận: lúc nào, ở đâu và bao giờ? chẳng là những mũi nhọn nóng bỏng đối với con người đó sao.
Bổ vào Vinh tìm việc, lang thang đất rộng trời xa, rồi một chuyến tàu ngược Hà Nội lại đưa chàng công nhân hiền lành trở về Đông Ngạc. Lòng nặng như chì, cái bệnh “đau răng trong tim” nhức nhối những đợt sóng ngầm. Trong trái tim thầy giữa tiến lên và lùi xuống một khoảng cách mấy người vượt nổi. Từ Đông Ngạc lại lên Sơn Tây tìm chị Tấn, lúc này anh Tấn đã làm tri phủ, thương em anh chị Tấn quyết định lấy vợ cho em.
Năm ấy 1923 tại quê nhà một bước ngoặt đáng ghi nhớ. Thương nếp gia đình đôn hậu, bản thân hiền lành, một phú gia đã gả con gái cho thầy, thầy lấy vợ.
Tuy ở nhà vợ đầy đủ, bên ngoại lại thương người, nhưng cái cảnh ăn không ngồi rồi, tuy được vợ thương yêu, nhưng sự cách biệt giữa bản thân và gia đình vợ tránh sao được những giây phút trạnh lòng.
Lại xuống Hải Phòng tìm việc, đi để mà đi, đi để tìm vị trí cho cuộc sống của mình, nhưng chẳng dễ gì…
Năm 1925, Được tin trường Mỹ thuật Đông Dương thành lập. cho tới năm 1929 trường mở khóa 2 thầy quyết tâm “lều chõng”. Cũng mong manh , nhưng được sự động viên của vợ, vả lại đã từ lâu với cuộc sống vất vả, với những ngày ấu thơ từ thủa lên 10, với những cay đắng từng trải, những con người gặp gỡ trong cuộc sống, chắc chắn đã hình thành trong tình cảm mình những dấu ấn thẩm mỹ của bản năng.
Ai đã từng ăn nhạt chắc phải thương kẻ nghèo, ai đã từng gian truân cũng đều mong muốn cuộc đời gần với Chân –Thiện – Mỹ. Vả lại cũng đã nhiều người thường nói “sự nghèo khổ là cái cầu dẫn ta đến thiên đường”. Thầy đã có đủ điều kiện ấy và thầy quyết tâm thi vào trường nghệ thuật.
Họa sỹ Nam Sơn
Trường cao đẳng mỹ thuật Đông Dương lúc này khóa đầu đã mở, giám đốc trường là ông Tardieu ( tục gọi là cụ Tạc ). Nhưng được vào trường cao đẳng đâu phải chuyện bình thường, vào trường này rất khó phải có năng khiếu.  nhưng với quyết tâm cao, với ước mơ vươn mình tới đỉnh cao mong muốn, thầy học tư cụ Nam Sơn 3 tháng để luyện thi vào trường.
Kì thi năm 1929 đã đến, số thí sinh khá đông, nhưng cũng như khoá trước, trường chỉ tuyển chọn 6 người cho 5 kỳ ( Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Ai lao và Cao miên ). Với 6 người cho thí sinh toàn Đông dương thật cũng đáng sợ cho những người yếu bóng vía, có thể nói bằng chữ “học tài thi phận” được không.
Không! chàng thanh niên “áo ngắn” đã và đang tin ở bản thân mình.
Thầy đã thi đỗ, đứng thứ 2 trong sáu người khoá ấy gồm có: Trần Bình Lộc, Phạm Hậu, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Quyên, Nguyễn Văn Hiến và Nguyễn Văn Thuần.
Một bước ngoặt thực sự đánh dấu trong cuộc đời mình, thầy bước vào con đường nghệ thuật lúc đã 26 tuổi, cái tuổi mọi người đã yên bề gia thất và sự nghiệp, thật đáng trân trọng.
Nghe tin thầy đỗ, Bác gái tại quê nhà mừng quá, thật bõ công nuôi chồng ăn học. Thế là cuộc đời thay đổi thầy trở thành một anh sinh viên trường cao đẳng Mỹ thuật, một trường danh giá nhất về nghệ thuật lúc bấy giờ. Có giấy tư về làng được miễn đóng thuế thân, được ăn ở nội trú trong trường. Ông bà ngoại thưởng cho chàng rể 100 đồng để sắm sửa đồ dùng, quần áo tây chuẩn bị nhập trường.
Trường dạy đủ các chất liệu ở những năm đầu: thuốc nước, than, màu dầu, lụa, bột màu, trang trí… Đến năm 1931 sau 2 năm vào trường, nhà trường có đưa thêm vào chương trình 1 giờ học chuyên nghệ, học nghề sơn cổ truyền. Vốn sẵn có tính nết cần cù thầy thường được điểm 19 – 19,5 là một trong những học trò được cụ Tạc và ông J.Inguimberty yêu mến, ( lúc này ông J.Inguimberty là giảng viên trang trí ).
Cuộc sống ký túc trong trường cũng khác hẳn, sinh viên trường luật, trường thuốc, trường mỹ thuật cùng ở chung kí túc. Đời một sinh viên ăn ở tại trường ăn cơm bằng thìa diã, có bồi hầu buồng, giặt quần aó, gấp chăn màn. Tháng lĩnh 12 đồng ( lúc đó 6 đồng mua được bộ complet ).
Trong thời gian học, năm sắp thi ra trường thầy học rất khá, ông Tardieu phải khen là: trong lớp chỉ có 2 anh là Trần Đình Lộc và Phạm Hậu là hơn cả. Và quả nhiên khi thi ra trường Trần Đình Lộc nhất thầy thứ hai.
Trường Mỹ thuật Đông Dương mở tiệc chiêu đãi nhân ngày ra trường ( thầy Hậu có chấm đỏ )
Sau 5 năm tốt nghiệp thầy lại trở về Đông Ngạc. Không như các trường cao đẳng khác, trường cao đẳng thương mại, trường y, trường luật là những trường thực dụng đào tạo ra những quan đốc, quan thông, quan phán để phục vụ bộ máy chính quyền bấy giờ. Trường cao đẳng mỹ thuật chỉ đào tạo ra những người họa sĩ, nghệ sĩ mà lúc ấy ta thấy gọi là “Metier libre” nghề tự do.
Cũng không lạ gì, ở thời điểm này cụ Nguyễn Phan Chánh một tâm hồn nghệ sỹ, hết sức gần gũi với sắc thái dân tộc, rất Việt nam cũng lang thang từ Hà Nội về Nghệ Tĩnh để vẽ truyền thần tự túc… ( xem tiểu sử Nguyễn Phan Chánh, nhà xuất bản Văn hóa năm 1973 ) Cũng năm này xảy ra cuộc chiến tranh Pháp- Đức, thời cuộc lại càng khó khăn, ta thấy Tô Ngọc Vân, Hoàng Lập Ngôn thường minh hoạ trên tạp chí Đông Dương tuần báo thứ bẩy. Mỗi hoạ sỹ bằng khả năng cuả mình mà tự kiếm sống.
Nhà ở làng Đông Ngạc
Thầy đã làm gì tại Đông Ngạc, ta đã rõ trong thời gian tại trường mỹ thuật, môn sơn mài chỉ được đưa vào chương trình học một giờ trong tuần. Là người sẵn nếp cần cù, chăm chỉ, trong khi một số lớn họa sỹ say sưa với những chất liệu sơn dầu, bột mầu thì thầy cũng say sưa với chiếc bút lông mèo secné những contua tỉ mỉ với những mảng màu vàng son. Sự hình thành phong cách cho mỗi họa sỹ chắc hẳn cũng suất phát từ tình cảm và tâm hồn của mỗi con người. Nhất là trước khi chia tay các trò, thầy Tardieu đã khuyên thầy nên cố gắng phát triển nghệ thuật sơn mài của Việt Nam, đó cũng là lời tâm huyết mà sau này thầy mãi mãi hướng theo.
Một sự ưu ái lớn, vốn sẵn thiện cảm, yêu mến người học trò chăm chỉ và yêu thích nghề sơn mài. Ông Tardieu đã tìm đến Đông Ngạc để chuyển cho thầy một hợp đồng cuả hãng thuốc lá hồi bấy giờ. Năm mươi chiếc hộp đựng thuốc lá bằng sơn mài vẽ rồng phượng. Lúc này phải tổ chức làm sơn, phải vẽ, nhưng với số lượng nhiều, một mình sao có thể làm được. Một vài anh em thợ Bối Khê đã đến làm việc tại nhà thầy. Một xưởng sơn mài đầu tiên (theo nghiã hẹp ) tại Việt Nam bắt đầu ra đời.
Nếu như sau này lịch sử nghề sơn mài đưa vào nghệ thuật tạo hình cũng như nghệ thuật ứng dụng hiện đại. Nếu như lịch sử phán xét một cách nghiêm túc thì người đặt viên gạch đầu tiên cho lĩnh vực này không ai khác hơn là thầy Phạm Hậu.
Những bước đầu tiên không thể tránh được sự chập chững. Cho đến nay nhát cuốc khai hoang đầu tiên đã mở đường cho những sản phẩm nghệ thuật ứng dụng làm theo phong cách hiện đại, những pano, những paravent của thầy cũng liên tục suất xưởng. Đây là đầu mối để nhiều nghệ sỹ lớn sau này nghiên cứu, phát huy đưa vào nghệ thuật tạo hình Việt Nam một chất liệu mới, chất liệu sơn mài mà thế giới đã thừa nhận.
Cho đến các thế hệ sau này: Đỗ Huề, Xuân Doãn và cả chúng ta, lớp con cháu thầy cũng có những thành tựu và đóng góp nhất định vào nghệ thuật sơn mài Việt Nam.
Một đốm lửa, một đốm lửa xuất sứ từ Đông Ngạc, từ một sinh viên xuất thân trong cảnh mồ côi sớm. Anh đã có công làm bùng lên một tín hiệu, mà tín hiệu này là những sản phẩm văn hóa cao cấp… những sản phẩm nghệ thuật ứng dụng làm ấm áp biết bao tình cảm cho người Việt Nam, đã đóng góp mang lại sự no ấm cho nhiều gia đình hiện đang theo đuổi nghề này.
Trong quyển Souverains et notabilités  D’indochine ( E’ditions du Gouvernement G’eneral de l’Indochine  IDEO – 1943 ) do phủ toàn quyền Đông Dương ấn hành năm 1943. Đây là cuốn Who’ s who đầu tiên của việt Nam, trình bầy tiểu sử, sự nghiệp cuả các hoàng thân và chức sắc ở Đông Dương. Gồm vua Bảo Đại, Nam Phương hoàng hậu, hoàng thân Norodom Sihanouk, hoàng thân Suvanuvông, các nhân sĩ trí thức Nguyễn Khắc Cần, Hồ Đắc Di, Bùi bằng Đoàn, Hoàng xuân Hãn, Nguyễn Văn Thuyên, Trần trọng Kim, Ngụy Như Kontum, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Phan Kế Toại, Tô Ngọc Vân, Phạm Hậu… Phần tiểu sử về thầy sách có viết:  
Phạm Quang Hậu, sinh năm 1903, họa sỹ Đông Dương, có công trong việc thành lập một xưởng sơn mài, huy chương vàng năm 1935 tại Hà Nội, bằng ngoại hạng. Tác giả nhiều tác phẩm tranh sơn mài, bình phong và các thể loại sơn mài khác.
 xưởng vẽ sơn mài tại làng Đông Ngạc
Từ đấy xưởng sơn mài trưởng thành và lớn dần, các phường thợ Hạ Thái,  Bối Khê đều tìm đến xưởng cuả thầy tại Đông Ngạc. Cả thợ mộc, thợ xẻ đều dưới sự điều hành công việc cuả thầy. Hàng năm thường xuất xưởng hàng trăm tranh bình phong và các mặt hàng các cỡ. Công việc đang tiến hành bình thường thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ ngày 19-12-1946. Năm 1945 giặc đói hoành hành, thầy đã tổ chức phát chẩn, nấu cháo giúp đồng bào nghèo. Vẫn ở Đông Ngạc thầy tham gia phó chủ tịch uỷ ban kháng chiến điạ phương, tham gia vào các công tác xã hội, tổ chức ổn định và kí giấy cho đồng bào tản cư, tổ chức trang trí cho các ngày lễ lớn, các ngày mít tinh của địa phương, tổ chức và đỡ đầu đội hướng đạo, tu bổ các thắng cảnh các tượng chùa địa phương (chùa Bé) Thầy là người đầu tiên làm chân dung bác Hồ bằng ngũ cốc, và sau này chị Ngà con thầy có làm lại cũng bằng chất liệu ấy, được bác Hồ mời lên bắc bộ phủ khen ngợi. Giặc Pháp chiếm đóng ngoại vi Hà Nội thầy đã đi tản cư cùng gia đình lên Phú Thọ. Vì gia đình đông con, không có hoàn cảnh thoát li tham gia kháng chiến nên thầy đã đưa gia đình trở về Đông Ngạc.
Năm 1947, việc trở lại quê nhà biết bao gian khổ, có lúc đã đắm thuyền cả nhà ngã xuống sông suýt chết. Thầy bắt đầu củng cố lại công việc. Được giám đốc nhà thông tin Pháp khuyến khích thầy mở một triển lãm cá nhân tại nhà thông tin này. thầy bán được nhiều tranh và nhiều kí họa. thế rồi trở lại với tiếng tăm Phạm Hậu, đã bay khắp năm kỳ. Toàn quyền, thống sứ, tổng đốc, các loại quan trường đều tìm đến Đông Ngạc để mua tranh của thầy .
Những tầng lớp trên trong xã hội đều biết tiếng Phạm Hậu. Với nghệ thuật lúc bấy giờ và với thị hiếu giới thượng lưu người ta đều muốn có tranh hoặc bình phong kí tên Phạm Hậu trong gia đình.
Triển lãm Tranh sơn mài của họa sỹ Phạm hậu tại Thái Lan ( 10 / 1953 )

