Trong vườn nhà, cũng tàm tạm gọi
là tiểu cảnh, có hồ nước, có núi, cây xanh, thảm cỏ, tất cả được bố cục, xắp đặt
một cách hợp lí, tạo nên một thiên nhiên thu nhỏ hữu tình, trên bến, dưới thuyền.
Bạn bè đến thăm cũng thấy thú vị. Với diện tích nho nhỏ đó có lẽ đã đầy hết chỗ
và cũng vừa đủ tầm để tự mình có thể chăm sóc cây cối, thư dãn lúc tuổi già.
Sáng sáng, sau khi tưới tắm cho mảnh
vườn, ngồi bên ly trà, nhìn ngắm toàn cảnh, nét tổng quan thế là tạm ổn, nhưng
hình như muốn tận hưởng từng chi tiết của cây cối, muốn xem từng cành cây, ngọn
lá thì chỉ có loại “bonsai” mới có thể khoe hết khả năng đó. Nhưng không thể
đưa thể loại “bonsai” vào vườn được vì không hợp với cảnh quan chung của vườn.
Mỗi cây “bonsai” là một bố cục độc lập, một không gian quy ước riêng, được gói
gọn trong từng chậu cảnh, người thưởng thức được nhìn ngắm mọi phía để thưởng
thức hết cái hay, cái đẹp của thiên nhiên thu nhỏ của từng “tác phẩm” do bàn
tay con người tạo nên. Nếu đặt “bonsai” vào trong vườn sẽ không thấy hết cái đẹp
của từng “tác phẩm” và sẽ mất đi tính quy ước về không gian vốn là yếu tố cơ bản
của thể loại nghệ thuật này.