Sự thắng lợi rực rỡ này đã có tiếng vang sang Pháp, Băng cốc, Nhật Bản. Triển lãm Đông nam Á Thái Lan mời thầy tham dự triển lãm. Một sự cố kĩ thuật là toàn bộ số tranh được gửi sang bằng đường biển trong các hòm gỗ thông. Khi đến cảng thì được tin các hòm gỗ đựng tranh bị mối xông toàn bộ! thầy lo lắng. Trước mắt mọi người các hòm được mở ra, mối đã ăn hết phần bọc lót tranh, riêng tranh sơn mài hoàn toàn an toàn sau khi lau sơ lại lấp lánh trước sự thán phục của mọi người. Toàn bộ số tranh tham dự triển lãm được bán hết. Uy tín sơn mài Việt Nam càng được đề cao. Chính phủ Philippin, Inđônêsia mời thầy sang dạy học, chính quyền Rôme, tòa thánh cơ đốc do giáo hoàng…mời thầy sang trưng bày nghệ thuật đồ thờ bằng sơn mài Việt Nam. Nhưng lúc này vì thời thế, Tổng trưởng bộ quốc gia giáo dục Vương Quang Nhường của chính quyền Bảo Đại không giải quyết nên việc phải bỏ lại.
Được thưởng Long Bội Tinh
Thầy được thưởng Long Bội Tinh, sắc phong Hàn Lâm trước tác. Những sắc phong này được vinh dự Nam phương Hoàng Hậu gắn, nhưng sau đó chỉ được gửi đến. (vì lí do thời sự ).Cũng những năm này thầy được mời đi cùng Nguyễn Hữu Trí (thủ tướng Bắc Việt ) mang bức bình phong ở Bắc bộ phủ trên một chuyến máy bay riêng vào biệt điện ở hoàng cung Huế để biếu Bảo Đại.
Năm 1949, tại Hà Nội Thầy cùng một số anh em họa sỹ Trần Văn Du, Phạm Hậu, Trần Quang Trân thành lập trường Quốc gia Mỹ nghệ ( E’cole nationnale d’ art tisana ) ngày 12-8-1949, Được bộ quốc gia giáo dục duyệt y. Là trường mỹ thuật ứng dụng, trường đã đào tạo được nhiều anh em hoạ sỹ, nhiều kĩ thuật viên sơn mài sau này đã trở thành những tài năng.
Treo biển trường Quốc Gia Mỹ Nghệ 12/8/1949  có thầy Du hiệu trưởng và thầy Hậu
Lớp hình họa, Thầy Hậu với các nữ sinh

Hòa bình lập lại, Năm 1954 trường mỹ thuật công nghiệp do Bùi Tường Viên sau đến Nguyễn Cao Thương tiếp Quản. Trường Quốc gia mỹ nghệ chắc hẳn là bóng dáng “liền anh liền chị” của trường mỹ thuật công nghiệp sau này.
Thầy lại tiếp tục dạy học khoa sơn mài, năm 1958 cuộc đấu tranh tư tưởng trong giới văn học nghệ thuật, nhân văn giai phẩm, thầy cũng nghiêm túc trong phạm vi cuả mình. Năm 1965 thầy 62 tuổi, thầy xin về hưu trí và nghỉ công tác.
Nghệ nhân Đinh văn Thành cùng thầy Hậu trong giờ thực hành kĩ thuật sơn
Giờ đánh giá sản phẩm sơn mài của học sinh
Giờ lí thuyết về kĩ thuật sơn mài truyền thống 
Say sưa với tác phẩm sơn mài
Lớp học sinh đầu tiên của trường Quốc Gia Mỹ Nghệ

Thầy có tham gia các triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Lúc này tuổi đã già, sức đã yếu, trong 30 năm làm sơn mài và dạy khoa sơn mài, tiếng tăm lừng lẫy năm kì vượt ngoài biên giới. Tận tụy, yêu nghề, nói kết hợp với làm, lòng yêu nghề yêu ngành đã dẫn thầy đến tột đỉnh cuả sự vinh quang.
Tuy về hưu, thầy vẫn tham gia dạy học thêm. trường mỹ thuật quân chính, trường mỹ nghệ Hà Tây, dạy hình hoạ, trang trí 2 năm cho trường Kiến trúc. Có những khoá anh em mỹ nghệ ra trường chưa được giải quyết công tác, thầy đã đứng ra vay vốn ngân hàng thành lập hợp tác xã sơn mài cho anh em. Thầy một mực dản dị, khiêm tốn đúng mức, trước sau làm việc tận tâm, tận sức. Nhờ uy tín, đại sứ quán Triều Tiên đặt hàng thầy vẽ phong cảnh quê hương và chân dung chủ tịch Kim Nhật Thành.
Mỗi vật thể đều có hình thù riêng, mỗi con người đều được hình thành một bản chất. nếu không có nếp sống đạo đức, thanh bạch của gia đình từ trước, nếu không suất phát từ cái cầu nghèo khổ, lòng yêu trong sáng đất nước và con người, lòng yêu lao động nghệ thuật chân chính thì không thể có những sáng tạo không ngừng, cho cái đẹp cuả cuộc sống, của nghề nghiệp. Chính vì vậy mà Đông Ngạc đã sinh ra thầy Phạm Hậu tài đức vẹn toàn, trong môi trường xã hội lúc bấy giờ chăng đầy dẫy những cạm bẫy:
          Ma dẫn lối , qủy đưa đường
      Lại tìm mhững chốn đoạn trường mà đi  ( Kiều )
-       Cái nhân cái quả
-       Cái tiền kiếp, cái hậu kiếp
-    Cái hôm nay và mai sau
Sẽ được chứng minh hùng hồn qua một con người, đã đạt tới phú, qúy, thọ, khang, ninh mà dễ gì người đời được hưởng.
Đến nay tác phong thầy vẫn điềm đạm, hiền từ, tính tình đôn hậu. Đối với xã hội được mọi người tôn trọng, trong gia đình thầy vẫn là tấm gương chuẩn mực để các con noi theo. Một tấm gương trong sáng về nghiệp vụ, xã hội và gia đình.
Thầy sinh được 8 người con: 5 trai 3 gái đều tốt nghiệp đại học, tuy ngành nghề khác nhau nhưng tất cả đều được hưởng cái di truyền nghệ thuật mà thầy để lại.
Ôn lại cuộc đời cuả thầy nhân dịp đầu xuân Giáp Tý, những học trò của thầy dù ở xa gần đã hẹn hò hàng năm vào ngày mùng 3 tết âm lịch tập hợp tại nhà thầy dể chúc thọ thầy và chúc sức khoẻ, hạnh phúc gia đình thầy. Đây cũng là một dịp đồng môn được gặp mặt nhau dưới sự ân cần dạy bảo cuả thầy. Học tập cuộc đời trong sáng của người thầy mẫu mực, suốt đời cống hiến cho lao  động nghệ thuật và sáng tạo, suốt đời vì học trò mà không tiếc sức mình dạy bảo.
                                                                Hà Nội ngày 5 – 1 – 1984
                                                            ( tức ngày 4 – 12 năm Qúi Hợi )
                                                                   Nguyễn – Bắc – Giang
                                                                          ( Huy – Bắc )
·      Học sinh khoa sơn mài
Trường Mỹ nghệ Việt Nam khoá 1951 – 1954 .


Chú thích :
Căn cứ nguyên bản thảo của bạn Bắc Giang biên soạn. Trong khi sao chép lại tiểu sử thầy Phạm Hậu, tôi có mạn phép tham gia thêm bớt vài ý, vài chữ cho rõ hơn và tôi coi đây là công trình tập thể của học sinh thân yêu của thầy do bạn Bắc Giang chủ bút.
Xin ý kiến thầy tu chỉnh lại những chữ, những ý chưa đạt và nhất là những niên độ cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử. Mong tất cả các bạn tham gia góp ý để bản thảo về tiểu sử cuả thầy được hoàn chỉnh trước khi in và lưu hành nội bộ trong gia đình thầy và trong học sinh chúng ta.
                                                 Sao chép xong ngày 31 – 8 – 1985
                                                  ( tức ngày 16 – 7 năm Ất Sửu )
        Nguyễn Hữu Nghiã 


     MỘT SỐ TÁC PHẨM SƠN MÀI CUẢ HỌA SỸ PHẠM HẬU TRƯỚC NĂM 1958  






















Tác phẩm: Sen mùa Hạ trưng bày trong bảo tàng mỹ thuật

Artist Pham Hau
Title Alentours du fleuve rouge, Tonkin (in 6 parts)
Medium lacquer on wood
Size 48.8 x 78 in. / 124 x 198 cm.
Year 1937 - 1939
Misc. Signed, Stamped
Sale Of Sotheby's Hong Kong: Tuesday, April 8, 2008
[Lot 734]
An Important Collection of Vietnamese Paintings Featuring The Philip Ng Collection
Estimate *
Sold For *









Artist Pham Hau
Title L'Aube dans la forêt de la Moyenne Région, Tonkin (Dawn in the forest of the moyenne Region)
Medium lacquer on panel
Size 31.5 x 94.5 in. / 80 x 240 cm.
Year 1939 -
Description signed in Chinese with a seal of the artist lower right
lacquer on panel
Executed circa 1939
Misc. Signed, Stamped
Sale Of Sotheby's Hong Kong: Monday, October 6, 2008
[Lot 940]
Modern and Contemporary Southeast Asian Paintings
Estimate *
Sold For *





















Artist Pham Hau
Title Paysage (Landscape) (in 6 parts)
Medium lacquer on panel
Size 41.3 x 12.8 in. / 105 x 32.5 cm.
Description SIGNED IN CHINESE, SIGNED AGAIN WITH A SEAL OF THE ARTIST LOWER RIGHT OF THE LAST PANEL
LACQUER ON PANEL, IN 6 PARTS
Quantity: 6
Misc. Signed, Stamped
Sale Of Sotheby's Hong Kong: Monday, April 5, 2010
[Lot 88]
Modern and Contemporary Southeast Asian Paintings
Estimate *
Sold For *


( Ba bức tranh trên đã được bán trong cuộc đấu giá tranh nghệ thuật quốc tế tổ chức ở Hong Kong những năm 2008 và 2010 )


LỜI CHÚC TẾT CỦA THẦY TỚI CÁC TRÒ NHÂN DỊP NĂM MỚI

Hàng năm, cứ đến ngày mùng 3 tết, gia đình thày Phạm Hậu lại chuẩn bị đón học trò của thầy từ khắp nơi đến thăm và chúc thọ thầy, đồng thời để được nghe những lời chúc cuả thầy nhân dịp năm mới. Hôm đó cũng là ngày đặc biệt cuả gia đình bàn ghế được chuẩn bị nhiều hơn, mỗi người trong nhà được phân công từng việc cụ thể, riêng Cô cũng chuẩn bị hai món mứt mà năm nào học trò cuả thầy cũng khen ngon đó là mứt lạc và mứt dừa.
    Gia đình còn lưu lại những lời chúc cuả thầy tới trò và cuả trò đến thầy, xin được ghi lại dưới đây :

 LỜI CHÚC TẾT NĂM GIÁP TÝ. ( 1984 thầy 81 tuổi )

Hôm nay thầy thật là súc động và sung sướng khi thấy các trò đến chúc tết thầy.
Đầy đủ các gương mặt năm xưa, thầy không biết nói gì hơn, chỉ cảm thấy mình là con người hạnh phúc nhất. Năm ngoái các trò đã chúc tết thầy, năm nay thầy đã thêm một tuổi nữa là 81 tuổi. Nhìn lại các trò thầy thấy nhớ lại những năm dạy học ở nhà trường Mỹ nghệ, những kỉ niệm năm xưa hiện ra trên mắt thầy những người bạn đồng nghiệp, những học trò của mình, thật là sung sướng.
Tuy đã gần trời xa đất, nhưng thầy muốn sống thêm ít năm nữa để nhìn thấy sự trưởng thành của các trò.
Hôm trước các con thầy có tổ chức ngày “ Thượng thượng thọ “ của thầy. Các con thầy cũng làm một bài thơ, mà thầy cũng rất cảm động nhân dịp buổi họp mặt hôm nay thầy đọc để các trò nghe : ….
Vậy nhân dịp năm mới, thầy chúc các trò và gia đình các trò, các cụ ông cụ bà, các ông các bác của các trò một năm sức khoẻ tốt, hạnh phúc trong cuộc sống và các trò trở thành những người thầy đào tạo những thế hệ trẻ sau này ngày một tiến bộ và nhiều sáng tác mới.


LỜI CHÚC TẾT NĂM ẤT SỬU. ( 1985 thầy 82 tuổi )

Lại một năm trôi qua, năm mới đã tới, thầy và trò chúng ta lại gặp nhau vào ngày đầu xuân. Thầy năm nay đã 82 tuổi cái tuổi mà nhiều người thấy rằng mình có quyền nghỉ ngơi về trí óc lẫn chân tay. Nhưng thầy nghỉ thế nào được, mỗi lần các trò đến thăm thầy lại tăng thêm cho thầy sự phấn trấn về tinh thần và nghề nghiệp. Thấy mình cần phải làm việc và làm việc nhiều hơn nữa để đáp lại lòng yêu mến cuả các trò.
Hàng ngày thầy vẫn làm việc đều đặn như mọi người khác, thầy dùng bút điện vẽ lên gỗ và dùng bút trạm khắc lên đá những phong cảnh và những tích cổ xưa ngoài ra thầy còn tham gia vào hội hoa xuân thi cây cảnh hàng năm. Năm ngoái thầy cũng đem cây đi dự thi và được tặng thưởng huy chương vàng và bạc cùng giấy khen.
Nhân dịp đầu năm Ất Sửu thầy có vài lời tâm sự với các trò đồng thời thầy rất cảm động và xin cám ơn các trò đã có lòng nghĩ tới thầy. Thầy cảm thấy mình là con người hạnh  phúc nhất.
Cuối cùng thầy xin chúc tất cả các trò một năm mới hạnh phúc, một năm sức khoẻ tốt, và chúc các trò đạt được như ý trong công việc và có nhiều sáng tạo trong nghệ thuật.


LỜI CHÚC TẾT NĂM BÍNH DẦN. ( 1986 thầy 83 tuổi )

Tiếng pháo nổ báo hiệu một năm mới đã tới, những cái cũ đã qua đi và con người ta lại chuẩn bị bước vào những công việc mới.
Năm nay thầy trò ta lại gặp mặt nhau, trẻ già đều thêm một tuổi và người già lại càng già hơn. Thầy năm nay đã 83 tuổi rồi, sức lực của con người ta chỉ có hạn  thầy chưa biết đến khi nào mình phải ngừng tay nhắm mắt tạm biệt với nghệ thuật và chia tay với các trò. Còn được gặp các trò như hôm nay, còn được làm nghệ thuật, thầy còn thấy sung sướng và hạnh phúc biết bao.
Các trò thân mến, trong năm qua mặc dù tuổi cao sức đã yếu thầy vẫn làm việc liên tục một phần vì kinh tế một phần vì nghệ thuật. Thầy không thể nào xa rời nghệ thuật, một ngày không làm việc là thầy cảm thấy rất buồn và vô vị.
Thầy rất tự hào về đôi bàn tay của mình, đôi bàn tay đã làm nên bao tác phẩm, đôi bàn tay đã cống hiến cho nghệ thuật, đôi bàn tay đã đem lại bao vinh quang  bao kỉ niệm đáng nhớ và đôi bàn tay này đã dìu dắt bao thế hệ trẻ đi vào con đường nghệ thuật.
Thầy chỉ nghĩ rằng, khi mình nhắm mắt suôi tay, từ giã cõi đời này thì mình còn để lại một chút tác phẩm, một chút cống hiến nhỏ bé cho người đời. Thầy mong rằng các trò hãy nghĩ: Thầy luôn luôn cống hiến cho nghệ thuật, luôn luôn yêu nghệ thuật và mãi mãi vì nghệ thuật.
Nhân dịp đầu năm mới, thầy có vài dòng trên tâm sự với trò. Sự đến thăm chúc thọ thầy hôm nay, thầy rất súc động sung sướng vì mình đã làm tròn bổn phận của một người thầy và là một người họa sỹ chân chính.
Vậy nhân dịp đầu năm mới, thầy chúc các trò và gia đình các trò, các cụ ông cụ bà các ông các bác của các trò một năm sức khoẻ tốt và hạnh phúc trong cuộc sống.
Sau đây mời các trò xem những tác phẩm của thầy và thầy trò ta cùng tâm sự thêm.


LỜI CHÚC TẾT NĂM ĐINH MÃO ( 1987 thầy 84 tuổi )

Tiếng pháo nổ báo hiệu một muà xuân tới, tiếng pháo nổ cũng làm cho lòng thầy rộn ràng biết bao, lại được gặp mặt các trò năm xưa, nhưng đồng thời thầy cũng già đi. Năm nay thầy đã 84 tuổi, sức khoẻ cuả con người cũng có hạn, đôi lúc thầy đã cảm thấy mệt mỏi sau một công việc hàng ngày. Các con thầy cũng thường khuyên thầy nên nghỉ ngơi để dưỡng sức tuổi già, nhưng thầy vẫn thấy có thú vui trong công việc. Thầy vẫn tiếp tục vẽ tranh và chơi cây cảnh bình thường.
Các trò thân mến, còn được năm nào ta gặp nhau, còn được trò truyện trao đổi với các trò là thầy còn được niềm vui trong cuộc sống và công việc.
Trong năm Qúy Mão này, thầy có đôi lời tâm sự như vậy. Thầy chúc các trò và gia đình các trò được mạnh khoẻ công tác ngày một tốt hơn.


LỜI CHÚC TẾT NĂM MẬU THÌN  ( 1988 thầy 85 tuổi )

Người xưa có câu:” Thất thập cổ lai hy “ có nghiã là 70 tuổi đã là thọ mà năm nay thầy đã 85 tuổi rồi.
Thầy trò còn được gặp mặt nhau thật sung sướng và hạnh phúc vô cùng.
Năm qua sức khoẻ của thầy có giảm sút nhiều, đôi mắt và bàn tay không còn tinh tường như xưa và sự kết hợp với nhau không còn chặt chẽ nữa, đó cũng là điều tất nhiên cuả tạo hoá đối với người già. Nhưng cuộc đời cuả thầy đã gắn chặt với nghệ thuật nên thầy nghĩ dù còn sống được năm nào mình vẫn phải lao động và phục vụ cho nghệ thuật.
Thầy chỉ tiếc một điều là do tuổi già và hoàn cảnh kinh tế cuả xã hội mà thầy không tiếp tục được nghề sơn mài vậy thầy có mấy lời khuyên các trò phải cố gắng làm cho nghề sơn mài cuả Việt Nam có tiếng trên thế giới.
Nay thầy cũng đã già rồi nên sự tiếp súc với xã hội cũng bị hạn chế do đó các trò hãy kể chuyện cho thầy nghe về sự nghiệp và công tác cuả mình trong năm qua. Cuối cùng nhân dịp đầu năm mới thầy xin cảm tạ sự đến thăm cuả các trò, và chúc các trò một năm mới có sức khoẻ tốt, và sáng tác tốt, có nhiều cái mới trong tác phẩm, đồng thời cho thầy chúc mừng năm mới tới các cụ ông cụ bà cùng gia quyến của các trò một năm mới đầy hạnh phúc.




LỄ MỪNG THẦY


              PHAM HAU
                                                                                 Xuân Qúy Hợi 1983

Năm nay thày đã tám mươi
Chúng con họp mặt chúc người sống lâu
Mái trường Mỹ nghệ còn đâu ?
Ơn thày nghiã nặng tình sâu vun trồng .
Thầy kể lại những năm thơ ấu
Hai tuổi đời đã mất mẹ , cha !
Mái chùa , pho tượng , gốc đa …
Mảng vàng ai thếp ấm nhà sơn son ,
Hồn dân tộc , sắc nước non ,
Hương thầm ngào ngạt lòng con tình thầy .
Đây vòng nguyệt quế trao tay
Dấu son còn đó sắc ngày vua ban …
Mứt ngon trò qúi thầy trao ,
Rượu nồng con chúc càng cao tuổi thầy .
 
Sang năm xin hẹn ngày này ,
Lại về chúc thọ mừng thầy , mừng xuân .
Pháo dòn lại nổ trước sân …
 
Chúng con như một đàn chim nhỏ
Bốn phương trời tụ hội về đây .
Mẹ hiền dang rộng vòng tay
Ôm con lòng những nặng đầy tình thương !
Sắc đào lại thắm bên tường
Vườn xuân lại rộn mùi hương năm nào …


Các bạn có mặt kí tên :

Bùi Xuân Vượng                  Trần Đệ                             Phan Huy Cách
Ngô Quang Tự                     Ngọc Châu                        Trang Công Kính
Tống Thi Hảo                       Nguyễn Đình Vinh             Nguyễn Văn Khiêu
Nguyễn Bảo Ngọc                Đỗ Xuân Doãn                  Nguyễn Như Long
Lê Bách                                Nguyễn Thái                     Nguyễn Khắc Ngạn
Nguyễn Hữu Nghiã              Lưu Ly                               Trịnh Căn
Nguyễn Thiên Kim               Thành Trung                     Nguyễn Quang
Phạm Văn Phúc                   Lưu Văn Doanh                Lưu Nghiệp Hà
Trương Ngọc Sơn                Duy Thuần                       Nguyễn Văn Huấn
Nguyễn Huy Bắc                  Đinh Gia Thành                Nguyễn Vinh Thăng
Hoàng Ngọc Pha                  Đỗ mạnh hào                   Chử Ngọc Tháp
Đỗ Thiện An                         Nguyễn Hương                Hoàng Nghĩa Kính
Nguyễn Ánh Tuyết               Bùi Anh Tuấn                   Trần Thị Quế
Vũ Văn Trú                           Vương Kim Oanh            Phan Thị Hồng
Vũ Thu Lan                          Nguyễn Văn Chương       Nguyễn Phi Hùng
Nguyễn Văn Viễn                 Nguyễn Thị Chi                Nguyễn Thành Trung
Nguyễn Huống




ÔNG SOẠN BÀI NÓI VỚI CÁC CON NHÂN DỊP BÀ 70 TUỔI .

Ngày 27 - 3 – 1977
Các con và các cháu yêu qúi .
Hôm nay bố mẹ tổ chức ngày Thượng thọ của mẹ ( tròn 70 tuổi )
Trước hết bố mẹ chúc các con và các cháu luôn luôn mạnh khoẻ công tác tiến bộ, các cháu học giỏi. Hôm nay được xum họp đông đủ cả đại gia đình các con và các cháu, bố mẹ rất lấy làm cảm động và vui mừng lắm lắm ……
Nhân ngày lễ thượng thọ cuả mẹ 70 tuổi, bố xin kể một ít tiểu sử cuả mẹ để các con và nhất là các cháu của ông được biết, chắc các cháu cũng muốn nghe lắm phải không nào ……
Tiểu sử của bà ngày xưa như thế nào, cho đến ngày nay bà được như thế này, được các con tổ chức ngày thượng thọ cho bà, bà rất sung sướng và biết lòng các con hiếu thảo với mẹ. Không còn gì qúy hơn với mẹ như ngày hôm nay ……
Các con và các cháu yêu qúy của bà.
70 năm về trước, ngày bà đi lấy chồng bà 19 tuổi, còn ông 23 tuổi. Ông bà lấy nhau không cần có thời gian tìm hiểu như bây biờ. Bà là cô gái bán vải ở chợ Đồng Xuân, gọi là cô Chuyên. Bà sinh ra trong một gia đình giầu lắm cơ, còn hai cụ thân sinh của bà, gả bà cho ông cũng chỉ là thấy ngày xưa bà đẻ ra ông hiền lành phúc hậu thực thà nhà cũng nghèo. Hai cụ qúi cái phúc đức ấy mà gả bà cho ông. Cụ đẻ ra ông chết đã lâu từ năm ông mới 10 tuổi .
Bắt đầu ông sửa lễ sêu, chạm mặt, ăn hỏi rồi cưới bà về. Hôm cưới bà, ông thấy cô dâu ăn mặc sang lắm, cổ bà đeo hạt vàng, bà cuốn đến 6,7 vòng, hai cổ tay bà đeo mỗi bên 3 đôi xuyến vàng đỏ ối, bà mặc áo gấm ngoài phủ sa tanh chân đi giầy cườm, ông trông thấy bà lộng lẫy và lạ quá.
Trái lại ông thì cái áo the thâm, đầu đội khăn xếp, mặc quần chúc bâu, đi đôi giầy chí long mới.
Của hồi môn, bà đem về nhà ông một hòm da phủ nhiễu điều, một người nhà đi hầu bưng tráp trầu sơn son thếp vàng phủ khăn nhiễu đỏ. Còn đồ cuả ông thì ông đựng quần áo vào một cái thúng,  gia tài cuả ông chỉ có thế.  

Đấy ông tả cái cảnh ngày xưa đám cưới của ông bà cho các cháu nghe để các cháu biết.
Bây giờ ông kể tiếp cho các con và các cháu nghe phần xây dựng cuộc đời của ông bà như thế nào.
Lúc bấy giờ gia đình ông còn anh trai và chị dâu cùng 2 cháu trai (anhThúy và anh Nghiã ). Bà về nhà ông được năm trước thì năm sau chị dâu ông lâm bệnh chết, rồi đến bác cả là anh ông chết để lại cho ông bà 2 đứa con để nuôi (anh Thúy , anh Nghĩa ). Sau ông bà bàn nhau cho ông đi học, ông quyết tâm đi học và thi đỗ vào trường cao đẳng mỹ thuật Đông Dương. Trong 5,6 năm học ông phải xa bà vào lưu trú trong trường, hoàn cảnh lúc bấy giờ thật khó cho bà. bà lủi thủi ở nhà một mình, ngày ngày đi chợ bán vải, trông nom nhà cửa, nuôi 2 cháu với 1 u già  như thế trong 5,6 năm trời. Lúc bấy giờ bà thì làm ăn vất vả, gánh vác gia đình nhà chồng nghèo như thế làm sao đủ ăn được? Đồ đạc trong nhà dần dà bán hết cái này cái khác để lấy tiền nuôi chồng ăn học và nuôi 2 cháu còn bé cho được thành người thật biết bao công sức.
Cho đến khi ông tốt nghiệp ở trường mỹ thuật ra lúc bấy giờ cuộc sống mới bắt đầu khá lên.
Bà vẫn đi chợ bán vải tần tảo nuôi các con, dậy bảo các con, trông nom các con quán xuyến công việc gia đình. Còn ông thì say sưa với nghệ thuật. Cứ như vậy ông bà đã xây dựng được cái gia đình khá dần lên, mạnh dần lên cho đến ngày nay.
Bà sinh hạ 12 lần gồm 6 trai 6 gái tức là bố mẹ các cháu bây giờ, sau chết mất 1 trai 3 gái còn lại 5 trai 3 gái.
Nhờ trời ông bà làm ăn khấm khá dần lên, ông bà làm được ngôi nhà lớn ở Đông Ngạc, cho đến năm 1948 ông bà mới ra Hà Nội ở. Khi chính phủ về, gia đình ông bà đã khá rồi, ông bà tậu được ngôi biệt thự ở 17 Trần Quốc Toản. (một phần bài bị thất lạc )
Nay ông nghĩ rằng :
Các con phải đoàn kết đó là tốt nhất, hạnh phúc nhất. gia đình có thuận hoà thì tai nạn chẳng dám mon men. Nếu mà tính nóng nảy chỉ gây khó thêm, nếu bình tĩnh mọi việc sẽ êm hơn nhiều.
Lời cuối cùng của bố mẹ chỉ ước ao và thay lời di chúc :
Khi bố mẹ chết đi, các con và các cháu đoàn kết qúi mến nhau, cùng một dòng máu mủ, vợ chồng bảo nhau để xây dựng gia đình hạnh phúc. Anh nóng thì em lui, chín bỏ làm mười, tức là nhường nhịn nhau dù là việc nhỏ hay việc lớn cũng vậy. Lòng mong muốn, ao ước của bố mẹ cuối cùng là như vậy, sau này bố mẹ có chết đi cũng được an ủi mà ngậm cười nơi chín suối.


CON CHÁU CHÚC THỌ BỐ NHÂN DỊP 80 TUỔI

Các con. Cháu  - chắt chúc thọ “ Bát tuần đại khánh “ cụ
(thơ liên hoàn )

Mừng cụ năm nay tuổi tám mươi .
Con cháu đầy đàn thực vui tươi !
Tuổi cao trời, phật cho còn khoẻ .
Như cụ xưa nay được mấy người?
Như cụ xưa nay được mấy người !
Chân cứng đạp xe khắp mọi nơi .
Đá mềm, cây thế sao khéo chọn !
Bầy trước hiên nhà ngắm cảnh chơi .
Bầy trước hiên nhà ngắm cảnh chơi .
Khéo tay tinh mắt thực hơn đời.
Hoạ, khắc hai nghề đều tuyệt hảo!
Danh tiếng vang lừng biết mấy mươi ?
Danh tiếng vang lừng biết mấy mươi ?
Cháu, con được cụ dạy nên người.
Cầu mong cụ thọ linh trăm tuổi.
Mạnh khoẻ, tinh anh hưởng lộc trời .
Mùa Đông năm Qúy Hợi
1983

Lời chúc của các con nhân dịp bố 80 tuổi ( 1903 _ 1983 )

Cha nhân hậu
Mẹ chuyên cần
Bến Vẽ dòng sông nặng phù sa
Nam ngũ tử
Nữ tam nương
Nguyện làm con sóng đền bù mẹ cha .
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con .




Các bạn Hưng Đạo

Trung tâm gặp gỡ của các Thầy Cô và các cựu học sinh trung học Hưng Đạo




TRANH SƠN MÀI VIỆT NAM
Trần Hưng

Dấu vết dùng sơn tại Việt Nam
Tại Việt Nam cũng có nhiều tài liệu tương tự. Trong hai cuộc khai quật về những di chỉ trong vùng đồi núi Việt Khê (di tích cáchđây từ 2400 đến 2600 năm), tại Thủy Nguyên (Hải Phòng) cũng trong niên đại tương tự, các nhà khảo cổ trong và ngoài nước đã tìm thấy được nhiều mãnh da thuộc, được trang trí bằng sơn nhựa, có nhiều màu sắc, khá sinh động và được bảo lưu lâu đời.

Những công trình nghiên cứu khoa học về chất liệu tại hai vùng di chỉ nầy đãchứng tỏ rằng: Việc biết dùng những loại sơn nhựa chế biến tại nước ta thuộc về loại sớm nhất; tuy nhiên, về sau thì bị thất truyền. Mãi cho đến đời Hậu Lê, thì mới lại được phục hồi. Chẳng hạn trong thời Lê Sơ (thế kỷ XV) việc dùng sơn nhựa đã được phổ biến trở lại trên đất nước chúng ta. Thoạt tiên, nghề làm sơn phát triển tại vùng Phú Thọ và những khu vực lân cận đó.
Nơi đây, hiện nay còn miếu thờ "ông tổ nghề sơn của nước ta" là Trần Lư, mà dânchúng hiện nay vẫn thường gọi là "Trần Tướng Công". Ông sống vào thời Hậu Lê, thi đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (tức năm 1502). Ông đã từng đi sứ sang Trung Hoa; cùng với nhiệm vụ ngoại giao, ông đi thăm nhiều miền và tìm hiểu nghiên cứu những nghề thủ công, để khi trở về truyền lại cho dân chúng trong vùng quê hương của mình.
Sau Phú Thọ, thì đến làng Đình Bảng (Hà Bắc) và Đa Phúc (Hà Nội). Làng Đình Bảng thì nổi tiếng về loại sơn then (tức là sơn đen) trong khi đó thì Đa Phúc lại nổi tiếng về loại sơn màu huyết dụ. Những địa điểm vùng ngoại ô Hà Nội cũng nổi tiếng về loại sơn mài. Tuy nhiên trong giai đoạn sơ khởi, chưa tạo được một hợp chất bền vững được. Tại một số làng ven bờ sông Hồng, như Bình Vọng, Đông Phù đã tìm cách phát triển nghề sơn mài để làm những tiểu phẩm trang trí và thờ phượng.
Phong dao huyện Thường Tín có câu: "Ai về Hạ Thái, Đông Phù, "Ghé vào Bình Vọng, để cho em về. "Xa xôi đường sá chẳng nề, "Yêu anh tài sắc vì nghề thợ sơn."
Hai trung tâm tiêu thụ những sản phẩm về sơn mài là chợ Om và chợ Nhót, cũng gần nơi sản xuất và được chuyển đến những vùng khác. Những câu phong dao đề cập đến: "Ai về chợ Nhót mua tranh "Mua hàng quả hộp, mua hoành sơn son. "Mua con người lịch đẹp tròn "Hoa tay thảo nét trúc vờn điểu bay." Như vậy thì nội dung của những bức sơn mài khá đa dạng và được dân chúng ưa thích.
Trước kia, những tay thợ sơn trong những vùng trên chỉ dùng những màu đen, màu đỏ, màu nâu cánh gián, cộng với màu vàng của chất vàng và màu bạc của chất bạc. Muốn cho màu đen được bóng loáng, đẹp đẽ thêm, người ta dùng than củi mài cho nhẵn nhụi lớp sơn đã tô trước khi tô lớp mới. Những lần tô và mài như thế được lập lại nhiều lần liên tiếp cho đến khi nào mặt sơn đã trở nên bóng loáng, bằng phẳng thì mới thôi.
Theo những kinh nghiệm truyền thống thì chỉ mài sơn màu then (đen) là thích hợp nhất, còn những màu khác thì không thể thực hiện được dễ dàng. Đây cũng là trở ngại trong việc làm sơn mài từ bao nhiêu năm qua.
Giai đoạn hoàng kim tranh sơn mài Việt Nam
Trong giai đoạn đầu tiên thử nghiệm sơn mài của những sinh viên trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (thành lập năm 1925), dưới quyền điều khiển của hai vị danh họa người Pháp là hiệu trưởng Victor Tardieu (1870 - 1937) và giáo sư Joseph Inguimberty (1898 - 1971), ngành sơn mài được đề ra và có những khám phá bắt đầu từ 1931-1932.
Trong cuốn Mỹ Thuật Hiện Đại Việt Nam (1996) tác giả Quang Phòng có kể lại: Trong những ngày đầu sang Việt Nam để tham gia giảng dạy tại trường Cao đẳng Mỹ Thuật Hà Nội, ông Inguimberty, nhân một hôm được sinh viên Nam Sơn hướng dẫn đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám nghiên cứu đề tài, vị giáo sư hội hoạ người Pháp nầy đã bàng hoàng trước các lớp sơn cũ kỹ trên hương án câu đối, cột kèo ở nhà Đại Bái, - đã trải qua thời gian mấy trăm năm - đã biến thành các "gam" đẹp lạ lùng. Ông đâm ra mê mẩn "sơn Việt Nam" và muốn thử áp dụng thử nó trong hội hoạ. (trang 19) Tuy nhiên trong thực hiện đã không dễ dàng.
Theo những nghiên cứucủa trường Cao đẩng Mỹ Thuật Hà Nội (1931) muốn cho khô những lớp sơn nầy thì cần nhất là phải ủ cho ấm. Ông Inguimberty gọi đó là "thứ sơn quỷ quái" trái ngược, nhưng rất hứng thú. Khi trời lạnh bắt hanh xuống thì không bao giờ khô được nữa và bức tranh sẽ hư hỏng ngay từ phút đầu.
Nếu trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương là nơi đào tạo những họa sĩ đủ trường phái, khuynh hướng trong đó cả sơn mài thì giáo sư Joseph Inguimberty là người có công lớn trong việc hướng dẫn vàchỉ đạo cách thực hiện những tác phẩm sơn mài trong thời đại hoàng kim đó. Giáo sư đã nghiên cứu sâu sắc về chất "sơn Việt Nam" (lacque d'Annam) và sành sỏi không thua gì bác Phó Thành (tức nghệ nhân ngành sơn mài Đinh Văn Thành -1898 - 1977), người mà ông gần gủi suốt 20 năm trời dạy học tại Hà Nội.
Nguyên là giảngsư chính của môn sơn dầu, nhưng ông lại chểnh mảng trong nhiệm vụnầy, mà lại say sưa triền miên theo dõi những sáng tác sơn mài của những sinh viên; ông thường hướng dẫn, chỉ đạo cho họ những cách thức thực hiện sơn mài có hiệu quả cao nhất và bền vững nhất. Những cảnh người gồng gánh qua đình làng, qua quán, qua cầu, ra đồng ruộng... nhất nhất những sáng tác phẩm của sinh viên đều được hướng dẫn chi ly; thậm chí, khi xem tranh sơn mài của sinh viên trong những năm còn tại trường, thì người xem tranh có thể hiểu được là ảnh hưởng của Inguimberty và của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương.
Tuy nhiên, ông chỉ hướng dẫn về kỹ thuật, còn tinh thần sáng tạo luôn luôn được khuyến khích. Trong thời gian Inguimberty dọn nhà về ở Kim Liên, trong một khu vườn um tùm dường như kín mít, cốt để tránh những cặp mắt nhìn ngó từ bên ngoài, nhất là trường hợp của những người mẫu khoả thân. Cũng trong căn phòng vẽ nầy, những họa sĩ tài danh từ Tây Phương sang Việt Nam như Legeult, Brianchon, Oudot... thường tham giasáng tác tại đây.
Nhưng có điều rất lạ là Inguimberty không bao giờ có ý định thể hiện một bức tranh sơn mài nào cả; khác với bà giáo sư Aymé, giảng về môn sơn mài ở trường. Bà ta giỏi về lý thuyết thật; nhưng theo Inguimberty, thì khi bà vẽ tranh sơn mài "không thể nào nhìn cho được" (!). Bà nầy thể hiện tranh sơn mài trông giống như tranh của Gauguin, nhưng trông rất ngô nghê.
Theo Inguimberty, thì: Tranh sơn mài chỉ giành cho hoạ sĩ Việt Nam mà thôi; người ngoại quốc không thực hiện nổi bất cứ một hình tượng nào. Những chuyên viên nầy cho biết: "Khi vẽ thì phải vẽ cái trên xuống dưới, cái dưới đè lên trên rồimài ra, thì mới thấy mặt tranh. Nét vẽ phải đi từng tí, vì nó nhiều chất dính, đồng thời nghệ nhân cũng phải bảo đảm độ đậm đặc của sơn cho đều và cao. Nếu không đạt được hai điểm nầy, thì những hình vẽ sẽ mất đi hết trong khi mài".
Theo họ, khi sáng tác một bức sơn mài, phải thận trọng đi từng khâu một, làm giai đoạn nầy, thì phải ủ kín lại cho khô, rồi mới có thể sang giai đoạn khác kế tiếp. Chỉ cần một khâu thực hiện không cẩn thận, đầy đủ thời gian, thì bức tranh sẽ hỏng và khó bảo đảm được lâu dài được. (Theo Quang Phòng- Vietnamese Contemporary Art- Text on painting).
Ngoài ra, còn trăm nghìm điều kiện khác cần phải tuân thủ hết sức nghiêm nhặt, mà chỉ có những người "thợ chính tông" cha truyền con nối, mới có thể thực hiện được, theo những nghệ nhân sơn mài cổ điển. Những màu sắc phổ biến nhất trong tranh sơn mài gồm có: màu cánh gián (then, son, vàng, bạc) thêm xà cừ, vỏ trứng để khảm, để gắn. Còn các chất liệu khác nếu pha chế thêm vào thì không bao giờ đạt được kết quả và sức bền cũng rất mong manh. Nếu nghệ nhân sơn mài vượt qua trót lọt được những ngõ ngách phức tạp, quanh co, lại còn nhiều bí mật, mánh khoé, thì khó lòng đạt được một bức tranh sơn mài đầy đủ những yếu tố: màu sắc chan hoà, chất liệu bền bỉ, ánh sáng thích nghi, toàn cảnh lộng lẫy huy hoàng, mà những giá trị nầy, chưa một loại tranh nào bì kịp về các yếu tính đó. Những hoạ sĩ thời đó chú trọng và thực hiện tranh sơn mài phải kể:
Trần Quang Trân: Họa sĩ đầu tiên của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội thực hiện sơn mài là Trần Quang Trân với bức tranh sơn mài "Bờ Ao" được báo chítừ trước đến nay không hết lời ca ngợi và được xem là giá trị tiền phong của ngành nầy. Họa sĩ Nguyễn Quang Trân bắt đầu mài những màu sơn đỏ và màu bạc trong bức tranh nổi tiếng của ông ta như đã nói; sau đó là bức sơn mài khác, nhan đề là "Cành tre và bóng nước" và thành công bất ngờ. Nhiều họa sĩ đã nghiên cứu đường hướng nầy và công nhận cách sơn mài của ông Trân rất xuất sắc. Sau đó có những cố gắng cải tiến sơn mài đã được trường Mỹ thuật Đông Dương lưu tâm đến.
Tại trường nầy trong những năm 1930 - 1931, họa sĩ Mai Trung Thứ đã quan tâm sâu sắc trong vấn đề nầy. Ông từng vẽ những phong cảnh bằng loại sơn nhựa nhiều màu nổi tiếng từ nhiều năm trước, nhưng lại không dùng cách mài nhẵn. Trong quá khứ thìngười Trung Hoa và người Nhật đã từng thực hiện. Ông ta đã thử nghiệm bước đầu bằng cách mài, nhưng cũng có những bước tiến trong việc dùng đến màu đen mà thôi.

Sau ông Mai Trung Thứ đến lượt các họa sĩ khác như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Ánh và Nguyễn Khang cũng tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Họ đã thử nghiệm bằng cách rắc vỏ trứng và rắc bột vàng, bột bạc lên trên mặt sơn, với chủ đích là tạo cho màu sắc trong những hình trang trí thêm phong phúvà linh động hơn là màu thuần chất. Cuộc triển lãm loại tranh nầy vào năm 1934 đã khiến cho nhiều giới thưởng ngoạn lưu tâm đến.
Trong những hoạ sĩ sơn mài trong thời gian trước 1945, ngoài Nguyễn Gia Trí, Trần Quang Trân, nhiều hoạ sĩ khác cũng đã đi vào những cuộc thử nghiêm riêng của mình: Lê Phổ, Nguyễn Khang, Phạm Hậu. Những thể tài của họ trong chất liệu và kỹ thuật sơn mài thông thường là tranh phong cảnh, kiến trúc, đình chùa, quán xá, bờ tre, núi non, biển thuyền. Những họa sĩ môn nầy thường tỉa từng ngọn lá cây, ngọn cỏ, từng hòn gạch, viên ngói, từng cái vảy của cảnh lưỡng long triều nguyệt, tứ ly, tứ quý, bát vật, từng chi tiết tỉ mỉ trên cáibuồm cánh dơi. Những phong cảnh, di tích được thể hiện bằng sơn mài của những hoạ sĩ nầy là vịnh Hạ Long, chùa Bút Tháp, đi chùa Hương, những lăng tẩm Huế, Đại Nội, đền Ngọc Sơn, Văn Miếu. Cũng cần kể thêm những họa sĩ tham gia môn sơn mài: Phạm Đức Cường, Lê Quốc Lộc, Tạ Tỵ, Mạnh Quỳnh, Nguyễn Văn Quế... đã phát triển thêm, để trở thành "một khuynh hướng sơn mài" mang nặng tính trang trí những cung cách cổ kính, trang nghiêm. 


Trần Văn Cẩn: Một trong những họa sĩ ra công khám phá thêm về sơn mài phải kể đến hoạ sĩ Trần Văn Cẩn. Vào năm 1936, ông đã sáng tác bức tranh sơn mài "Tiễn anh khóa đi thi Hương", được bố cục theo hình thức của bình phong từng mảnh ráp lại. Những hình người trông to lên, dàng theo hàng ngang, những dân làng thời xa xưa tiễn anh khoá ra đi, trong khi đó những thiếu nữ mơ chuyện "Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau".

Bức tranh nầy được thể hiện bằng những màu: son, then, cánh gián,vàng óng ánh, rực rỡ... làm hiện lên một khung cảnh tiễn đưa vuivẽ, tưng bừng, tràn trề hy vọng của dân làng. Bức tranh nầy đã được hiệu trưởng Tardieu, giáo sư Inguimberty khen ngợi và chấm cho sinh viên Trần Văn Cẩn đỗ thủ khoa khoá VII trường Cao Đẳng Mỹ Thuật (1937), trên cả Nguyễn Gia Trí học cùng lớp nầy (Bài thi của sinh viên Nguyễn Gia Trí là tác phẩm vẽ trên lụa).
Sau đó, Trần Văn Cẩn lại còn thực hiện thêm bức tranh "Trong Vườn": trong tranh, ông đắp mấy lớp sơn dày, để cho cây phù dung tiền diện nổi hẳn lên, để tách xa nhân vật (hai thiếu nữ trong tranh) đi lại từ phía sau; xa hơn nữa, lại có hai thiếu nữ ngồi thêu trong vườn sâu, với màu nâu sẫm râm mát. Bố cục nầy đã trảira một không gian rộng rãi, mở đường cho những bức tranh sơn mài kiểu lớn ghép lại. Những nhà nghiên cứu xem hai bức tranh nầy là giai đoạn chuyển tiếp, để bước sang "thời kỳ sơn mài Nguyễn Gia Trí" trong chuyên đề "Thiếu nữ - vườn cây - lầu tạ". 


Nguyễn Văn Ty: Sau Trần Văn Cẩn thì đến Nguyễn văn Ty, trong một khổ tranh rộng kiểu Panorama có nhan đề là "Chợ Bờ". Đây là một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, núi non trùng điệp với nhiều chi tiết kỳ thú, được thể hiện từ hòn đá gồ ghề, cheo leo cho đến những vòng nước xoáy, cùng hoà chung với những đợt sóng bạc đầu; tất cả đều được thếp bằng những bụi bằng bạc, rắc vụn những gò trai óng ánh trên một nền then (đen) sâu thẳm. Bức tranh đã mở đường cho những thể tài mới của thiên nhiên vùng sơn cước, mạn ngược, lôi cuốn những họa sĩ đô thị thời tiền chiến.
Nguyễn Khang: Bên cạnh đó, Nguyễn Khang cũng trong trường hợp sáng tạo tươngtự. Sơn mài của Nguyễn Khang tập trung vào những đề tài dung dị hơn của người dân quê. Chẳng hạn như bức tranh sơn mài nổi tiếng của ông ta có nhan đề "Đánh cá đêm trăng" (1938), với những chitiết đơn thuần, thoát sáo, nhưng rất sinh động. Trong cảnh, mấy người chài lưới, quấn khăn đầu rìu, đóng khố, người chèo, kẻ buông lưới. Hai anh khác ở tiền diện thì mò cua, bắt ốc. Tất cả hoà nhịp trong ánh sáng màu hồng sinh động của sơn mài, nổi trên nền then được rắc bạc nhẹ, như chỉ phủ mờ, gây được không khí tranh huyền ảo, mông lung, như để thi vị hoá cuộc sống của người dân chài. Từ cách diễn đạt và bố cục của Nguyễn Khang, tranh sơn mài quamột giai đoạn mới: dựng thành mảng lớn.
Những tính "công bút, đồ họa" trước kia đã không còn thấy nữa. Những họa sĩ khác cũng tìm cách đi vào sơn mài với những khám phá mới; chẳng hạn như khoảng 1943 - 1944, trong hoàn cảnh vật liệu sơn mài ngày càng khan hiếm, cho nên những tác phẩm thi tốt nghiệp của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương chỉ có thể thực hiện bằng những màu chính: son, then, cánh gián; đôi khi có thêm chút bột bạc; còn bột vàng thì không tìm thấy nữa.
Nguyễn Trọng Hợp: Cũng trong những hạn chế vừa nói, họa sĩ Nguyễn trọng Hợp đã thể hiện bức tranh sơn mài "Chăn trâu dưới gốc thông". Trong tranh, tác giả dùng nền vóc son trai bằng màu then, đồng thời rắc thêm bột bạc ít nhiều để diễn tả độ đậm nhạt. Trông qua, tưởng chừng như tranh thủy mạc cổ điển. Nội dung là một đối cảnh: bên cạnh một gốc thông cổ thụ sù sì sống đã mấy trăm năm cao lên vút, thì lại có một em bé mục đồng áo tơi, nón lá, cỡi trâu dáng nghênh ngang.
Đặc tính của tranh là vận dụng sơn mài trong những chi tiết nhỏ bé của từng ngọn lá dài ngắn so le, từng vết nứt của thân cây thông già, từng cái xoáy trên lưng trâu; tất cả đã tạo nên được những ấn tượng sâu sắc, nồng nàn của tinh thần Á Đông. Qua tranh, những đường nét chứng tỏ một sức làm việc cần cù, kiên nhẫn, một trong những yếu tố của họa sĩ sơn mài để thành công.
Nguyễn Sĩ Ngọc: Tranh sơn mài thường sử dụng những khổ lớn, trải rộng, chiều chi tiết hoà đồng. Điều nầy thấy rõ nhất trong công trình sơn mài của Nguyễn Sĩ Ngọc, trong tranh "Đi chợ Tết về qua đình" (1940). Sĩ Ngọc đã dùng đến thể loại "sơn mài sáng", mà trước đó, chưa ai nghĩ đến việc khai thác nầy. Bức tranh khổ 2m X 5m, dùng loại vóc khổ lớn, nền cánh gián; vỏ trứng dùng để tạo bối cảnh thiên nhiên của toàn cảnh một ngôi đình cổ; bên cạnh có những túp lều tranh của ngôi chợ miền quê. Tiền diện của bức tranh là ba cô thôn nữ đi chợ trên đường về, gánh các thúng xếp đầy những lễ vật ngày Tết, để lộ ra ngoài những vàng hương, đồ mã, cá, gà. Vận dụng những tính chất đặc thù của tranh sơn mài, họa sĩ đã dùng bột đá màu xanh hoà cùng màu thắt lưng thiên lý, để cho những màu nâu trầm chín nục trên các váy, áo tứ thân và kích thích màu yếm đỏ son tươi.
Toàn cảnh hiện lên rất rõ nét của thời hoàng kim của làng xứ Đoài thuở thanh bình, thịnh trị. Ngay sau khi bức tranh được hoàn tất, chính hai hoạ sĩ giáo sư Inguimberty và Tô ngọc Vân đã mời hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí đến thưởng thức; để rồi trở về mở tiệc sâm banh ăn khao để đánh dấu một giai đoạn mới nhất của tranh sơn mài "Không vàng, không bạc,cũng giàu sang", thành ngữ đánh dấu sức bột phá của loại tranh nầy. 


Nguyễn Gia Trí: Trong công cuộc mò tìm và khai thác những chất lịêu dùng trong sơn mài, qua nhiều thử nghiệm, họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã vượt xa hơn cả người mở đầu tranh sơn mài hiện đại là Trần Quang Trân. Là một nghệ sĩ luôn hướng thượng, tự do, phóng khoáng, họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã tìm lấy những đường hướng hội họa sơn mài, tự mình tạo nên một nền tảng mới, một phái sơn mài biệt lập. Ông có những quan niệm tạo hình mới, tìm kiếm không ngừng, kết hợp của hai phương pháp thể hiện nghệ thuật đông và tây, cổ và kim và thể hiện những tác phẩm sơn mài của mình bằng chất liệu và kỹ thuậtcổ truyền. Trong giai đoạn 1939- 1945, ông là người dẫn đường cho một "thời đại hoàng kim" của tranh sơn mài Việt Nam.


Sơn mài Nguyễn Gia Trí đã đạt được chuẩ đích tuyệt vời, trở thành khuôn mẫu cho những tranh cùng thể loại sau nầy. Những công trình tìm tòi nghiên cứu được phát động trong những năm sau đó, nhất là những bài viết về sơn mài trên tờ Phong Hoá và Ngày Nay do Nhất Linh chủ trương. Kỹ thuật tranh sơn mài được ra đời từ đó với những kỹ thuật và phương pháp vững chắc. Họa sĩ Trí say mê nghiên cứu sơn mài và đưa đến nghệ thuật cao nhất trong lãnh vực nầy.
Trên tờ Ngày Nay số ra ngày 21 tháng 1 năm 1937, tựa đề "Gia Trí và sơn ta", Tô Tử (tức họa sĩ Tô Ngọc Vân) đã viết về thành công của Nguyễn Gia Trí như sau: "Cái lối sơn cổ của ta hào nhoáng, loè loẹt, son giữa màu son, vàng chỉ sắc vàng, trơ trẽn như anh chàng giàu khoe của, vào trường Mỹ Thuật đã dần dần biến thành mỹ công nhã nhặn mà vẫn quý giá. Vàng bạc, sơn son, sơn then (màu đen) người ta chỉ dùng nguyên chất có chừng độ khi người ta xét thấy cần phải dùng đến cho toàn thể. Rồi cũng ngần ấy vật liệu đè lên nhau mà mài đi, mài lại, người ta chế ra được màu dìu dịu tầm thường.
Đến cuộc thí nghiệm Nguyễn Gia Trí, lối sơn ta không còn là một mỹ nghệ nữa. Ở óc, ở tâm hồn người ấy ra, nó đã được nâng lên nghệ thuật thượng đẳng. Người ta có thể tưởng tượng một "thầy sơn" khác chung quanh mấy ông phó sơn giúp việc, chia nhau từng đoạn vẽ mà bôi sơn vào,bằng những màu đã tìm sẳn và đã ấn định cho chỗ nào rồi.
Nghệ thuật Gia Trí không thế, nó là ý tưởng, cảm tính của Gia Trí đúc lại; một nét, một vết, một màu đều phải ở tay nghệ sĩ mà ra...Trên những màu hồng nhạt, biến hóa, những sắc nâu non thật là non, những vỏ trứng như đổi cả thể chất để thành quý vật, vài nét bạc, vài nét vàng sáng rọi, rung lên... Những màu hoen hoen đứng cạnh nhau, cân đối dung hoà một cách tuyệt khéo, đem lại cho người biết hưởng cảm giác bồn chồn, rạo rực..."
Chính họa sĩ Trần Văn Cẩn trong khi xem tranh sơn mài Nguyễn Gia Trí cũng xác nhận: Những tranh (sơn mài) Nguyễn Gia Trí bao giờ cũng mang lại cho người thưởng ngoạn một cảm giác trong veo, với nền tranh phẳng như mặt nước in hình cảnh vật ở dưới đáy của làn nước đó. Không phải chỉ có những nét lung linh huyền ảo mà thôi, mà màu sắc hiện ra, nhất là cái chất sâu thăm thẳm khi ẩn khi hiện chập chờn. Đôi khi lại ửng lên những nét vô cùng chói lọi, tưởng chừng như đang cất cao tiếng hát ở tùy nơi, tùy chỗ, mà tác giả đã đặt chúng ở bên cạnh nhau, phản ánh trạng thái cuồng nhiệt sung mãn ở một tâm hồn nghệ sĩ tinh tế, luôn luôn dạt dào, hứng phấn (...)
Nhìn chung lại thì những bức tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí trong giai đoạn đó toát lên những vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh thoát, trong trẻo như một tác phẩm màu nước của một họa sĩ tài ba đã phóng bút chấm phá theo cảm hứng sâu sắc nhất của mình khi hoà đồng với cảnh vật dùng làm đối tượng hội họa. Những bức sơn mài của ông ta sáng tác vào những năm 1937-1938 như "Chùa Thầy", "Đền Trung Tự" đã cho thấy rõ sự thành công vượt bực trong phong cách diễn đạt nầy.
Qua những thành công nầy, tranh sơn mài Việt Nam đã tiến thêm một bước dài. Trong cuốn "Hướng đi của nền hội họa Việt Nam" (HN- 1994) họa sĩ Quang Phòng đã viết về Nguyễn Gia Trí và nghệ thuật sơn mài như sau: " (...) Trên cái nền súc tích tầng tầng lớp lớp màu và chất quyện vào nhau kết tinh thành một khối hổ phách óng ánh ấy, Nguyễn Gia Trí đã phóng lên một "sơ đồ đường nét" thếp vàng rực rỡ, tách các hình tượng khỏi bối cảnh, làm hiện ra những thiếu nữ đứng, ngồi, đi lại, đuổi bướm, hái hoa; vui chơi dưới cành liễu lả lướt bay trước gió hay thơ thẩn cạnh bông sen trắng nở ven bờ hồ bên lan can lầu thủy tạ. Tất cả phối hợp với nhau cùng hoà chung nhịp điệu theo các đường lượn uyển chuyển, quán xuyến toàn tranh - cho người xem cảm giác tương phản kỳ thú giữa cái cực kỳ giàu sang và cái vô cùng giản dị.... làm sơn mài như Nguyễn Gia Trí thì không mấy ai theo được. Ông đã vung tiền để thuê toàn thợ giỏi, vững vàng không biết tiếc để tạo chất, làm cho những màu son chói lên như than hồng, những màu xám rung rinh những âm vang trên các lớp vàng lơ lửng ở tầng dưới và cuối cùng là những nét, mảng lớn, nhỏ toàn vàng thếp chen nhau ùa vào nền tranh làm bật nổi các hình tượng và trùm lên tất cả một bầy ánh sáng chan hoà..." 


Phạm Hậu: Từ Nguyễn Gia Trí, những công việc tìm tòi khác cũng được khởi xuất. Một trong những nghệ sĩ nổi danh khác trong giai đoạn nầy, nhưng với tinh thần khác hẳn là họa sĩ Phạm Hậu. Tranh của Phạm Hậu lại thiên về lối trang trí, một kiểu thức trang trí rất đẹp. Nếu Nguyễn Gia Trí thiên về việc dùng kỹ thuật sơn mài để thể hiện cảm hứng của mình một cách tuyệt hảo, thì đằng nầy, Phạm Hậu là người làm chủ được những chất sơn nhựa quánh đặc, để tạo ra những nét vẽ tinh vi với màu sắc hài hoà. Ông ta thường thể hiện những bức tranh khổ lớn, như bức "Chợ Bờ", hay loại bình phong "Chùa Thầy" rất nổi tiếng. Trên những bức hoạ, những con hươu, nai đi vào trong cảnh rừng sâu hay hình của những con cá vàng giữa những đám rêu phong đều là chủ đề sinh động mà họa sĩ đã khai thác những góc độ tuyệt diệu. 

Tác phẩm Sen mùa Hạ, trưng bày trong Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam

Từ năm 1945 trở về sau, nhất là trong giai đoạn chiến tranh Việt Pháp mở đầu cho những biến chuyển quan trọng, tranh sơn mài đã không có dịp để phát triển nữa. Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương do chính quyền tổ chức và bảo hộ tài trợ đã chấm dứt hoạt động. Miền Bắc trong thời kháng chiến thì hội hoạ chỉ phục vụ cho tuyên truyền quân sự, chính trị; miền Nam chỉ những sinh hoạt cá nhân, cục bộ. Trên đây là các họa sĩ điển hình cho việc khai phá sơn màu và sơn mài trong thập niên 40. Trong thời gian đó, còn nhiều họa sĩ đi sâu vào kỹ thuật sơn mài khác. Tuy nhiên trong lúc nầy thì sơn mài chỉ được hạn chế trong những màu đen, đỏ, nâu cánh gián,vàng và bạc, những màu khác dường như không được khai thác đến hay khó tìm cho đúng sở thích. Trong thời gian nầy, vì những hạn chế của vật liệu, mà sắc trong sơn, cho nên, trên một bình diện nào đó, nghệ sĩ đã không thể thực hiện đúng như ước vọng cảm hứng của chính mình.
Tranh luận
Chung quanh tranh sơn mài, đã nẩy sinh ra những cuộc tranh luận chung quanh đề tài "Loại tranh nầy có phải là một đối tác hội họahay không?" Có ít ra, hai cuộc tranh luận sôi nổi về vấn đề nầy. Một lần vào năm 1936-1937 khi tranh sơn mài chưa đạt đến thời đại hoàng kim (1939-45) của nó; lần thứ nhì xẩy ra trong năm 1949 tại Thái Nguyên.
Tranh luận 1: 1936-1937 Trên báo "Ý nguyện Đông Dương" (Volonté Indochinoise) họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đã lên tiếng chỉ trích: tranh sơn mài có được đưa vàohội họa Việt Nam hay không? Theo ông thì: Không.
Ông viện dẫn: "Loại sơn An Nam" không thể và không nên đưa vào hội họa. Không thể là vì phương tiện nghèo nàn, không đủ màu sắc để diễn tả tạo vật một cách trung thực; không nên là vì: sơn mài chỉ là loại trang trí, tại sao lại đưa vào hội hoạ. Tô Ngọc Vân trong giai đoạn đó chỉ nổi tiếng về tranh sơn màu. Tuy nhiên, để trả lời lại bài phê bình "không nên và không thể" nêu trên, ông đã viết một bài dài đăng trên báo "Viễn cảnh" (perspective) cho rằng: tranh sơn mài đã tự khẳng định hẳn cho nó một vị trí quan trọng trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam.
Đó là giai đoạn toàn thịnh của sơn mài do Nguyễn Gia Trí cầm đầu. Nguyễn Đỗ Cung đã thách thức Tô Ngọc Vân chứng minh khả năng đó. Và cũng để phụ họa, họ Tô đã thể hiện hai bức tranh sơn mài nổi tiếng là "Nhã Nam tranh đấu" và "Khi binh sĩ nghỉ trên đồi".

Tranh luận hai - 1949: Vào tháng chín 1949, một hội nghị hội hoạ diễn ra tại xã Yên Dã, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Người lên tiếng ca ngợi tranh sơn mài là họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Ông ta cũng thể nghiệm bằng bức tranh "Dân quân Phù Lưu". Người đứng ra chỉ trích tranh sơn mài vẫn là họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung; ông ta là họa sĩ, cựu sinh viên trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương khoá V, cùng khoá với Phạm Hậu, Trần Bình Lộc. Ông Cung say mê nghiên cứu về nghệ thuật cổ Việt Nam trong đó, có đồ gốm VN, kiến trúc đình, chùa; ông cũng từng viết nhiều đề tài tranh luận với nhà học giả Bezacier, phản bác lại những nhận định sai lầm của nhà học giả Pháp về nghệ thuật cổ châu Á.
Dùng tranh Nguyễn Tư Nghiêm làm đề tài tham luận, ông ta đã bác bỏ chất liệu sơn mài. Ông nói: làm tranh sơn mài chẳng khác gì "húc đầu vào tường". Cả Nguyễn Gia Trí cũng vậy. Gia Trí cũng "húc đầu vào tường"một cách tốn của, vô ích.
Cũng nên nhớ: Nguyễn Đỗ Cung một thời (1943) cũng say mê tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí và từng viết: "Đen, đỏ, vàng: với những màu hơn kém nhau chút ít của nghề sơn, họa sĩ (Nguyễn Gia Trí) đã cho ta cuộc sống mà sự giàu sang tương tự như cuộc sống của ta. Người ta đã quên chất sơn, quên đầu đề, quên hết, để mà tưởng được sống giàu sang cạnh họa sĩ Nguyễn Gia Trí..." Nhưng sau đó (1949) Nguyễn Đỗ Cung đã tuyên bố công khai: Dứt khoát từ bỏ hết quan điểm nghệ thuật cũ của mình!

Hiện trạng sơn mài miền Nam VN
Du khách đi dọc theo Quốc Lộ 13 cũ, thì đến xã Phú Thọ, Phú Văn... đó là "cái nôi" của nghề sơn mài, điêu khắc Sông Bé. Nghề sơn mài tại miền Nam từ trước đến nay đều tập trung tại làng chuyên ngành Lương Bình Hiệp, ở Lái Thiêu (Bình Dương). Cũng theo tài liệu trên tờ Sài Gòn Tiếp Thị thì ngành nầy được phát triển từ năm 1870 (?) cho đến nay kể đã qua bốn đời cha truyền con nối, tiếp nhau sản xuất. Tại đây đã đào tạo được một đội ngũ những thợ "dực", thợ "phèn" nổi tiếng. Những gia đình thành công nhất trong làng nầy là của ông Lương Văn Cang, ông Hồ Hữu Thủ, ông Năm Tịnh, ông Sáu Sa, ông Sáu Bưởi, ông Tám Khiêm. Họ đã sản xuất một số tranh mài có giá trị, đứng vững với thời gian. Sơn mài Sông Bé đã một thời có mặt nhiều nơi, trong nước cũng như ngoài nước.
Tuy nhiên trong thời gian gần lại đây, thì tình hình suy sụp thấy rõ. Tại Lương Bình Hiệp, cho đến nay có đến 250 cơ sở lớn nhỏ đã lần lượt đóng cửa và như vậy thì đã có trên 2,000 nghệ nhân phải bỏ nghề để chuyển sang sinh sống bằng nghề khác. Số còn lại thì chỉ họat động cầm chừng và cũng khó duy trì lâu dài. Sản xuất sơn mài như hiện nay tiêu thụ chậm, giá cả không mấy hấp dẫn như trong khoảng 1986-1992, nên không khuyến khích được người mua, đương nhiên đã không thể sản xuất được nhiều và giẹp dần.
Nhiều điểm gia công về mài ốc, cẩn ốc, làm sơn, gia công các công đoạn cho những sản phẩm sơn mài cũng lần lượt đóng cửa hay xin đổi bảng hiệu khác. Đó là chưa nói đến chế độ thuế khoá nặng nề như hiện nay, đánh thuế trên số hàng sản xuất ra, chứ không cần biết có bán được hay không. Ở thị xã Thủ Dầu Một, hiện nay vẫn còn một số ít cơ sở lớn còn đang cầm cự cho qua ngày như Đồng Tâm, Chí Công, Bình Dương, Định Hoà, Trường Mỹ, tuy còn được duy trì cho đếnngày nay, nhưng quy mô thì ngày càng thu hẹp cho đến khi triệt tiêu. Một nhà sản xuất nổi tiếng ở đây giải thích: Trước đây khoảng 5 hoặc 7 năm, thì nghề sơn mài có ăn.
Đến nay, tình hình sa sút thấy rõ. Vì muốn cho đồng vốn quay nhanh, sinh lợi nhiều, một số cơ sở đã không tuân thủ những quy trình bắt buộc mà nghề sơn mài đòi hỏi phải thực hiện kỹ lưỡng. Họ đã bỏ qua nhiều công đoạn,cho nên chất lượng sản phẩm quá tệ; giá nào được là cứ bán...".
Trên một bình diện khác, sơn mài ở Lương Bình Hiệp với mẫu mã quá cũ, nhàm chán, đơn giản về kỹ thuật, chất liệu thiếu thốn, chắp vá, cho nên đã không thể nào gây được chú ý khách hàng. Chất lượng căn bản nhất còn thiếu thốn, đừng nói đến chuyện dùng bột vàng, bột bạc thứ thiệt như thời đại hoàng kim của Nguyễn GiaTrí. Những khách chơi tranh thường có cặp mắt tinh vi, thậm chí có người nghiên cứu sách vở chuyên ngành tường tận, kể cả kỹ thuật tạo dáng, cho nên khó đánh lừa khiếu quan sát của họ được.
Chuyện "tiền nào của nấy" đã đưa ngành sơn mài Việt Nam trên cơ chế thị trường đang sôi động, chụp giật trở nên thoái hoá, từ suy sụp đến hũy diệt. Điều nầy đi ngược hẳn với nguyên tắc làm sơn mài chính cống. Cũng theo những hiệu buôn sơn mài trên đường Nguyễn Huệ, Gia Long (Lý Tự Trọng) thì đa số khách hàng nước ngoài thường thích những loại sơn mài lập thể, nhiều màu sắc. Hãng Asia hiện nay đang chú trọng đến các thể tài đó. "Chất lượng và mẫu mã" là bài toán quan trọng nhất của ngành sơn mài Việt Nam mà trung tâm là những hàng thủ công mỹ nghệ Sông Bé hiện nay...


Ngày 30/06/2007
 

NGHỀ SƠN TA CỔ TRUYỀN


 Phạm Hậu (bài giảng cho học viên 1954 )                        


MỘT KỸ THUẬT CỔ TRUYỀN VÀ MỘT NGHỆ THUẬT MỚI


Nước ta đã trải qua nhiều cơn sóng gió, tư tưởng, nghệ thuật và kỹ thuật cũng theo trào lưu ảnh hưởng đó mà thay đổi. Người mình thường hay phàn nàn nhiều về sự thay đổi, làm đảo lộn những căn bản cũ. Nhưng trong sự thay đổi không phải luôn chỉ phá vỡ cái cũ mà còn có sự dung hoà không phải là ít. Trong sự phối hợp dung hòa đó, nghề sơn cổ truyền cuả ta với kỹ thuật mới bây giờ đã mang lại cho ta một nguồn sinh lực mới, một nghệ thuật mới NGHỆ THUẬT SƠN MÀI mà ta có được bao nhiêu cảm giác khoan khoái khi ngắm những bức bình phong hay những tấm họa sơn mài của các họa sỹ cận đại. Ta hãy giở lại những trang lịch sử cuả nghề để xem nghề sơn ta đã có từ bao giờ và phát triển như thế nào. Muốn biết nghề sơn ta phát sinh từ bao giờ, ta phải giở những trang lịch sử để xem nguồn gốc nghề sơn. Phương ngôn có câu:“Uống nước phải nhớ nguồn” Vậy nghề sơn có từ đâu, phát sinh từ bao giờ?  Theo sách cổ truyền lại thì nghề sơn phát sinh từ đời nhà Iê ( 1443 – 1460 ) ông tổ nghề sơn là ông Trần tướng Công nay ở làng Bình Vọng phủ Thường Tín cách Hà Nội 20 km  hãy còn đền thờ ngài. Vào những năm 1443 – 1460 đời vua Lê Nhân Tông nhân đi sứ ở bên Tầu về, ngài học được nghề này ở làng Quảng Mỹ tỉnh Hồ Nam. Nguyên liệu ( sơn) thì giống cây sơn ở các vùng đồi núi Bắc bộ Việt Nam không hiếm và có từ lâu. Người Việt Nam mình lúc đó chỉ biết dùng sơn để trát thuyền, còn không dùng làm gì khác nên người Tầu mua hết. Những người Việt đầu tiên thử làm nghề này đều bị thất bại, sơn lâu khô mà nét thếp vàng hay bạc không nổi bật lên. Trần tướng Công thấy vậy, lại xin vua cho phép sang Tầu để xem xét lại. Chuyến này Trần tướng Công xem xét kĩ lưỡng, tìm được những cách thức mà người Tầu vẫn giữ bí mật  như cách đất nhào với sơn để trát tên trên gỗ, cách dùng sơn vào từng thời tiết như thế nào, lúc trở về tướng công lại chỉ bảo người trong nước, chuyến này thì đạt kết quả hết sức mĩ mãn. Nào là biết ủ sơn cho chóng khô, cách thếp vàng, thếp bạc, phân chất các thứ sơn v.v….Tướng công đương làm Thượng thư bộ tài chính thì mất. Vua truy tặng là Phúc Thần và sai đặt bài vị ở đền thờ ở làng Bình Vọng. Nghề sơn đã có từ đấy 1443 – 1460 đời vua Lê Nhân Tông, thời kì nghề sơn cổ truyền. Kĩ thuật sơn cổ truyền đã tô màu rực rỡ cho đời sống người Việt Nam, từ đồ dùng hàng ngày như đôi đũa, chiếc mâm, bức hoành phi, câu đối, các tượng thần, các kiến trúc đều được sơn để tô điểm và để giữ gìn cho được lâu bền. Ta thường gọi là sơn dầu, sơn son thếp vàng, sơn then.


II /   KĨ THUẬT NGHỀ SƠN CỔ TRUYỀN


SƠN SỐNG
Pha chế từ chất mủ quánh và dính mà người ta trích được ở cây sơn. Cây sơn có nhiều loại nhưng cũng có loại tốt, loại xấu, có thứ non có thứ già. Cây sơn ta thường trồng ở Phú Thọ phía Bắc Việt Nam, phía nam ở Thủ Dầu Một  và Cao Miên. Sơn sống chia làm 3 loại :  Loại tốt gọi là SƠN NHẤT Loại vừa gọi là SƠN NHÌ Loại xấu gọi là SƠN BA ( hay sơn non ) Còn một loại sơn nữa gọi là SƠN MẶT DẦU là một thứ sơn người ta để lắng trong ít lâu rồi hớt lớp nổi trên mặt sơn đó là sơn mặt dầu . Phần dưới sơn mặt dầu gọi là sơn dọi nhất, dọi nhì, dọi ba. Dưới sơn dọi ba là sơn cặn bã.
SƠN NHẤT là một thứ sơn sống, trích lấy ở các cây sơn trồng lâu năm( cây sơn 6 năm mới đứng tuổi ) trên những đồi như ở vùng Phú Thọ là một thứ sơn có tiếng. Màu sắc sơn nhất thì có màu ngà ngà nâu nâu người ta thường gọi là màu nước dươi. Với thứ sơn nhất, người thợ sơn dùng để đánh sơn then, hay sơn cánh dán       ( pha dầu hay pha nhựa thông ).
SƠN NHÌ là một thứ sơn mà người thợ sơn để lắng trong một thời gian, phần trên gọi là sơn nhất để đánh, còn phần dưới gọi là sơn nhì, với thứ sơn nhì để dùng vào việc hom, bó, gắn và đánh vải.
SƠN BA ( tức là sơn xấu ) Thứ sơn này là một thứ sơn cặn bã của hai thứ kể trên, dùng thứ sơn này chỉ để trát nhào với đất thó và là thứ sơn chóng khô.
SƠN MẶT DẦU là một thứ sơn hớt ở phiá trên các sải sơn, mầu sắc thì hung hung đen, với thứ sơn này không thể dùng đánh cho chín được chỉ có thể dùng để pha vào các sải sơn gọi là sơn non( vì sơn mặt đầu là một thứ sơn già quá không sao khô được )
Nghệ nhân Đinh Văn Thành cùng thầy Phạm Hậu trong giờ thực hành
Muốn sơn một đồ vật gì, người thợ Việt Nam bắt đầu lấy sơn sống sơn một lượt để bịt kín các kẽ hở, các chỗ ghép, các chỗ nứt. tiếp đến lại trà một lượt sơn trộn với đất phù sa đã rây kĩ càng để làm cho các mặt gỗ mịn và phẳng( người ta gọi là hom ) Kỹ thuật sơn này được dùng từ lúc khởi thủy, nghề sơn ở nước ta đến bây giờ vẫn thông dụng, sơn là một chất liệu độc nhất để bảo vệ và tô điểm các đồ gỗ. Trước thời kì có sơn mài, chúng ta đã quá quen nhìn những đồ sơn thông thường như cái tráp dầu, những bức hoành phi câu đối những cái hương án. Trong tôn giáo, ngành hội họa và điêu khắc đã để lại bao nhiêu kiệt tác mà ta đã thấy cho đến ngày nay vẫn được người đời thán phục. Những kiến trúc bằng gỗ sơn son, những tượng thần thếp vàng vẽ rồng vẽ phượng, những tượng phật nguy nga rực rỡ làm tăng vẻ tôn nghiêm, đã thêm phần uy tín cho thần linh. Những tác phẩm sơn như vậy tuy huy hoàng nhưng còn ghi dấu đơn sơ, những mầu sắc tuy rực rỡ nhưng còn nghèo nàn đơn giản.
III /   CHUYỂN HƯỚNG
 Thầy Phạm Hậu trong giờ thực hành sơn mài truyền thống
Trường Mỹ thuật Đông Dương mở tại Hà Nội năm 1925 có các ban hội hoạ, điêu khắc và kiến trúc, đến năm 1932 lập thêm một ban sơn, ngành hội họa đã đặt một nền tảng mới cho nghề sơn. Các giáo sư trường mỹ thuật nhận thấy  chất sơn có nhiều đặc điểm như bền, rắn, bóng, trong, có thể pha với các chất bột tạo ra đủ các màu sắc đẹp. Thật là một sản phẩm quý giá để phụng sự nghệ thuật hội hoạ. Kỹ thuật sơn truyền thống cũ không áp dụng được hết khả năng của chất sơn.
Sau bao nhiêu thất bại, những tìm tòi của giáo sư, cùng với sự cộng tác cuả các sinh viên, họa sỹ đương thời đã đi tới kết quả tạo ra một nghệ thuật sơn mài có nhiều ưu việt hơn hẳn.
IV /  NHỮNG THAY ĐỔI TRONG KỸ THUẬT CHẾ TẠO
Muốn có những tác phẩm sơn mài bền chắc, kỹ thuật phải nghiên cứu, rút kinh nghiệm từ thực tế nhiều lần. Sau khi bóc lớp những bức sơn cổ cuả Tầu và Nhật người ta nhận thấy trong gỗ có một lớp vải hay lụa, song tới lớp hom khá dày. Người ta thấy rằng lớp hom đó mềm quá, nếu pha đều một phần mặt cưa( đã dây nhỏ ) và một phần đất sét với một phần sơn sống trộn đều với nhau thì sẽ được một chất rắn hơn“hom” và chất ấy gọi là“bó”. Về phần bó, khi khô phải mài cho nhẵn bằng thứ đá bọt cho đến khi mặt bó bằng phẳng, nhẵn rồi lấy giấy nháp đánh qua một luợt. Sau khi đánh giấy nháp, ta dùng sơn sống thảo lên một lượt, lượt thứ hai cũng bằng sơn sống. Đợi sơn khô trong hai ngày thì lấy đá giáp hay đá đỏ mài.
Lớp sơn chính là lần lượt từng lớp sơn then. Muốn sơn những lớp sơn then làm thế nào cho dầy được? Vì nếu sơn một lần mà dầy thì bị dăn, nên phải sơn làm nhiều lớp, sau mỗi lớp sơn phải mài để lớp sau dính chắc vào lớp trước, vì vậy phải mài cho kĩ lớp trước cho hết phần bóng cuả sơn rồi mới sơn lớp sau. Mài bằng đá hay bằng than củi.( quá trình mài đều có nước ).
V / GỖ DÙNG CHO SƠN MÀI
Các loại gỗ để áp dụng vào nghề sơn, gồm có gỗ vàng tâm, gổ dổi, gỗ teck và gỗ dán.
GỖ VÀNG TÂM . Sắc gỗ vàng tâm nếu là phần lõi thì có màu vàng như tấm lụa  nếu ta dùng gỗ vàng tâm mà không xem xét kĩ có thể bén giác( giác là phần gỗ bao ở ngoài lõi, màu trắng và xốp ) Một khi sơn kín đi thì chỗ giác sẽ bị mọt đục rất chóng hỏng. Gỗ vàng tâm mà có giác thì chỗ giác trong vòng một năm sẽ bị hỏng do mọt gỗ đục khoét. Vậy muốn cẩn thận phải dùng gỗ vàng tâm trần lõi. Các câu đối và hoành phi cổ của ta dùng gỗ vàng tâm trần lõi có thể bền hàng nghìn năm không bị mọt. Cho nên vàng tâm là một thứ gỗ rất qúy dùng cho sơn mài, nó vừa nhẹ vừa bền, trạm khắc cũng dễ vì chất gỗ mềm, thường được dùng làm hương án, rồng phượng ở các đình chùa miếu mạo.v.v . Gỗ vàng tâm có rất nhiều ở nước ta, nó là một thứ thổ sản, đâu đâu cũng có.
GỔ DỔI . Khác gỗ vàng tâm là tính chất nó hơi cứng nhưng giai hơn vàng tâm, gỗ dổi cũng thông dụng trong nghề sơn mài, người ta dùng gỗ dổi để làm cột đình cột chùa vì cột đình chùa thường sơn son thếp vàng vẽ rồng vẽ phượng. Những cột đình chùa mà ta đã thấy như ở đình Giám toàn làm bằng gỗ dổi và sơn vẽ rồng vẽ phượng. muốn sơn những cột gỗ đó những người thợ sơn phải sơn ngay tại chỗ sau khi làm đình xong. Việc sơn cột và kèo là công việc cuối cùng để tránh những bụi bậm và sây sát vào sơn.
GỖ TECK . là một loại gỗ có ở Lào, Cao Miên, nước ta không trồng được. Gỗ teck thì nặng hơn vàng tâm, thớ nó rắn dùng làm bình phong rất tốt vì đặc điểm cuả nó không vênh và cong. một khi đã đánh vải hay sơn rồi thì nó ổn định rất tốt. Có thể với những tấm gỗ teck dài 3m, rộng 0,5m làm nên những tấm bình phong, khi đã sơn vẽ rồi không bao giờ cong vênh được nữa.
 GỖ DÁN. Là một thứ gỗ ghép bằng máy gồm nhiều lớp gỗ mỏng ngang dọc dán bằng keo( thời gian này ở Sài Gòn mới có nhà máy gỗ dán ) năm 1932 – 1933 có nhiều loại gỗ dán rất qúi, người ta dán bằng gỗ teck, có kích thước 4m x 2m x 0,02m. 1948 đến nay thì thứ gỗ dán ấy không còn nữa, mà thay bằng gỗ giầu giầu hoặc gỗ thông dùng cũng tốt nhưng không được bằng gỗ teck. Các họa sỹ thường dùng gỗ dán để vẽ tranh sơn mài.
VI / BẢO QUẢN GỖ DÙNG TRONG SƠN MÀI
Muốn cho gỗ khỏi cong, vênh thì cần giữ cho tấm gỗ luôn luôn phẳng bằng cách xếp gỗ trên nền phẳng, giữa các tấm gỗ cần có can lót tạo khe thông thoáng tránh cho gỗ bị hấp hơi dễ bị hiện tượng mủn gỗ. Gỗ vàng tâm là loại gỗ dễ bị cong vênh và co dãn. Trời hanh thì gỗ co, trời nồm thì gỗ dãn vì vậy ta không nên làm những bức sơn mài bằng gỗ này quá to, với kích thước 1m x 0,5m là vừa. Khi làm sơn, ta phải bả vải, nén cẩn thận, giữ gìn cho đến khi sơn đủ nhiều lượt sơn hoàn tất công việc làm vóc. Chú ý trong quá trình trên luôn luôn phải nén gỗ, nếu ta sơ ý mà không nén thì gỗ sẽ cong và khó chữa. Trường hợp tấm gỗ vàng tâm dầy 1cm mà ta đóng khung lại, gắn bằng sơn xung quanh, khi thời tiết thay đổi vào mùa hanh rất có thể tấm gỗ bị xé ra làm đôi hay ba, chứng tỏ độ co dãn cuả gỗ rất lớn, trong trường hợp này ta đừng gắn gỗ vào khung thì không sao. Tóm lại nghề sơn mài cuả ta, thường sử dụng các loại gỗ mềm như: vàng tâm, dổi, teck, gỗ dán, mà không dùng các loại gỗ cứng như đinh, lim, sến, táu, gụ..
VII / DỤNG CỤ LÀM SƠN MÀI
Muốn làm sơn mài tốt, trước hết ta cần phải có đầy đủ các dụng cụ cần thiết và thích hợp cho nghề sơn. Có trong tay dụng cụ tốt, có phương pháp lựa chọn  hợp lý thì kỹ thuật để hoàn thành một bức sơn mài sẽ mĩ mãn. Cũng như người thợ mộc, có cái tràng, cái đục, cái cưa, cái bào thật bén sắc thì làm cái mộng mới khéo, bào thanh gỗ mới thẳng. Vậy người làm sơn cũng vậy, dụng cụ của ta có tốt thì sơn những nước sơn mới mượt, không dăn, đánh những tấm vải lên gỗ mới phẳng, vẽ những nét vẽ mới nhỏ nhắn, chọn những hòn than hay hòn đá cho nó nục thì mài mới khỏi vạch khỏi sước. Vì vậy trước khi học nghề sơn mài ta phải chuẩn bị những đồ dùng cho thật tốt.
Các dụng cụ cần dùng trong nghề sơn mài gồm có: 1 thép sơn sống, 1 thép sơn then, 1 thép nhỏ để sơn các góc cạnh, 1 bay xương, 1 mo sừng, 1 thép lăn vàng bạc, 1 đến 2 bút vẽ sơn, 1 dao trổ, 1 cái giây bằng lượt, một số đá mài, đá nhám, than củi, giấy nháp các loại.
THÉP SƠN SỐNG .( hay bút sơn ) là một thứ bút người ta làm bằng tóc hay bằng lông đuôi bò( lông nhỏ ). Thép sơn sống chủ yếu là bằng tóc, thép lông đuôi bò dùng trong trường hợp trời lạnh sơn bị quánh đặc. muốn làm 1 bút thép sơn người ta lấy tóc( loại tóc của phụ nữ cắt đi để uốn xoăn ) dùng lược bí trải cho thẳng, rồi nhúng vào sơn sống, dùng tay vuốt cho mượt, nhẹ nhàng đặt vào hai mảnh tre đã làm sẵn như hình cái bút( xem hình vẽ ). Hai mảnh tre vót mỏng bề dài 20cm bề ngang 4cm, ta để tóc vào giữa rồi lấy sơn sống và mùn cưa gắn hai mảnh tre lại với nhau, lấy dây buộc chặt. Đợi khi sơn đã khô quyện với tóc rồi ta dùng  dao trổ mà sửa sang lại cây bút cho nhẵn và đẹp. Phần tóc nhô ra ngoài khoảng 1cm là vừa, ta gọt cho thuôn đầu thép, muốn cho những sơn sống còn bám ở tóc tan ra, hãy lấy búa nhỏ đập nhẹ nhàng rồi dùng xăng hay dầu hoả rửa cho thật sạch, sửa cắt phần tóc cho thẳng thế là ta đã có một thép sơn hoàn hảo. Muốn có các loại thép sơn to hay nhỏ là tùy vào sự tiện lợi của người thợ sơn.
BAY XƯƠNG . Là một thứ xương lấy ở xương sườn trâu, dùng cưa sẻ mỏng và sửa sang cho một đầu hơi múp và một đầu hơi nhọn( theo hình vẽ ), chiều dài 20cm, chiều rộng 3cm. Với bay xương ta dùng vào những việc như đánh vải, gắn, bó, kẹt các góc cạnh v.v… thiếu nó ta sẽ không thể thực hành được.
MO SỪNG  . Là một thứ sừng trâu hay sừng bò lạng ra rất mỏng, mo sừng có kích thước 15cm x 10 cm( theo hình vẽ ), đầu mo cần phải thật mềm và mỏng như một tờ giấy và phẳng.Ta phải kiêng kị không được thay thế mo bằng sắt, chất sắt sẽ thôi vào sơn làm thay đổi màu sơn, ví dụ ta dùng sơn cánh dán đỏ nó sẽ chuyển sang màu đen.Với mo sừng ta dùng để là lên trên mặt sơn, sau khi đã sơn bằng thép( hay bút ) sơn then hay sơn cánh dán xong, người ta đều phải dùng mo để là, làm như vậy ta trông thấy trên mặt sơn sẽ phẳng như mặt nước, không một sóng gợn.
THÉP LĂN VÀNG BẠC .Ta quen gọi là bút thếp vàng bạc, bút thếp vàng khác với bút sơn( hay thép sơn ). cách làm thép cũng giống như thép sơn nhưng nó khác là phải lựa chọn thứ tóc tơ cho thật mềm, và phần tóc để thò ra ngoài là 2cm. Khi ta thếp một lá vàng lên sơn, ta lấy thép là lên vàng, lẽ dĩ nhiên phải nhẹ nhàng mềm mại thì mới tránh được những vết vạch lên vàng làm cho vàng được bóng lên và tăng phần giá trị.
BÚT VẼ SƠN TA. Bút vẽ sơn ta khác hẳn với các loại bút vẽ( sơn dầu, mực tầu .. ) về hình dáng thì cũng giống như bút viết chữ nho nhưng ngòi  nó nhỏ hơn, người ta thường làm nó bằng lông mèo già hay lông thỏ. Với bút vẽ sơn ta càng nhỏ ta đi những đường sơn càng tinh vi mượt mà và óng( ta thường gọi là đi nét nhỏ như sợi tóc ). Muốn giữ gìn bút vẽ sơn cho bền thì mỗi khi vẽ xong ta phải rưả ngay bằng xăng hay dầu hoả cho sạch rồi sau chấm vào dầu ta vì dầu ta sẽ làm bút mềm để được lâu, nếu sơ ý quên rửa bút mà để qua ngày, sơn khô bút coi như hỏng. Để có được những cây bút vẽ sơn thật tốt, ta có thể làm lấy tùy theo ý muốn cuả mình.
CÁCH LÀM. Mua một con mèo già, dùng lông mèo ở trên mông hoặc đuôi mèo sẽ dài và tốt. Mỗi bút chỉ cần 50 đến 60 sợi lông, dúng vào nước cháo hay cồn dán ta dùng tay vuốt nhẹ và vê đầu bút cho nhỏ và nhọn rồi để cho khô, lấy chỉ buộc chặt dưới gốc. Phần cán bút, ta tìm những đoạn trúc hay tre nhỏ bằng chiếc đũa, dùng sơn sống gắn đầu bút đã làm vào quản bút, đợi khô lấy giấy bản cắt thành sợi rộng 1cm nhúng sơn sống rồi cuốn vào ngòi liền với quản bút sao cho phần lông bút thò nhọn ra khoảng 4mm. Ta đã có một cây bút vẽ sơn có thể khiến được những nét vẽ to hay nhỏ. ( xem hình vẽ ) .
VIII / CÁCH DÙNG NGUYÊN LIỆU
SƠN SỐNG. Trước khi mua sơn, ta phải thử và nhận xét mầu sắc, mặt sơn xấu hay tốt, non hay già, bóng hay tịt.
Cách thử sơn sống bóng hay tịt. Lấy một thanh tre cật hình lòng máng, rồi lấy thép sơn quét một ít sơn sống mà mình muốn thử hay( chiến ) lên trên miếng tre sau đem ủ vào chỗ ẩm không có gió, độ 3 đến 4 tiếng đồng hồ sơn sẽ giáo. Đem ra sáng soi lên, nếu thấy chỗ sơn bóng soi gương được tức là sơn bóng và tốt, có thể dùng làm sơn then hay cánh dán được. Nếu thấy sơn không bóng mà tịt lại tức là sơn non không bóng. Cũng có khi sơn già qúa cũng không bóng  ta phải biết cách chữa, có thể chế thêm một ít sơn non vào rồi đem thử lại(chiến lại ) có thể sơn sẽ bóng. Tốt nhất là khi thử mà được bóng ngay thì chắc chắn là loại sơn tốt.
Nhận xét mầu sơn sống non hay già, xấu hay tốt. Sơn sống tốt ta gọi là sơn già hay sơn nhất. Trước khi mua ta thử bằng cách, mở nắp sải sơn ra, lấy một que tre, khoắng từ dưới đáy sải sơn lên, nếu là sơn tốt thì mầu sắc suốt từ dưới lên trên có một mầu hung hung, ngà ngà như nước dưa tức là sơn tốt. Nếu thấy mầu sắc sơn trắng bềnh bệch tức là sơn non( kém tuổi ), với cách nhận định như vậy, có thể thoáng qua ta đã có thể biết sơn xấu hay tốt rồi.
IX / BỆNH LỞ SƠN
Trong chất sơn, có một thứ hơi bốc lên có chất rất độc, nếu ta mở một sải sơn đã để lâu ngày ta sẽ thấy hơi sơn bốc lên rất mạnh, nó có thể bám ngay vào những lỗ chân lông ta làm cho ta bị lở sơn. Ta bị dính sơn lên người cũng có thể bị lở. Bệnh lở sơn không phải ai cũng bị, đã có câu“Sơn ăn từng mặt, ma bắt từng mgười”. Những người không quen sơn có khi chỉ đi qua hàng sơn ngửi thấy mùi sơn đã có thể bị rồi. Sơn sống dễ làm ta bị lở hơn là sơn chín( sơn đã đánh rồi ).
Bệnh lở sơn sẽ làm hai mu mắt sưng lên, gây ngứa toàn thân, càng gãi càng ngứa, những chỗ gãi sẽ làm da bị tổn thương chảy nước. Muốn chữa bệnh lở sơn cũng không khó, phương thuốc cổ truyền rất đơn giản, khi chúng ta bị lở sơn ta lấy ngay lá khế tươi sát vào chỗ ngứa, các vết ngứa sẽ thâm đen lại và dịu đi, cũng có thể dùng phấn rôm trẻ em để xoa vào da cho mát. Trong khi bị lở sơn, nên kiêng kị nước để tránh vết lở lan rộng ra. Thời gian khỏi bệnh vào khoảng 4 đến 5 ngày.
X / SƠN DÙNG ĐỂ GẮN KẾT
Muốn gắn một thứ đồ đạc gì ta dùng sơn nhì, trộn với mùn cưa đã dây thật nhỏ theo tỉ lệ: 1 phần sơn sống 3 phần mùn cưa trộn đều cho dẻo, cũng có khi người ta dùng bột mọt gỗ thay cho mùn cưa. Ta đã có hỗn hợp dùng để gắn kết Thí dụ: cần gắn 4 góc cuả một khay bằng gỗ. Trước hết ta phải chuẩn bị dụng cụ cho việc gắn gồm: 1bay xương, 1 con dao trổ, một ít lạt hay dây gai để buộc và hỗn hợp sơn mùn cưa đã trộn kĩ. Bốn góc khay ta định gắn được gim bằng những đinh nhỏ, dùng dao trổ nhẹ nhàng nậy từng góc cho hở khe ra chừng 4 ly, lấy bay xương gạt chất gắn vào các khe cho đầy và đều cả 4 góc, dùng búa nhỏ gõ cho các khe khít lại như cũ, dùng bay xương gạt những phần sơn gắn bị bè ra ngoài cho gọn gẽ, phần đáy khay cũng làm tương tự. Xong việc gắn, dùng dây gai hay lạt buộc cho chặt và luôn nhớ giữ cho các mặt phẳng của khay ổn định. 3 đến 4 ngày sơn khô, tháo dây buộc ra dùng dao trổ sửa sang lại cho đẹp. 
Thầy Phạm Hậu đang lên lớp lí thuyết sơn mài truyền thống tại trường Quốc Gia Mỹ Nghệ




 

1 nhận xét:

  1. Cả một đời dạy học Thầy Phạm Hậu đã đào tạo hàng ngàn học trò. Chắc nhiều người trong số đó đã thành tài và nổi danh không kém gì Thầy. Nhưng vì các học trò Thầy ở tản mát khắp nơi, không có sự liên lạc nên ít người biết đến. Nay blog "Họa sĩ Phạm Hậu và gia đình" ra đời hy vọng đó sẽ là sợi dây liên lạc để các học trò Thầy Phạm Hậu liên lạc được với nhau để có dịp nhớ lại những kỷ niệm thời đi học, cùng nhau trao đổi những kinh nghiệm để nâng cao tay nghề. Đó cũng là một cách cụ thể tưởng nhớ tới Thầy, để làm cho ngành sơn mài Việt Nam ngày càng có giá trị trong nền Mỹ Thuật Việt Nam. về TIỂU SỬ THẦY PHẠM HẬU

    Trả lờiXóa